Giá tiêu hôm nay 23/6/2023, tiêu xuất khẩu tăng về lượng và giá, hàng Việt tiếp tục bị cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. (Nguồn: Case of Cooking) |
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giảm nhẹ ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 70.000 – 72.500 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 70.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (70.500 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (71.000 đồng/kg); Bình Phước (72.000 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 72.500 đồng/kg.
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu trong nửa đầu tháng 6/2023 đạt 10.454 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 38,33 triệu USD. Xuất khẩu 5,5 tháng đầu năm đạt 141.897 tấn, tăng 27,4% về lượng, và giảm 12,86% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 3.667 USD/tấn, tăng 18,06% so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 5/2023.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) vừa công bố số liệu cho thấy, 18 ngày đầu tháng 6/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 11.305 tấn, trong đó tiêu đen đạt 9.778 tấn, tiêu trắng đạt 1.527 tấn.
Trên thị trường thế giới, trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5, giá tiêu đen thế giới biến động trái chiều với xu hướng giảm tại Indonesia và tăng khá mạnh tại Việt Nam.
Cụ thể như sau, tại Indonesia, tính đến ngày 15/5 giá tiêu đen Lampung neo ở mức 3.565 USD/tấn, giảm 1,9% so với cuối quý I.
Ở chiều ngược lại, giá tiêu đen Việt Nam xuất khẩu loại 500 và 550 g/l đã tăng 8 - 10% (275 - 325 USD/tấn) so với cuối tháng 3 lên mức 3.500 - 3.600 USD/tấn.
Trong khi đó, giá tiêu tại các thị trường khác lại tương đối ổn định. Tại Brazil, giá tiêu đen ASTA 570 đã giữ nguyên ở mức 2.950 USD/tấn trong hai tháng trở lại đây.
Theo ghi nhận tại thị trường Ấn Độ, nguồn cung từ vụ mới đã gây áp lực lên giá trong khi nhu cầu xuất khẩu cũng giảm. Giá tiêu chưa phân loại tại thị trường nội địa nước này được giao dịch ở mức 488 rupee/kg, trong khi tiêu đã được phân loại giao dịch ở mức 508 rupee/kg.
Phân tích về vấn đề cạnh tranh, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA cho biết, hai quốc gia cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam và có tác động đến giá hồ tiêu thế giới là Indonesia và Brazil. Tuy nhiên, Indonesia đang trong thời kỳ thoái trào cây tiêu.
Theo bà Liên, tiêu Brazil luôn cạnh tranh về giá hơn tiêu Việt Nam nhưng đang bị kiểm soát về vấn đề nhiễm vi khuẩn Samonella ở thị trường Liên minh châu Âu (EU) nên hàng của Việt Nam tương vẫn có lợi thế ở thị trường này.
Gần đây, để đa dạng thị trường, tiêu Brazil cũng đã dần xuất hiện tại Trung Đông và châu Phi với giá chào thấp hơn Việt Nam nhờ có lợi thế về chi phí vận tải, vị trí địa lý.
Dự báo trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục bị Brazil cạnh tranh rất lớn về giá trên thị trường. Đó là chưa kể đến việc Brazil có thể tăng nhanh sản lượng, có nhiều vườn tiêu mới trong khi tiêu của Việt Nam đang ở vào giai đoạn khai thác vườn lâu năm.