Giá xăng dầu hôm nay 2/1, giá dầu được dự báo sẽ tiếp tục biến động trong năm mới. (Nguồn: Bloomberg) |
Giá xăng dầu hôm nay 2/1
Tuần trước, cả dầu Brent và WTI đều có thêm một trải nghiệm tăng giá. Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng gần 2 USD, còn giá dầu WTI tăng 70 cent. Giá dầu tuần trước có tất cả 4 phiên giao dịch. Ngày đầu tiên của tuần rơi vào ngày nghỉ lễ nên không có bất kỳ giao dịch nào.
Trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã kết thúc ở thế đối nghịch với dầu Brent tăng nhẹ, dầu WTI giảm. Trước đó trong phiên, cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn này đều đã cùng sánh bước tăng, chạm mức cao nhất trong vòng 3 tuần.
Giá dầu WTI vượt mốc 80 USD/thùng; giá dầu Brent phá vỡ mốc 85 USD/thùng. Sự leo dốc này chịu tác động mạnh bởi chính sách nới lỏng các hạn chế dịch Covid-19 mới nhất của Trung Quốc. Nhưng giá dầu đã giảm mức tăng sau khi một số cơ sở năng lượng của Mỹ buộc phải đóng cửa do sự càn quét của cơn bão tuyết khắc nghiệt mang tên Elliott.
Giá dầu phiên tiếp theo giảm trong khoảng 1 USD khi các thương nhân lo ngại về sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc, bất chấp khả năng nới lỏng các hạn chế về đại dịch ở nước này sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu. Các thị trường dầu mỏ cũng bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất khác ở Mỹ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cố gắng hạn chế tăng giá trong một thị trường lao động thắt chặt. Đây là phiên giảm giá đầu tiên của giá dầu sau 3 phiên leo dốc liên tiếp.
Tiếp đà, giá dầu lại giảm thêm hơn 1 USD do triển vọng nhu cầu không chắc chắn khi nhiều quốc gia cân nhắc hạn chế đối với khách du lịch Trung Quốc.
Sau 2 phiên lao dốc, giá dầu đã bất ngờ quay đầu tăng tốc. Tại phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022, giá dầu Brent tăng lên mức 85,91 USD/thùng; giá dầu WTI của Mỹ tăng lên mức 80,26 USD/thùng.
Năm 2022 đã khép lại với giá dầu tăng năm thứ hai liên tiếp. Cụ thể, giá dầu Brent đã tăng khoảng 10% (năm 2021 tăng 50%); dầu WTI tăng gần 7% (năm 2021 tăng 55%).
Năm 2022 đã chứng kiến giá dầu tăng “phi mã”, lập đỉnh 139,13 USD/thùng - mức cao nhất trong vòng 14 năm hồi tháng 3. Sau đó, thời gian còn lại trong năm, giá dầu mất dần mức lợi nhuận đạt được và dừng ở mức như đã đề cập ở trên.
Năm nay, các nhà phân tích và các nhà kinh tế đều dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục biến động với khả năng cao thiên về tăng nhất là trong quý I.
Những nhân tố có thể tác động lên giá dầu vẫn là sự điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, sự cắt giảm sản lượng từ Nga trong bối cảnh giá trần áp dụng lên dầu xuất khẩu của nước này, cảnh báo không cung ứng dầu cho bất kỳ quốc gia nào áp giá trần lên dầu của Nga, OPEC+ kiên định mục tiêu cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, Mỹ tiếp tục bổ sung dầu cho kho dự trữ dầu chiến lược của mình, và Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm dịch Covid-19.
Giá xăng dầu trong nước
Giá các mặt hàng xăng dầu trong nước đồng loạt đi lên từ 0 giờ ngày 1/1/2023 sau khi áp dụng thuế bảo vệ môi trường mới.
Theo quyết định của liên bộ Công Thương-Tài chính, giá xăng RON 95-III tăng 1.100 đồng, lên mức 21.807 đồng; xăng E5 RON92 có giá mới là 21.020 đồng, tăng 1.045 đồng/lít.
Cùng với đó, dầu diesel tăng 550 đồng, lên mức 22.151 đồng mỗi lít, dầu hỏa tăng 330 đồng, giá mới là 22.1666 đồng/lít, dầu mazút tăng 770 đồng/kg, về mức 12.863 đồng/kg.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết ngày 30/12/2022, Ủy ban thường Vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu mỡ nhờn, thay thế Nghị Quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 6/7/2022, áp dụng từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với mặt hàng xăng, trừ etanol là 2.000 đồng/lít (tăng 1.000 đồng/lít so với mức hiện hành theo Nghị Quyết số 20/2022/UBTVQH15), Nhiên liệu bay là 1.000 đồng/lít (như hiện hành), Dầu diesel là 1.000 đồng/lít (tăng 500 đồng/lít so với hiện hành).