Giá vàng hôm nay 7/8: Trong nước lập đỉnh mới, thế giới vào giai đoạn hưng phấn nhắm đến kỷ lục 2.100 USD. (Nguồn: Getty) |
"Bão giá" ngày hôm qua (6/8) đã đánh dấu phiên giao dịch biến động mạnh nhất của thị trường trong nước khi biên độ dao động giá trong ngày lên tới 2,5 triệu đồng. Vàng SJC có lúc vọt lên mức cao nhất mọi thời đại 62 triệu đồng một lượng, cao hơn 4 triệu so với giá kỷ lục của thế giới trong vài ngày nay.
14h00, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng ở mức 60,55 - 62 triệu đồng một lượng, cao hơn gần 4,5 triệu (quy đổi theo tỷ giá) so với mức kỷ lục 2.055 USD/ounce của giá vàng thế giới. 15h00, giá trong nước hạ nhiệt chút ít và giá bán được duy trì quanh mức 61 triệu đồng một lượng. Công ty vàng bạc đá quý SJC yết giá mua bán tương ứng là là 59,4 – 61,2 triệu đồng.
Cập giá thị trường sáng hôm nay (8/7) lúc 9h00, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 60,6 - 62,22 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 800.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên hôm qua. Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng ở mức 60,2 và 62,2 triệu đồng/lượng, tăng hơn 500.000 đồng/lượng chiều mua vào và hơn 800.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên gần nhất. |
Trước diễn biến giá vàng tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ có các giải pháp và đủ nguồn lực để bình ổn thị trường nếu có diễn biến bất thường.
Cùng lúc, giá vàng thế giới được giao dịch quanh 2.043 USD/ounce, nếu quy đổi theo tỷ giá tương đương với 57,3 triệu đồng một lượng, thấp hơn gần 4 triệu đồng so với giá trong nước.
Giá vàng trong nước tăng nhanh hơn cả giá vàng thế giới, đặc biệt trong hai tuần gần đây. Cuối tháng 7, giá trong nước thường cao hơn giá thế giới 1 – 2,5 triệu đồng một lượng thì tới nay chênh lệch đã được đẩy lên 4 triệu một lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng tương lai chốt vào ngày 6/8 có vẻ sẽ tiếp tục kéo dài một chuỗi ngày tăng kỷ lục, 5 ngày liên tiếp, trong bối cảnh USD tiếp tục mất giá và các thành tích mờ nhạt của thị trường chứng khoán, hỗ trợ vàng tiếp tục leo đỉnh 2.100 USD/ounce.
Vượt ngưỡng tâm lý quan trọng 2.000 USD/ounce, giá vàng tăng mạnh, chinh phục đỉnh cao mọi thời đại, rồi lại liên tiếp lập các đỉnh cao mới. Trong ngày 5/8, có thời điểm, giá vàng quốc tế đã tăng mức kỷ lục 2.039 USD/ ounce, mức cao nhất trong lịch sử. Ngày hôm qua (6/8), vàng giao tháng 12 tăng lần lượt từ 0,66%... rồi 1%, lên 2.069,40 USD/ounce, đóng cửa ở kỷ lục thứ năm liên tiếp.
Giá vàng thế giới vẫn tăng “điên loạn”, liên tục lập các đỉnh cao mới và chưa có dấu hiệu dừng lại, cập nhật vào thời điểm 5h18 sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay thế giới đạt mức đỉnh mới là 2.075 USD/ounce, tiến sát ngưỡng cản tâm lý 2.100 USD. Đến 8h00, giá vàng thế giới đang đứng ở mức 2.065 USD/ounce, tăng 24 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua. |
Như vậy, có thể chỉ cần khoảng 1 tuần để giá vàng bỏ xa ngưỡng 2.000 USD/ounce. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu đầu tư vào vàng như một tài sản an toàn ngày càng tăng trong bối cảnh thế giới bất ổn chưa từng có, đại dịch Covid-19lây lan chóng mặt, căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, các nền kinh tế không ngừng bơm tiền để cứu nền kinh tế, thảm họa thiên nhiên xảy ra ở nhiều nơi và gần đây nhất là vụ nổ không thể tồi tệ hơn ở Beirut, Lebanon.
Trong một lưu ý phát hàng ngày, nhà phân tích tại ActivTrades, Carlo Alberto De Casa cho rằng, giá vàng tiếp tục tăng vọt do nhu cầu về kim loại quý này vẫn tiếp tục gia tăng.
Cầu thị trường đối với các kim loại quý, kể cả bạc, như được hồi sinh, trái ngược với sự ảm đạm của thị trường chứng khoán gắn với hàng hóa trong những tuần gần đây, khi đại dịch Covid-19 đã giáng một cơn địa chấn vào các nền kinh tế quốc tế.
Dấu hiệu của sự sụt giảm về việc làm tại Mỹ và những báo cáo thất nghiệp gia tăng hàng tuần có thể lại tiếp thêm cú hích mới cho thị trường các kim loại quý, mà lợi ích của họ đã được củng cố bởi sự không chắc chắn về nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19. Trong khi đó, các ngân hàng Trung ương và Chính phủ các nước đều đang ráo riết tìm các biện pháp kích thích chưa từng có nhằm giảm bớt tác hại kinh tế từ sự bùng phát nguy hiểm, chưa từng có tiền lệ của dịch Covid-19.
Giới phân tích tin rằng, thỏa thuận đối với các gói kích thích kinh tế có thể không đạt được trong tuần này nhưng chắc chắn sẽ được đưa ra sau đó. Bởi vậy, triển vọng của giá vàng vẫn cực kỳ lạc quan khi Phố Wall tập trung vào tác động đến lạm phát trong dài hạn. Đây là một môi trường đã được chứng minh là vô cùng lý tưởng cho thị trường vàng và bạc khi giới đầu tư tìm kiếm "vịnh trú ẩn" an toàn trước những tác động tiêu cực chưa từng có trên toàn cầu.
Còn theo góc nhìn của chiến lược gia Bart Melek thuộc Công ty chứng khoán TD Securities, giới đầu tư hiện dồn sự chú ý vào mức các lợi tức thấp kỷ lục trên thị trường trái phiếu và lo ngại về lạm phát giá cả trong các tháng và năm tới. Lợi suất trái phiếu 10 năm hiện thấp kỷ lục, chỉ từ 0,5%, trong khi trái phiếu kỳ hạn 30 năm chỉ ở mức 1,1888%.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, vào thời điểm hiện tại, khi giá vàng biến động mạnh hơn, mức tăng hàng ngày lớn hơn thì điều chỉnh cũng sẽ mạnh hơn. Nền kinh tế thứ nhất, thứ hai thế giới và một số nền kinh tế khác cũng đã phát đi một số tín hiệu phục hồi tích cực nhưng chưa rõ ràng. Và chưa có tín hiệu nào cho thấy giá vàng đã gần với ngưỡng đỉnh.
Kinh tế thế giớivẫn còn một chặng đường dài phải đi qua trước khi trở lại đúng quỹ đạo. Những khó khăn về kinh tế sẽ chưa thể chấm dứt khi cuộc khủng hoảng Covid-19 chưa biến mất. Giá vàng thế giới có thể còn biến động khó lường, phụ thuộc vào diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, cũng như tình hình địa chính trị trên thế giới. Mặc dù vậy, phân tích về mặt kỹ thuật, vàng có thể trải qua một đợt điều chỉnh tạm thời sau khi tăng quá nhanh như thời gian vừa qua.