📞

Giá tiêu hôm nay 25/7, nối dài đà tăng, giá xuất khẩu ổn định, tiêu Việt chiếm lĩnh vị trí số 1 tại Mỹ

Hải An 05:12 | 25/07/2022
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước nối dài đà tăng ở một số địa phương, giao dịch từ 69.000 - 72.000 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay 25/7, nối dài đà tăng, giá xuất khẩu ổn định, tiêu Việt chiếm lĩnh vị trí số 1 tại Mỹ. (Nguồn: Iexport)

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước nối dài đà tăng ở một số địa phương, giao dịch từ 69.000 - 72.000 đ/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai, Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 69.000 đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (70.000 đ/kg); Bình Phước (71.000 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 72.000 đ/kg.

Như vậy, tổng kết tuần qua, giá tiêu trong nước tăng trung bình 2.500 đồng/kg. Trong khi đó, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế vẫn niêm yết giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam ổn định từ đầu tháng. Cụ thể, tiêu đen xuất khẩu loại 500g/l ở mức 3.650 USD/tấn, loại 550g/l ở mức 3.900 USD/tấn, tiêu trắng 5.700 USD/tấn.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu trong nửa đầu tháng 7/2022 đạt 9.085 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 37,32 triệu USD, đưa xuất khẩu 6,5 tháng đầu năm lên đạt 132.660 tấn, giảm 21% về lượng nhưng lại tăng 9,02% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 4.108 USD/tấn, giảm 0,6% so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 6/2022.

Trong những năm qua, hạt tiêu Việt Nam đã khẳng định lại vị thế thống trị của mình tại thị trường Mỹ, và giữ vị trí số một về nguồn cung hạt tiêu tại thị trường này.

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ, 11 tháng năm 2021, thị trường này nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt 58,1 nghìn tấn, trị giá 211,47 triệu USD, tăng 8,3% về lượng và tăng 45% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ tăng từ 66,6% trong 11 tháng năm 2020 lên 68,25% trong 11 tháng năm 2021.

Tháng 6/2022, Việt Nam xuất khẩu được 24.214 tấn hồ tiêu, tổng kim ngạch đạt 100,4 triệu USD, kim ngạch tăng 1,7%. Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất với 5.136 tấn, tuy nhiên, nhập khẩu của nền kinh tế lớn nhất thế giới ghi nhận giảm 11,2% so với tháng 5.

Xét về cơ cấu nguồn cung hạt tiêu cho Mỹ, ngành hồ tiêu Việt Nam đóng vai trò quan trọng.

Dù vậy, với những quy định, tiêu chuẩn khắt khe trong quá trình nhập khẩu hàng hóa tại các thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu, ngoài việc đảm bảo sản phẩm hồ tiêu sạch thì quy cách về màu sắc, kích thước hạt cũng là một trong những tiêu chuẩn đáng quan tâm.

Ngoài ra, chất lượng đồng bộ và khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng của sản phẩm cũng là hai yếu tố được hai thị trường lớn kể trên chú trọng.

Tuy nhiên, muốn đạt được các tiêu chuẩn xuất khẩu này là điều không đơn giản vì chúng phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm quy trình trồng, kỹ thuật canh tác và chăm sóc đúng cách cũng như thu hoạch, sản xuất và bảo quản tiêu.

Để đảm bảo hạt tiêu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao nhất, mỗi khâu trong quá trình sản xuất và chế biến phải được giám sát chặt chẽ để đảm bảo rằng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

(tổng hợp)