📞

Giá vàng hôm nay 9/1, Giá vàng làm chao đảo nhà đầu tư, SJC bật tăng mạnh, 10 lý do để đổ tiền vào vàng

Hải An 05:00 | 09/01/2022
Giá vàng hôm nay 9/1 tăng nhẹ so với phiên trước. Tuần đầu tiên của năm mới 2022, giá vàng tiếp tục làm chao đảo các nhà đầu tư. Tuy vậy, bối cảnh cơ bản của năm nay được đánh giá là thuận lợi đối với kim loại quý. Vì sao?
Giá vàng hôm nay 9/1 tăng nhẹ so với phiên trước. Bối cảnh cơ bản của năm 2022 được đánh giá là thuận lợi đối với vàng. (Nguồn: Reuters)

Cập nhật giá vàng hôm nay 9/1

Giá vàng trong nước tuần đầu tiên của năm 2022 có biến động mạnh khi giá bán vàng miếng rơi xuống thấp nhất 1 tháng trong phiên 6/1, trước khi tăng tích cực 2 phiên cuối tuần.

Ngày 8/1, Công ty Vàng SJC niêm yết giá vàng miếng ở mức 61 - 61,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100.000 đồng chiều mua và 150.000 đồng chiều bán so với cuối ngày 7/1. Đây là phiên tăng thứ 2 liên tiếp của vàng SJC sau khi giảm về mức 61,45 triệu/lượng ngày 6/1, thấp nhất gần 1 tháng.

Tại Công ty Vàng Phú Nhuận (PNJ), giá vàng SJC cũng được niêm yết mức 60,9 triệu/lượng (mua) và 61,6 triệu/lượng (bán), cao hơn 300.000 đồng so với phiên hôm qua. So với cuối tuần trước, giá vàng tại PNJ cũng cao hơn 400.000 đồng.

Trong khi đó, thị trường vàng thế giới cũng trải qua tuần đầu tiên của năm mới 2022 với nhiều biến động thất thường. Kim loại quý khép lại một tuần đi xuống sau ba tuần hạ giá giữa bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ra dấu hiệu sẽ đẩy sớm lộ trình nâng lãi suất.

Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (3/1), giá vàng thế giới giảm hơn 1%, do đà tăng trên thị trường chứng khoán gây áp lực cho kim loại quý.

Tuy nhiên, số liệu kinh tế đáng thất vọng của Mỹ và đồng USD yếu đã giúp giá vàng đi lên trong hai phiên giao dịch liền sau đó.

Giá vàng còn được tiếp thêm động lực khi làn sóng dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành tại Mỹ với số ca mắc mới liên tiếp lập kỷ lục vào các ngày trong tuần qua. Riêng ngày 3/1, nước Mỹ ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc, cao hơn gấp đôi so với kỷ lục trước đó là 486.428 được thiết lập 4 ngày trước.

Tới phiên giao dịch ngày 6/1, giá kim loại quý lại quay đầu hạ, chạm mức thấp nhất trong hai tuần.

Phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (7/1), giá vàng ngược dòng đi lên từ mức “đáy” của 3 tuần, sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy nền kinh tế nước này đã tạo ra thêm 199.000 việc làm trong tháng 12/2021, thấp hơn so với dự báo tăng 400.000 việc làm.

Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,5%, lên 1.797,10 USD/ounce.

Tính chung tuần qua, giá vàng giảm 1,7%, ghi dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 26/11/2021.

Trong nước, giá vàng SJC cập nhật tại các đơn vị kinh doanh lớn ở thời điểm chốt phiên cuối tuần này (sáng 8/1) như sau:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 61,0 - 61,75 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 60,95– 61,65 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 61,0 – 61,6 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 60,9 – 61,6 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 61,03 – 61,63 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 52,33 – 52,98 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 51,75 – 52,85 triệu đồng/lượng.

Theo ghi nhận của TG&VN, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco đóng cửa phiên tuần này (ngày 7/1) ở mức 1.797,0 - 1.798,0 USD/ounce.

Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank ngày 8/1, 1 USD = 22.850 VND, giá vàng thế giới tương đương 50,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán ra 11,65 triệu đồng/lượng.

10 lý do để tiếp tục đổ tiền vào vàng

Theo ghi nhận, phiên cuối tuần, giá vàng thế giới bật tăng do báo cáo việc làm của Mỹ không tích cực như kỳ vọng.

Chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS nhận định: “Với số lượng việc làm tăng thấp hơn dự kiến trong tháng 12/2021, nhưng tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm về mức thấp nhất trong nhiều năm, đó là một báo cáo hỗn hợp đối với vàng”.

Chỉ số đồng USD giảm 0,6% trong phiên 7/1 khiến vàng trở nên ít đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ loại tiền tệ khác.

Trước đó, giá vàng đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 16/12/2021 là 1.782,10 USD/ounce, khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm đỉnh 2 năm.

Biên bản cuộc họp của Fed vào ngày 5/1 cho thấy các quan chức của ngân hàng này đã thảo luận về việc thu hẹp lượng nắm giữ tài sản và nâng lãi suất sớm hơn dự kiến để chống lạm phát.

Kim loại quý này hiện rất nhạy cảm với đà tăng lãi suất Mỹ, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn là tài sản không sinh lời.

Giá vàng bước sang năm mới tiếp tục làm chao đảo các nhà đầu tư. Tuần đầu tiên của năm 2022 bắt đầu với giao dịch đầy biến động ở cả hai phía của mốc 1.800 USD/ounce cho đến khi Fed công bố báo cáo vào ngày 5/1.

Trong khi đó, giới đầu tư tiếp tục bán ra trên diện rộng cho thấy sự suy yếu tương đối với giá vàng. Và lượng bán ra đã tăng lên trong năm mới mặc dù giá vàng vẫn trong xu hướng tăng kể từ tháng 8/2021.

Mặc dù giá vàng tiếp tục kém hiệu quả khi bắt đầu năm mới, nhưng bối cảnh cơ bản vào năm 2022 tiếp tục được đánh giá là thuận lợi đối với kim loại quý.

Dưới đây là 10 lý do khiến David Erfle của Kitco News kỳ vọng giá vàng sẽ tăng trên 2.000 USD/ounce vào năm 2022, cùng với lĩnh vực khai thác tăng trưởng đáng kể trong quý I này.

Thứ nhất, lạm phát vẫn là vấn đề dai dẳng với nước Mỹ bất chấp những đánh giá lạc quan trước đây của Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức Fed khác. Vàng vẫn được coi là hàng rào chống lạm phát.

Thứ hai, lãi suất thực được dự báo sẽ tiếp tục âm sâu. Lạm phát cao hơn kết hợp với lãi suất tiếp tục ở mức thấp sẽ đảm bảo tỷ giá thực âm luôn là tín hiệu mua mạnh cho các nhà đầu tư vàng. Lợi tức trung bình hằng năm của vàng trong thời kỳ lãi suất thực âm là 21%.

Thứ ba, việc Fed dự kiến 3 lần tăng lãi suất vào năm 2022 với 81% khả năng tăng lãi suất bắt đầu vào tháng 3 tới có nghĩa là bất kỳ nỗi sợ hãi mới nào cũng có thể thay đổi triển vọng và có lợi cho vàng.

Thứ tư, những lo ngại về địa chính trị bao gồm vấn đề Triều Tiên, căng thẳng Mỹ-Trung Quốc, căng thẳng giữa NATO, EU và Mỹ với Nga về Ukraine và gần đây nhất là vấn đề khủng hoảng tại Kazakhstan là yếu tố khiến nhà đầu tư tìm đến vàng với ưu thế là tài sản an toàn.

Thứ năm, nền kinh tế toàn cầu bắt đầu hồi phục sau đại dịch. Sự suy yếu kinh tế lan rộng sẽ khiến bất kỳ động thái thắt chặt nào của các ngân hàng trung ương khó được thực hiện nếu không có những tác động lớn hơn. Fed đang bị hạn chế nghiêm trọng trong việc họ có thể tăng lãi suất bao nhiêu do các khoản thanh toán lãi suất tăng lên đối với khoản nợ quốc gia gần 30 nghìn tỷ USD.

Thứ sáu, trong chu kỳ thắt chặt cuối cùng, từ cuối năm 2015 đến năm 2019, Fed đã tăng lãi suất 9 lần và giá vàng tăng gần 35%. Và từ năm 2004 đến 2005, ngân hàng trung ương này đã tăng lãi suất 17 lần và giá vàng tăng 70%. Ngoài ra, vào những năm 1970, tỷ giá tăng từ 4,75% năm 1976 lên đến đỉnh điểm 20% năm 1980. Trong cùng thời gian đó, vàng tăng từ 185 USD/ounce lên 850 USD/ounce.

Thứ bảy, việc mua vàng vật chất tập trung ở Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng đáng kể. Chỉ riêng nhu cầu của Ấn Độ vào năm 2021 đã tăng hơn 500 tấn so với năm 2020, quá đủ để hấp thụ nguồn cung hiện tại của các mỏ khai thác.

Thứ tám, hoạt động mua ròng vàng miếng của các ngân hàng trung ương có khả năng tiếp tục và có thể tăng. Gần đây, cả hai ngân hàng trung ương Singapore và Ireland đã mua vàng lần đầu tiên trong hơn một thập niên do lo ngại lạm phát.

Thứ chín, các nhà đầu tư đang có cái nhìn tiêu cực về thị trường nhưng việc này thường sẽ diễn ra trong thời gian ngắn. Việc bán vàng với luận điểm Fed thắt chặt chính sách hầu hết được định giá vào thị trường.

Thứ mười, cổ phiếu của các công ty khai thác vàng đang tăng và tạo ra dòng tiền kỷ lục.

Với việc hầu hết các nhà đầu cơ tiếp tục tránh xa kim loại quý trong tuần đầu tiên của năm 2022, đây là thời điểm tuyệt vời để tích lũy một rổ các dự án lớn, có tỷ suất lợi nhuận cao, mạo hiểm với tiềm năng tăng hơn hiện tại.

(theo Kitco News, Reuters)