📞

Giá tiêu hôm nay 22/11/2023, thị trường phản ứng trái chiều; thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam

hải an 06:06 | 22/11/2023
Giá tiêu hôm nay 22/11/2023 tại thị trường trong nước tăng nhẹ ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 68.500 – 71.500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 22/11/2023, thị trường phản ứng trái chiều; thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam. (Nguồn: Shutterstock)

Giá tiêu hôm nay 22/11/2023 tại thị trường trong nước tăng nhẹ ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 68.500 – 71.500 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai ở mức 69.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (68.500 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (70.000 đồng/kg); Bình Phước (71.000 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 71.500 đồng/kg.

Như vậy, tại thị trường trong nước, giá tiêu hôm nay tăng 500 đồng/kg so với cùng thời điểm hôm qua. Các đơn hàng cuối năm và đồng USD giảm đang giúp hồ tiêu lấy lại đà tăng.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), thị trường tuần trước có phản ứng trái chiều.

Cụ thể, sau 2 tuần ghi nhận giảm, giá tiêu Ấn Độ gia tăng trong khi đó giá tiêu nội địa Sri Lanka tiếp tục giảm.

Ở Đông Nam Á, giá tiêu giao dịch nội địa và quốc tế của Indonesia ổn định trong tuần qua. Giá tiêu đen nội địa Malaysia ghi nhận giảm trong tuần trước. Trong khi đó, các loại khác duy trì ổn định và không thay đổi.

Chỉ có giá tiêu đen nội địa Việt Nam tiếp tục tăng trong 2 tuần qua. Trong khi đó, các loại khác duy trì ổn định và không thay đổi. Như vậy tuần qua chứng kiến giá tiêu tăng tại Ấn Độ và Việt Nam.

Ngày 20/11, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), VPSA tổ chức tổng kết Dự án "Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam".

Tại sự kiện, bà Phan Thị Vân, Giám đốc Chương trình IDH Việt Nam cho biết, Tây Nguyên chiếm khoảng 60% diện tích trồng tiêu cả nước với hơn 70.000 ha.

Những năm gần đây, việc trồng hồ tiêu tại Tây Nguyên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngành hồ tiêu Việt Nam phải đối mặt với việc mất khả năng cạnh tranh quốc tế về chất lượng và giá cả, ảnh hưởng đến sinh kế của các hộ nông dân trồng tiêu.

Nguyên nhân chính do việc sử dụng không đúng cách các hóa chất nông nghiệp, quy trình canh tác thiếu bền vững, thiếu thông tin cập nhật về xu hướng và yêu cầu mới từ thị trường.

Dự án "Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam" do EU và tổ chức IDH tài trợ, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2023 tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được những lợi ích từ các cam kết thương mại song phương, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ Việt Nam sang EU.

Thông qua dự án, gần 8.000 hộ nông dân được nâng cao kiến thức và thực hành sản xuất nông nghiệp xanh theo các tiêu chuẩn trên diện tích 8.500 ha. Qua 3 năm triển khai, dự án đạt được một số kết quả như tăng 60% khối lượng hạt tiêu tuân thủ các yêu cầu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của thị trường cao cấp; 50% đại lý thuốc bảo vệ thực vật ký cam kết tuân thủ các quy định về quản lý thuốc.

Ngoài ra, dự án đã góp phần giảm 98% việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm; huy động 12 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu Việt Nam tham gia vào dự án; 14 đội dịch vụ nông nghiệp được thành lập nhằm cung cấp dịch vụ nông nghiệp, tư vấn và giám sát việc sử dụng hóa chất có trách nhiệm…

Tại buổi tổng kết, các đại biểu đã thảo luận về các tác động của dự án trong việc thay đổi thực hành canh tác sản xuất hồ tiêu bền vững, kết quả, bài học kinh nghiệm, kế hoạch nhân rộng dự án. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn đánh giá cao dự án đã tạo điều kiện cho nông dân trên địa bàn 6 huyện của 3 tỉnh Tây Nguyên sản xuất hồ tiêu bền vững.

(tổng hợp)