📞

Giá vàng hôm nay 14/4, Giá vàng liên tiếp gặp ‘sóng tăng’, chạm đỉnh 1 tháng, SJC phi mã; công ty vàng Nga trọng thương vì lệnh trừng phạt

Hải An 05:00 | 14/04/2022
Giá vàng hôm nay 14/4 vọt tăng do xung đột Nga-Ukraine thúc đẩy nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn trong khi các nhà đầu tư cũng muốn tìm tới kim loại quý như một tấm đệm chống lại lạm phát. Liên tiếp xuất hiện tín hiệu tích cực đối với vàng. Công ty vàng lớn của Nga hoãn trả cổ tức.

Cập nhật giá vàng hôm nay 14/4: Trong nước điều chỉnh tăng

Mở cửa ngày giao dịch, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tăng 70 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm, ở mức 69,27 - 69,85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại thị trường Hà Nội, giá vàng được Công ty CP Tập đoàn Doji niêm yết ở mức 69,15 - 69,75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên hôm qua.

Trên thị trường thế giới, vào lúc 9h22’ ngày 14/4 theo giờ Việt Nam, giá vàng trên sàn Kitco giao dịch ở mức 1.979,7 – 1.980,7 USD/ounce, tăng 2,4 USD/ounce so với phiên liền trước.

Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank, 1 USD = 23.020 VND, giá vàng thế giới tương đương 55,6 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán ra 14,24 triệu đồng/lượng.

Giá vàng hôm nay 14/4, vàng Nga. (Nguồn: TASS)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 14/4

Mở cửa phiên giao dịch 13/4, giá vàng trong nước tăng 150 nghìn đồng/lượng.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 150 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm trước, niêm yết ở mức 68,95 – 69,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68,8 - 69,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với cuối phiên hôm trước.

Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 68,85 - 69,52 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), không đổi so với chốt phiên ngày hôm trước.

Trên thị trường châu Á, giá vàng đi lên trong phiên giao dịch ngày 13/4. Chiều phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,2%, lên 1.969,61 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất 1 tháng là 1.978,21 USD/ounce vào phiên trước đó. Trong khi giá vàng giao kỳ hạn lại hạ nhẹ 0,1%, xuống 1.973,70 USD/ounce.

Theo ghi nhận của TG&VN, đến 21h37' ngày 13/4, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco ở mức 1.977,9 - 1.978,9 USD/ounce, tăng 11,7 USD/ounce so với phiên trước đó.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên 13/4:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 69,2 – 69,8 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 69,15 – 69,75 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 69,2 – 69,8triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 69,1 – 69,8 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 69,22 – 69,79 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 55,87 – 56,52 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 55,0 – 56,4 triệu đồng/lượng.

Giá vàng chạm đỉnh 1 tháng giữa nhiều bất ổn

Giá vàng đạt mức cao nhất trong một tháng vào phiên giao dịch thứ Tư do xung đột Nga-Ukraine thúc đẩy nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn trong khi các nhà đầu tư cũng muốn tìm tới kim loại quý như một tấm đệm chống lại lạm phát tăng vọt.

Vàng giao ngay tăng 0,5% ở mức 1.977,24 USD/ounce, vào lúc 11h27 GMT, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 14/3 ở 1.979,95 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,2% lên 1.979,20 USD/ounce.

Michael Hewson, Trưởng nhóm phân tích thị trường tại CMC Markets UK, cho biết, cuộc khủng hoảng ở Ukraine và lo ngại lạm phát đang hỗ trợ cho giá vàng và điều này dự kiến còn tiếp tục kéo dài.

Trước đó, ngày 12/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẽ "nhịp nhàng và bình tĩnh" tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên đang đi vào bế tắc.

Trong khi đó, dữ liệu cho thấy, giá tiêu dùng hằng tháng của Mỹ đã tăng trong tháng 3 vừa qua, củng cố cho dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng tới, động thái nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 8,5% trong 12 tháng qua, là mức tăng cao nhất trong hơn 41 năm qua.

Phần lớn dữ liệu đều nằm trong dự đoán của thị trường, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ thấp hơn và nâng giá vàng không lãi suất lên hơn 1% trong phiên trước đó.

Ricardo Evangelista, nhà phân tích cấp cao tại ActivTrades, cho biết: “Các thị trường đã định giá theo lập trường ‘diều hâu’ mới của Fed và triển vọng ổn định lạm phát sẽ làm giảm phạm vi tăng thêm của đồng USD, điều này là tín hiệu tích cực đối với vàng được định giá bằng đồng bạc xanh.

Đồng quan điểm, Jeffrey Halley, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn OANDA nhận định: “Vàng đang được hưởng lợi từ nhu cầu tìm nơi trú ẩn an toàn trong tuần này, khi lo ngại về lạm phát gia tăng, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc gặp khó khăn và cuộc khủng hoảng Ukraine bước sang giai đoạn mới”.

Mặc dù vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát và rủi ro địa chính trị, nhưng việc tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi không sinh lời.

Tuy nhiên, có cái nhìn ít lạc quan hơn, Giám đốc công ty tư vấn AirGuide Michael Langford nói: “Trong môi trường lãi suất cao, vàng sẽ ít được ưu ái hơn so với các loại tài sản khác. Tôi thấy vàng có thể tăng giá trong ngắn hạn, nhưng trong trung và dài hạn có nhiều khả năng vàng sẽ đi xuống”.

Liên quan tới thị trường vàng, ngày 13/4, theo thông tin trên FT, nhà sản xuất vàng lớn của Nga Polymetal cho biết đã hoãn cuộc bỏ phiếu chia cổ tức vì lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga trong bối cảnh nước này tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Cụ thể, Polymetal đã hoãn cuộc bỏ phiếu theo kế hoạch về việc trả cổ tức trị giá 246 triệu USD vì tình trạng suy giảm thanh khoản.

Trước đó, công ty khai thác được niêm yết tại London này dự kiến ​​sẽ bỏ phiếu tại cuộc họp thường niên vào tháng này.

Polymetal, do doanh nhân Nga Alexander Nesis sở hữu 24% cổ phần, đã nêu ra một số lý do cho quyết định của mình, bao gồm “sự không chắc chắn về nguồn vốn sẵn có do các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng và nền kinh tế Nga” và “nhu cầu vốn lưu động cao hơn do khả năng thanh khoản bị hạn chế”.

Công ty cũng cho biết họ đang phải đối mặt với "chi phí tài trợ cao hơn đáng kể" với lãi suất ở mức 17% tại Nga.

Chủ tịch của Polymetal Riccardo Orcel cho biết, hội đồng quản trị đã “nhất trí” đi đến kết luận rằng “quyết định trả cổ tức nên được hoãn lại để duy trì sự ổn định và tính thanh khoản của doanh nghiệp”.

Công ty cũng sẽ quyết định về việc liệu có trả cổ tức tạm thời cho 6 tháng đầu năm 2022 vào tháng 8 hay không.

Cổ phiếu của Polymetal sụt giảm kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine bắt đầu nhưng đã tăng trở lại trong những tuần gần đây sau khi công ty cho biết họ đang xem xét rút bớt tài sản ở Kazakhstan. Tuy nhiên, định giá công ty này vẫn sụt giảm đáng kể.

Các nhà sản xuất Nga, đối mặt với khó khăn trong việc bán vàng ở London hoặc các thị trường phương Tây khác, đang chuyển sang ngân hàng trung ương của nước này. Tuy nhiên, khi bán hàng, họ đang nhận được Ruble thay vì USD.

Nợ ròng của Polymetal ở mức gần 2 tỷ USD vào cuối tháng 3, với 94% các khoản vay được tính bằng đồng bạc xanh.

(theo Kitco News, FT)