Giá vàng hôm nay 10/6: Trong nước và thế giới cùng giảm
Sáng 10/6, trên thị trường vàng trong nước, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 68,70 – 69,60 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào bán ra so với đóng cửa phiên giao dịch liền trước. Chênh lệch giá mua – bán hiện là 900.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 68,70 – 69,55 triệu đồng/lượng. So với cuối phiên ngày 9/6, giá vàng tại DOJI giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Chênh lệch giá mua – bán vàng tại DOJI là 850.000 đồng/lượng.
Giá vàng thế giới bất ngờ giảm về mốc 1.847,4 USD/ounce, giảm 9,3 USD/ounce so với chốt phiên ngày 9/6.Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank ở thời điểm tham chiếu: 1 USD = 22.300 VND, giá vàng thế giới tương đương 49,63 triệu đồng/lượng, thấp hơn 19,97 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra cuối ngày 9/6.
Giá vàng hôm nay 10/6: Giá vàng bị mắc kẹt trong 'mô hình nắm giữ', tiếp tục củng cố, người Việt không chuộng vàng miếng. (Nguồn: Bloomberg) |
Cập nhật giá vàng hôm nay 10/6
Ghi nhận của TG&VN lúc 19h30, giá vàng thế giới quay đầu giảm sau cuộc họp chính sách tiền tệ thường kỳ của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vừa kết thúc. ECB thống nhất giữ nguyên lãi suất nhưng nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất bắt đầu từ tháng 7/2022.
Giá vàng hiện giao dịch ở mức 1.850,6 - 1.851,6 USD/ounce, giảm 2,5 USD.
Giá vàng châu Á cũng giảm nhẹ trong phiên giao dịch chiều 9/6 do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng trước khi nước này công bố số liệu việc làm và lạm phát trong tuần này. Giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống mức 1.851,70 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng làm giảm sức hấp dẫn của vàng, vốn không sinh lãi suất.
Các số liệu kinh tế quan trọng của Mỹ có thể ảnh hưởng đến lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để kiềm chế lạm phát.
Theo một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters, số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng của Mỹ là 8,3%.
Trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 9/6, trên thị trường vàng trong nước, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 68,8 – 69,7 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), cùng tăng 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào bán ra so với phiên giao dịch trước đó. Chênh lệch giá mua – bán hiện là 900.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng ở mức 68,65 – 69,60 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giữ nguyên ở chiều mua vào và tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch trước đó. Chênh lệch giá bán cao hơn giá mua là 950.000 đồng/lượng.
Chốt phiên cuối ngày hôm qua (9/6), bảng giá vàng SJC niêm yết tại một số đơn vị kinh doanh lớn trên toàn quốc như sau:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 68,80 – 69,70 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 68,8 – 69,60 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 68,80 – 69,60 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 68,87 – 69,96 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 68,82 – 69,58 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 54,01 – 54,71 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 53,15 – 54,55 triệu đồng/lượng.
Vàng tiếp tục củng cố chờ Fed
Thị trường vàng đang bị mắc kẹt trong "mô hình nắm giữ" ba tuần và có thể tiếp tục củng cố cho đến cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed vào tuần tới.
Rhona O'Connell, trưởng bộ phận Phân tích thị trường EMEA và châu Á tại StoneX nói rằng, các nhà đầu tư vàng nên xem xét bất kỳ phản ứng nào của Fed vào tuần tới và tập trung vào bức tranh toàn cảnh.
Ngay cả với lập trường chính sách tiền tệ tích cực của Fed, thị trường vẫn cho thấy, lãi suất sẽ chạm mức cao 3,50% vào cuối năm. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát sẽ vẫn tăng cao.
Ông Rhona O'Connell nói: "Hiện tại, lợi suất kỳ hạn hai năm của Mỹ là 2,7%, trong khi lạm phát chính đang ở mức 8,2%".
Mặc dù thị trường tiếp tục định giá trong các đợt tăng lãi suất tiếp theo, ông O'Connell lưu ý rằng, vẫn còn nhiều điều không chắc chắn về kế hoạch giảm bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương với các chính sách tiền tệ hiện tại.
Tháng 6/2022, Fed bắt đầu giảm số dư 47,5 tỷ USD. Đến tháng 9/2022, Fed sẽ bắt đầu giảm 95 tỷ USD trong bảng cân đối kế toán.
Người dân không có nhu cầu mua vàng miếng
Tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng chiều 8/6, đại biểu quốc hội Nguyễn Phương Thuỷ (Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, giá vàng trong nước có những phiên tăng mạnh, vượt 70 triệu đồng/lượng. Sau đó, khi giá vàng thế giới giảm sâu, giá trong nước giảm rất ít. Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới quá cao, có lúc lên tới 20 triệu đồng/lượng.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng, đây là dấu hiệu bất thường. Bà nói: "Việc này gây tâm lý lo lắng, bất an cho người dân, làm giảm niềm tin vào giá trị của đồng tiền Việt Nam và gia tăng lạm phát".
Bà Thủy muốn biết giải pháp của xử lý căn cơ sự bất thường này trên thị trường vàng.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhắc lại sự phức tạp, khó lường trong diễn biến thị trường vàng thế giới thời gian qua do bị tác động bởi nhiều yếu tố, như chỉ số đồng USD hay là căng thẳng chính trị giữa Ukraine và Nga...
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, có thời điểm giá vàng thế giới tăng lên đến 2.000 USD/ounce, rồi lại giảm về quanh mức 1.700-1.800 USD/ounce.
Ở trong nước, có hiện tượng giá vàng của các nhãn thương hiệu khác ngoài SJC, tức là vàng nguyên liệu, chênh lệch so với quốc tế khoảng 2 triệu đồng một lượng. Nhưng riêng giá vàng SJC tăng ở mức lớn, khoảng 16-17 triệu trên một lượng.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước nhận xét: "Giá vàng trong nước tăng cùng xu hướng với giá thế giới, nhưng tốc độ điều chỉnh nhanh hơn, trong khi giảm chậm hơn giá thế giới. Tổng hợp số liệu của các tổ chức kinh doanh vàng, chúng tôi thấy, người dân cũng không có nhu cầu mua vàng miếng".
Với diễn biến thị trường vàng như vậy, bà Hồng thông tin, Ngân hàng nhà nước chưa nhập khẩu để can thiệp thị trường vàng.