📞

Giá tiêu hôm nay 5/7/2024, tiếp đà giảm, lý do người dân chưa mặn mà mở rộng diện tích dù thị trường đi lên

H.A 06:06 | 05/07/2024
Giá tiêu hôm nay 5/7/2024 tại thị trường trong nước tiếp tục giảm ở các địa phương trọng điểm, giao dịch từ 149.000 - 151.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 5/7/2024, tiếp đà giảm, lý do người dân chưa mặn mà mở rộng diện tích dù thị trường đi lên. (Nguồn: Getty)

Giá tiêu hôm nay 5/7/2024 tại thị trường trong nước tiếp tục giảm ở các địa phương trọng điểm, giao dịch từ 149.000 - 151.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai ở mức 149.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (149.000 đồng/kg); Đắk Lắk (151.000 đồng/kg); Đắk Nông (151.000 đồng/kg); Bà Rịa - Vũng Tàu (150.000 đồng/kg) và Bình Phước (150.000 đồng/kg).

Như vậy, giá tiêu trong nước hôm nay tiếp đà giảm ở các địa phương trọng điểm, mức giảm 1.000 - 5.000 đồng/kg. Giá tiêu cao nhất được ghi nhận ở mốc 151.000 đồng/kg.

Giá tiêu trong nước chịu áp lực giảm ngày thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh giá tiêu Việt Nam giao dịch trên thị trường quốc tế đã điều chỉnh giảm hơn 5% trong 2 ngày qua.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, song tốc độ tăng sẽ chậm lại. Hiện nguồn cung hồ tiêu thiếu hụt trong khi nhu cầu hồi phục mạnh mẽ từ các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Sản lượng hạt tiêu năm nay của Việt Nam và nhiều nước sản xuất lớn được dự báo đều sụt giảm, do tác động của hiện tượng El Nino lẫn suy giảm diện tích canh tác.

Đáng chú ý, mặc dù giá tiêu đang ở quanh vùng giá cao nhất 8 năm trở lại đây, nhưng nhiều chuyên gia nhận định người dân vẫn chưa mặn mà với việc mở rộng diện tích canh tác tiêu trở lại.

Dữ liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, diện tích và sản lượng tiêu ngày càng giảm, năm 2020 diện tích hơn 130.000 ha, năm 2023 chỉ còn 120.000 ha, sản lượng đạt 190.000 tấn. Ước tính sản lượng tiêu năm nay tiếp tục giảm xuống chỉ còn khoảng 170.000 tấn, mức thấp nhất 5 năm gần đây.

Dự kiến diện tích trồng tiêu năm nay có thể sẽ tiếp tục giảm khi người dân có xu hướng chuyển sang trồng sầu riêng, đặc biệt là các vườn tiêu già cỗi đứng trước rủi ro cao sẽ bị xoá bỏ.

Ông Hoàng Phước Bính - Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) chia sẻ, dưới tác động yếu tố dịch bệnh, chuyển đổi sang cây trồng khác, đặc biệt là cây sầu riêng, diện tích hồ tiêu có thể đã giảm mạnh.

"Diện tích hồ tiêu Việt Nam có thể chỉ đang khoảng 60.000 - 70.000ha, bằng phân nửa so với số liệu công bố 2021. Với thực tế giá tiêu ở mức thấp kéo dài như hiện nay, diện tích sẽ còn giảm, kéo sản lượng giảm theo", ông Hoàng Phước Bính lo ngại.

Theo ước tính của một số chuyên gia ngành hàng, với mức giá hiện tại, lợi nhuận của hồ tiêu chỉ đạt xấp xỉ 5.000 USD/ha, trong khi sầu riêng có thể đem về mức lợi nhuận gấp hơn 8 lần, lên tới hơn 40.000 USD/ha. Điều này khiến tình trạng phá hồ tiêu trồng sầu riêng diễn ra nhiều, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung mặt hàng gia vị này.

Trên thị trường thế giới kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 7.109 USD/tấn, giảm 0,01%; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 7.250 USD/tấn, giảm 50 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA mức 7.500 USD/tấn.

Giá tiêu trắng Muntok 9.052 USD/tấn, giảm 0,01%; giá tiêu trắng Malaysia ASTA ở mức 8.800 USD/tấn.

Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 6.000 USD/tấn với loại 500 g/l, giảm 6,67%; loại 550 g/l mức 6.600 USD/tấn, giảm 4,55%; giá tiêu trắng ở mức 9.000 USD/tấn, giảm 5,56%. IPC tiếp tục giảm nhẹ giá tiêu tại Indonesia, Brazil; giảm tương đối giá tiêu xuất khẩu các loại của Việt Nam.