Cụ thể, theo CBI, tổng giá trị trái phiếu xanh được phát hành trong năm 2017 tăng 78% so với năm 2016, vượt xa con số dự báo được tổ chức này đưa ra hồi tháng 12/2017 là 130 tỷ USD.
CBI dự đoán con số này có thể leo lên 250-300 tỷ USD trong năm nay.
Lượng trái phiếu xanh phát hành trên toàn cầu trong năm 2017 đã đạt mức cao kỷ lục là 155,5 tỷ USD. (Nguồn: Reuters) |
Mỹ, Trung Quốc và Pháp chiếm 56% tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh trong năm 2017. Fannie Mae là đơn vị phát hành loại trái phiếu này lớn nhất tại Mỹ với 24,9 tỷ USD.
Trong năm 2017, có 10 nước mới tham gia vào thị trường trái phiếu xanh gồm Argentina, Chile, Fiji, Lithuania, Malaysia, Nigeria, Singapore, Slovenia, Thụy Sỹ và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Mặc dù trái phiếu xanh hiện chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường trái phiếu toàn cầu, song nó vẫn thu hút nhiều sự quan tâm, trong bối cảnh những mục tiêu về cắt giảm lượng khí thải đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ USD từ khu vực công và tư.
Năm 2017, một số quan chức trong lĩnh vực khí hậu đã kêu gọi tăng lượng vốn đầu tư vào trái phiếu xanh lên gấp 10 lần so với mức của năm 2016 và đặt ra mục tiêu phát hành 1.000 tỷ USD trái phiếu xanh vào năm 2020.
Theo CBI, số tiền huy động từ việc phát hành trái phiếu xanh trong năm ngoái chủ yếu được sử dụng vào việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Đáng chú ý là hoạt động đầu tư vào xây dựng các tòa nhà phát thải carbon thấp và có hiệu năng cao có xu hướng tăng trong năm qua.