Giá tiêu hôm nay 28/11, tăng nhẹ, cao nhất 85.000đ/kg. (Nguồn: SAM Agritech) |
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đảo chiều tăng ở một số địa phương, giao dịch từ 81.500 - 85.000 đ/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 81.500 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (82.500 đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (82.500 đ/kg); Bình Phước (83.050 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 85.000 đ/kg.
Như vậy, sau quãng thời gian gần 4 tuần chỉ có giữ ổn định và giảm, giá tiêu trong nước đã bắt đầu có tín hiệu khởi sắc, đây là điều được giới quan sát nhận định sẽ xảy ra vào thời điểm cuối tháng 11/2021.
Thời gian qua, thị trường trong nước bị "kìm hãm" bởi nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, khiến nó như "chiếc lò xo" bị nén. Vậy nên, khi "chiếc lò xo" này được giải phóng, khả năng bật tăng của giá tiêu được dự đoán sẽ rất cao.
Theo KTĐT, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện giá tiêu ở địa phương này đang ở mức 83.000 đồng/kg và theo dự báo, nhu cầu xuất khẩu tiêu cuối năm sẽ cao do nhu cầu thu mua từ thị trường Trung Quốc, Ấn Độ có tín hiệu tăng vào dịp cuối năm.
Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê thông tin, những tháng cuối năm, nếu thương lái Trung Quốc tăng cường thu mua tiêu để chuẩn bị cho thị trường dịp Tết Nguyên đán thì chắc chắn giá tiêu sẽ tiếp tục tăng thêm.
Giá tiêu sẽ tăng từ đây cho đến cuối năm 2021, dự báo trên 100.000 đồng/kg. Việc giá tiêu tăng lên trên 200.000 đồng/kg còn phải chờ 3 - 4 năm nữa. Không thể một sớm, một chiều giá tiêu tăng vọt.
Theo các chuyên gia, dù giá tiêu tăng nhưng hiện nay và thời gian tới thị trường cũng sẽ kém sôi động. Bởi 4 tuần qua giá hạ, các đơn vị xuất khẩu đã tranh thủ gom đủ hàng xuất cho tới cuối năm, và theo dự đoán họ sẽ tiếp tục găm hàng cho tới khi đạt mốc 90.000 đồng/kg.
Thực tế ghi nhận, từ đầu tuần, khách nước ngoài (gồm cả thương nhân Trung Quốc) hỏi mua nhiều, nhất là đơn hàng tháng 1,2,3/2022 nhưng ít đơn vị có ý định bán.
Với đà chớm tăng như hiện nay, người dân sẽ có tâm lý xả nốt hàng dự trữ còn lại để chi dùng cuối năm, đón vụ tiêu mới. Nhưng theo các chuyên gia, bà con nên thận trọng, chờ đợi tiếp diễn biến thị trường, không nôn nóng bán theo tin đồn để tránh bị thiệt.
Trên thị trường thế giới, từ đầu năm đến nay, do nguồn cung sụt giảm nên xuất khẩu của các nước sản xuất chủ chốt trên thế giới đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng bù lại giá tăng cao đã mang đến hy vọng hồ sinh cho ngành hồ tiêu thế giới sau nhiều năm suy giảm bởi dư thừa nguồn cung.
Theo ước tính của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), sản lượng hồ tiêu toàn cầu sẽ đạt 574.000 tấn trong năm 2021, giảm 3% so với ghi nhận vào năm trước. Trong đó sản lượng của Việt Nam giảm 8%.
Tại Indonesia, sản lượng hồ tiêu của nước này có thể giảm ít nhất 30% trong vụ mùa năm sau. Tương tự, những người trồng tiêu tại bang Karnataka (Ấn Độ) lo lắng sản lượng vụ này sẽ không bằng 50% so với vụ trước.
Bên cạnh những yếu tố kể trên, chi phí sản xuất tăng cao, nhất là phân bón, xăng dầu, giá cước vận chuyển,… cũng là những nguyên nhân dự kiến sẽ tác động lên giá hồ tiêu trong thời gian tới.