📞

Giá tiêu hôm nay 5/6: Thế giới tiếp tục tăng, cao nhất 71.000đ/kg; người dân có thể ngậm ngùi vì không còn hàng để bán

HOÀNG NAM 05:12 | 05/06/2021
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, tính đến 0h15 ngày 5/6, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ ở mức 41.850 Rupee/tạ (cao nhất), 41.400 Rupee/tạ (thấp nhất), tăng nhẹ so với phiên trước đó.
Giá tiêu hôm nay 5/6: Thế giới tiếp tục tăng, cao nhất 71.000đ/kg. (Nguồn: Borneo Talk)

Cập nhật giá tiêu thế giới

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, tính đến 0h15 ngày 5/6, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ ở mức 41.850 Rupee/tạ (cao nhất), 41.400 Rupee/tạ (thấp nhất), tăng nhẹ so với phiên trước đó.

Tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam so với Rupee Ấn Độ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 3-9/6/2021 là 315,86 VND/INR.

Giá tiêu trong nước

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giao dịch ở mức từ 66.500 - 71.000 đ/kg tại các địa phương.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 66.500 đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (67.000 đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (69.000 đ/kg); Bình Phước (70.000 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 71.000 đ/kg.

Như Peppertrade đã phân tích, sản lượng tiêu toàn cầu năm nay tiếp tục suy giảm, khi Brazil có khả năng phải đối mặt với một đợt hạn hán nghiêm trọng vào tháng 9 tới, có nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng nông sản, trong đó có hồ tiêu niên vụ 2021/2022.

Còn Indonesia, sản lượng dự báo giảm trên 20% so với niên vụ 2020. Trước đó, vụ tiêu của Việt Nam cũng kết thúc vào đầu tháng 5/2021 với sản lượng giảm nhiều so với vụ trước.

Theo VOH, hiện các đơn vị xuất khẩu trong nước đã tranh thủ ôm hàng chờ giá tốt, lượng tiêu trong dân không còn nhiều. Trong tháng 5/2021, lượng tiêu xuất khẩu Việt Nam ước đạt 28.000 tấn, nâng tổng số xuất khẩu 5 tháng đầu năm lên 121.000 tấn.

Các chuyên gia dự báo, với sản lượng xuất khẩu được giữ vững trong tháng 6/2021, lượng tiêu trong dân sẽ cạn. Như vậy, thị trường quý III và IV năm nay có thể tăng mạnh kéo dài. Lúc này người nông dân khả năng “ngậm ngùi” vì đã lỡ bán hết tiêu.

Tuy vậy, thực tế hiện nay chi phí để tái đầu tư vụ mới đang tăng cao khiến nhiều người không thể trữ lại tiêu như mọi năm, mà buộc phải bán dần để lấy tiền. Như tại Đắk Nông, hiện địa phương đang bước vào mùa mưa, đây là giai đoạn quan trọng để chăm sóc, bón phân tổng lực cho các loại cây trồng. Thế nhưng, hiện nay, giá phân bón các loại tăng cao, khiến nhiều nông dân gặp không ít khó khăn.

Theo nhận định của ngành nông nghiệp, nguyên nhân giá phân tăng là do chi phí vận chuyển tăng. Bởi trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, việc đi lại, vận chuyển trở nên khó khăn và chi phí các khâu đều tăng.

Điều này kéo theo giá phân bón và nhiều mặt hàng khác tăng theo. Dự báo trong thời gian tới, giá phân có thể sẽ tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, giá trụ tiêu, dây giống cũng tăng mạnh.

Giá phân bón tăng vào đầu mùa mưa đã tạo thêm gánh nặng cho người dân. Nhiều nông dân hiện nay đang loay hoay giữa cắt giảm chi phí phân bón hoặc tiếp tục đầu tư với mong muốn gặp may vào cuối vụ…

(theo Peppertrade, tổng hợp)