Giá tiêu hôm nay 8/2: Thế giới liệu có đảo chiều, trong nước chịu nhiều áp lực, cao nhất 53.000đ/kg. (Nguồn: The Kitchen Magpie) |
Cập nhật giá tiêu thế giới
Giá tiêu thế giới hôm nay 8/2 không đổi so với hôm qua, giảm nhẹ so với đầu tuần, ghi nhận lúc 0h15 ngày 8/2 (giờ Việt Nam), giá hồ tiêu thế giới giao ngay trên sàn trực tuyến NCDEX Kochi (Ấn Độ) giao dịch ở 34.381,8 Rupee/tạ (thấp nhất), và 34.475 Rupee/tạ (cao nhất) so với mốc 34.583,35 Rupee/tạ (cao nhất) vào hôm thứ Hai (1/2).
Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng Rupee Ấn Độ (INR) ngày 7/2 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng là 316,12 VND/INR.
Dự báo cho thấy, giá hạt tiêu thế giới sẽ còn tăng trong thời gian tới, bởi nguồn cung hạt tiêu thiếu hụt do mùa vụ 2020/2021 dự kiến sẽ thu hoạch trễ hơn. Tâm lý găm giữ hàng tại các quốc gia sản xuất lớn sẽ diễn ra, tạo thêm áp lực cạnh tranh mua trên thị trường.
Thị trường tiêu đen toàn cầu sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ từ nay cho đến năm 2025, chủ yếu được thúc đẩy bởi số lượng thương vụ mua bán và sáp nhập ngày càng tăng trên thị trường hồ tiêu toàn cầu.
Bên cạnh đó, sự đổi mới về sản phẩm và xu hướng sử dụng ngày càng tăng của người tiêu dùng cũng đã khuyến khích sự phát triển của mặt hàng này. Thị trường tiêu đen toàn cầu ước tính sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 6,1%, đạt 5.701 triệu USD vào cuối năm 2024.
Còn theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), thị trường thế giới vẫn duy trì nhu cầu cao về hạt tiêu từ nay đến tháng 4/2021, do dịp này có nhiều lễ hội tại các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Nepan…
Ngoài ra, xu hướng sử dụng hạt tiêu trong ngành dược mỹ phẩm cũng đang tăng, nên giá hạt tiêu sẽ còn được giữ ở mức cao đến giữa năm 2021.
Giá tiêu trong nước
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá tiêu tại thị trường trong nước ở mức từ 51.00-53.000/kg, không thay đổi so với một ngày trước đó.
Cụ thể, giá tiêu tại Đồng Nai, Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 51.000đ/kg. Các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (51.500đ/kg); Bình Phước (52.000đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn ở ngưỡng cao nhất là 53.000 đồng/kg.
Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản, nông sản nói chung và ngành tiêu 2021 nói riêng đang chịu nhiều thách thức to lớn. Trong đó, ngành xuất khẩu tiêu Việt Nam đang chịu 4 thách thức lớn nhất. Cụ thể:
- Các ngành hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ các sản phẩm của những quốc gia xuất khẩu nông sản khác. Các nước đang tăng cường đầu tư cho sản xuất lương thực, thực phẩm nội địa nhằm giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu và bảo đảm an ninh lương thực.
- Khi thực hiện các cam kết mở cửa thị trường, giảm thuế thì các nước nhập khẩu sẽ gia tăng áp dụng những biện pháp kỹ thuật, rào cản thương mại gây nhiều cản trở cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
- Xung đột chính trị, xung đột thương mại giữa các nước lớn tiếp tục tác động, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu nói chung, xuất khẩu nông sản nói riêng.
- Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đang tiếp gây trở ngại cho ngành Nông nghiệp Việt Nam.