Giá xăng trong kỳ điều chỉnh sắp tới vào ngày 10/12 được dự báo sẽ giảm mạnh. |
Mức giảm nếu không trích lập quỹ bình ổn sẽ vào khoảng 1.700 đồng với giá xăng và 1.200 - 1.600 đồng với giá dầu.
Tuy nhiên theo vị này, khả năng cơ quan quản lý trích lập rất cao, do vậy giá xăng dầu sẽ giảm nhẹ hơn so với tính toán trên. Còn mức giảm cụ thể ra sao còn phụ thuộc vào mức độ trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá (quỹ BOG).
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng của việc dịch bệnh Covid-19 có xu hướng phức tạp tại một số nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc. Nguồn cung dầu được dự báo tăng do nhiều nước (như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…) bắt đầu tính đến việc sử dụng kho dự trữ dầu chiến lược để giảm giá xăng dầu, Fed quyết định thu hẹp việc nới lỏng gói định lượng để kiềm chế lạm phát và được kỳ vọng sẽ sớm tăng lãi suất đồng USD… đã tác động đến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong giai đoạn vừa qua.
Trước đó, tại chu kỳ 15 ngày trước ngày điều chỉnh hôm 25/11, giá bình quân xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 là 91,98 USD/thùng (giảm 7,11%); 94,44 USD/thùng xăng RON95 (giảm 7,86%); 91,49 USD/thùng dầu diesel 0.05S (3,14%); 89,4 USD/thùng dầu hỏa (giảm 4,19%); 453,685 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (giảm 2,58%).
Tại kỳ điều chỉnh hôm 25/11, giá xăng dầu hạ nhiệt sau nhiều kỳ tăng liên tiếp. Cụ thể, mỗi lít xăng E5 RON 92 giảm 750 đồng, xăng RON 95 giảm 1.090 đồng. Các loại dầu cũng giảm từ 330 - 440 đồng mỗi lít.
Trong khi đó trên thị trường thế giới, cả hai loại dầu Brent và dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã giảm tuần thứ sáu liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 11/2018 và vẫn trong tình trạng dư bán ngày thứ sáu liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 9/2020.
Giá dầu thế giới chốt phiên 3/12 gần như không đổi sau khi để mất đà tăng do những lo ngại sự gia tăng số ca mắc Covid-19 và biến thể mới có thể làm giảm nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.
Vào đầu phiên, giá dầu tăng hơn 2 USD sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, cho biết có thể xem xét lại chính sách tăng sản lượng nếu các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát dịch làm giảm nhu cầu. Khi chốt phiên, giá dầu Brent tăng 21 xu Mỹ, hay 0,3%, lên mức 69,88 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI giảm 24 xu Mỹ, hay 0,4%, xuống 66,26 USD/thùng.
Ngày 2/12, OPEC+ đã nhất trí duy trì chính sách xuất khẩu dầu mỏ hiện nay trong tháng 1/2022, dù có những ý kiến cho rằng tổ chức này sẽ hạn chế nguồn cung do quan ngại về biến thể Omicron và việc Mỹ mở kho dầu dự trữ chiến lược.
Theo thỏa thuận, 23 thành viên OPEC+ sẽ điều chỉnh tăng tổng sản lượng dầu thô mỗi tháng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 1/2022. Điều này cho thấy OPEC+ sẽ vẫn tiếp tục chính sách dầu mỏ mà tổ chức này đã thực hiện từ tháng Năm vừa qua.
Tuy nhiên, OPEC+ để ngỏ khả năng điều chỉnh chính sách nếu nhu cầu bị ảnh hưởng từ các biện pháp kiểm soát sự lây lan của biến thể Omicron. Nhóm này có thể họp trở lại sớm hơn dự kiến là vào ngày 4/1 tới.
| Giá vàng hôm nay 4/12, Loạn giá vàng, chuyên gia loạn nhận định, dự báo gì cho tuần tới? Cuộc khảo sát về giá vàng mới nhất cho thấy không có định hướng rõ ràng trong ngắn hạn cho thị trường vàng khi giá ... |
| OCOP Quảng Ninh 2021: Đặc sản vùng miền 'hiếm có mà không khó tìm' Diễn ra giữa mùa dịch Covid-19, Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2021 không chỉ là một hoạt động triển lãm, xúc tiến thương mại thường ... |