📞

Giá tiêu hôm nay 28/6/2023, thị trường ảm đạm, nguồn cung dự báo thiếu hụt mạnh, giá sẽ vọt tăng nhưng không có hàng để bán

Hải An 06:06 | 28/06/2023
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giảm nhẹ ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 68.500 – 71.500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 28/6/2023, thị trường ảm đạm, nguồn cung dự báo thiếu hụt mạnh, giá sẽ vọt tăng nhưng không có hàng để bán. (Nguồn: Shutterstock)

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giảm nhẹ ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 68.500 – 71.500 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 68.500 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (69.000 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (69.500 đồng/kg); Bình Phước (70.500 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 71.500 đồng/kg.

Như vậy, thị trường hồ tiêu trong nước vẫn đang xấu đi khi lượng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh, và thông tin về sản lượng vụ mới tăng.

Chuyên gia nhận định, để đánh giá việc liệu rằng giá có tiếp tục tăng hay không cần theo dõi sức kéo của cung - cầu trong thời gian tới.

Về mặt tâm lý ai cũng muốn giá lên, người dân muốn giá lên để hỗ trợ chi phí, doanh nghiệp muốn giá lên để có lợi nhuận chia sẻ với người dân. Bản thân Nhà nước cũng cần giá tốt để tăng kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, cần đánh giá xem sức kéo của cung và lực đẩy của cầu có làm được điều đó hay không. Trong đó, vụ mùa dự báo sản lượng thấp ở Indonesia và Brazil là yếu tố sẽ thúc đẩy thị trường đi lên trong những tháng cuối năm.

Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC) dự báo thị trường hạt tiêu toàn cầu nhìn chung vẫn khá ảm đạm. Việt Nam đang là quốc gia có sản lượng hạt tiêu đứng đầu thế giới. Năm 2022, nước ta xuất khẩu khoảng 220.000 tấn, chiếm 55% tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu. Do đó, thị trường hạt tiêu thế giới ảm đạm tác động trực tiếp đến ngành hàng này của nước ta.

Thông tin trên VietNamNet, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cho biết, giá hạt tiêu trên 100.000 đồng/kg nông dân mới có lời. Nhưng một thời gian dài, người nông dân trồng tiêu phải bán với giá khá thấp. Trong khi đó, giá sầu riêng lại cao ngất ngưởng nên nhiều nhà vườn phá bỏ hồ tiêu để trồng sầu riêng hay các loại cây ăn quả khác.

Ông Bính lo ngại, không giữ được diện tích, vài năm tới nguồn cung thiếu hụt, giá tiêu sẽ tăng vọt.

“Trồng tiêu phải mất 4 năm mới được thu hoạch. Bây giờ phá bỏ, đợi đến lúc tiêu được giá nông dân mới đổ xô trồng lại và đến chu kỳ thu hoạch thì giá tiêu lại rẻ”, ông Bính nói. Điệp khúc trồng chặt này trước đó đã diễn ra với ngành hồ tiêu.

Ghi nhận từ báo cáo mới nhất của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 3/2023, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Đức từ thị trường ngoại khối Liên minh châu Âu (EU) đạt mức 4.231 EUR/tấn, tăng 2,5% so với tháng 2/2023, nhưng giảm 10,8% so với tháng 3/2022.

Tính chung quý I/2023, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Đức từ thị trường ngoại khối EU đạt mức 4.171 EUR/tấn, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, Đức đã giảm nhập khẩu hạt tiêu từ nhiều thị trường ngoại khối, nhưng tăng nhập khẩu từ Campuchia và Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Việt Nam được ghi nhận là nguồn cung hạt tiêu ngoại khối EU lớn nhất cho Đức trong quý I/2023, đạt 1,62 nghìn tấn, trị giá 6,94 triệu EUR (tương đương 7,45 triệu USD), giảm 3,7% về lượng và giảm 10,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Đức từ thị trường ngoại khối EU tăng từ 32,69% trong quý I/2022 lên 46,82% trong quý I/2023.

(tổng hợp)