Giá tiêu hôm nay 22/6: Thế giới tăng, thấp nhất 71.000đ/kg. (Nguồn: AdobeStock) |
Cập nhật giá tiêu thế giới
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, tính đến 0h15 ngày 22/6, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ ở mức 42.433,35 Rupee/tạ (cao nhất), 42.150 Rupee/tạ (thấp nhất), tăng nhẹ so với phiên trước đó.
Tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam so với Rupee Ấn Độ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 17-23/6/2021 là 315,27 VND/INR.
| Australia giữa dòng xoáy cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc: Yếu thì phải chịu thiệt! Khi Mỹ và Trung Quốc nhắm vào các tham vọng kinh tế và quân sự của nhau, một số người ở Australia lo ngại đất ... |
Giá tiêu trong nước
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giao dịch ở mức từ 71.000 – 74.500 đ/kg tại các địa phương.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai, Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 71.000 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (72.500 đ/kg); Bình Phước (73.000 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 74.500 đ/kg.
Theo Tintaynguyen.com, vài tháng trở lại đây, khi thấy giá tiêu liên tục tăng, nhiều nông dân ở Đắk Lắk, Đắk Nông đang bắt đầu tăng diện tích trồng cây tiêu.
Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông cho biết toàn huyện có hơn 1.000ha hồ tiêu, trong đó phần lớn đã cho thu hoạch.
Từ đầu mùa vụ tới nay, mặt bằng giá hồ tiêu tăng hơn mọi năm, nên người dân đã mở rộng diện tích loại cây trồng này. Thị trường buôn bán trụ hồ tiêu đã “nóng” trở lại. Tuy nhiên, điều này sẽ đối diện nhiều rủi ro, thậm chí tái diễn tình trạng “cung vượt quá cầu”.
Trước thực trạng trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô đã khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, trong thời điểm này chưa nên mở rộng diện tích hồ tiêu.
Ông Lộc nói: “Trước đây có nhiều vườn tiêu bị chết do dịch bệnh, chủ vườn đào trụ lên bán lại. Lúc này, mầm bệnh vẫn tồn tại trên trụ tiêu, nếu không được xử lý kỹ, nông dân rất dễ “gặp họa”. Vì vậy, người dân không nên tiếp tục phát triển hồ tiêu mà cần tập trung chăm sóc những vườn hồ tiêu khỏe mạnh, phù hợp để ổn định sản xuất”.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển nông sản cho rằng, việc giá hồ tiêu tăng cao như hiện nay là tín hiệu đáng mừng cho nông dân, cho ngành hồ tiêu, cũng là cơ hội để người trồng tiêu vực dậy sau nhiều năm giá xuống thấp.
Tuy nhiên, hiện ở nhiều địa phương tại Tây Nguyên, nông dân đang ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu, vấn đề này rất đáng lo ngại vì nguy cơ dẫn đến vỡ quy hoạch, cung vượt cầu.
Để tránh rủi ro cho người trồng hồ tiêu, các địa phương nên khuyến cáo người dân cần thận trọng khi mở rộng diện tích trồng hồ tiêu lúc giá đang lên cao. Người dân cần tập trung chăm sóc, đầu tư vào diện tích hồ tiêu đang cho năng suất ổn định, tránh đầu tư vào những vùng đất kém hiệu quả, cằn cỗi; chú trọng đầu tư theo hướng hữu cơ, VietGAP.
Mặt khác, các địa phương cần hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ tiêu sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận thị trường, đầu tư mạnh vào chế biến sâu để tăng các loại sản phẩm, số lượng và kim ngạch xuất khẩu khi thu hoạch rộ hồ tiêu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng đến năm 2025, duy trì diện tích trồng hồ tiêu khoảng 100.000-120.000 ha, diện tích cho thu hoạch 95.000 ha, năng suất bình quân 25-27 tạ/ha, sản lượng khoảng 237-256 ngàn tấn/năm.