📞

Giá xăng dầu hôm nay 22/4: Lạc quan về kinh tế Trung Quốc, giá dầu đảo chiều; giá xăng trong nước quay đầu giảm mạnh

Ngọc Hà 09:17 | 22/04/2023
Giá xăng dầu hôm nay 22/4, thị trường thế giớiđảo chiều đi lên do dữ liệu kinh tế lạc quan của Trung Quốc và dự trữ dầu của Mỹ giảm.
Giá xăng dầu hôm nay 22/4, giá xăng trong nước giảm mạnh kể từ 17h chiều ngày 21/4. (Nguồn: Vietnamnet)

Giá xăngdầu hôm nay 22/4

Giá xăng dầu hôm nay (22/4) trên thị trường thế giới đảo chiều đi lên do dữ liệu kinh tế lạc quan của Trung Quốc và dự trữ dầu của Mỹ giảm. Giá dầu Brent hướng mốc 82 USD/thùng còn giá dầu WTI tiến sát mức 78 USD/thùng.

Hôm qua (21/4), giá của 2 loại dầu phổ biến nhất thế giới giảm vào đầu phiên nhưng đến cuối phiên đã quay đầu đi lên.

Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 10h55' ngày 21/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 81 USD/thùng, giảm 0,1 USD, tương đương 0,12% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI được giao dịch ở mức 77,29 USD/thùng, giảm 1,87 USD, tương đương 2,36% so với phiên liền trước.

Đến 21h26' ngày 21/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent ở mức 81,63 USD/thùng, tăng 0,53 USD, tương đương 0,65% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI là 77,92 USD/thùng, tăng 0,55 USD, tương đương 0,71% so với phiên liền trước.

Giới phân tích cho rằng, giá dầu quay đầu đi lên là do dữ liệu kinh tế lạc quan của Trung Quốc và dự trữ dầu của Mỹ giảm.

Mức tăng trưởng GDP quý I của Trung Quốc đạt 4,5%, cao hơn con số dự báo của giới chuyên gia là 4%. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất của nước này kể từ quý I/2022.

Số liệu này là tín hiệu tích cực đối với nhu cầu tiêu thụ dầu. Bởi Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo Trung Quốc sẽ chiếm phần lớn nhu cầu về dầu trong năm nay.

Cùng với đó, sản lượng dầu dự trữ của Mỹ sụt giảm mạnh. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 4,6 triệu thùng vào tuần trước. Con số này cao hơn nhiều so với ước tính của Viện Dầu khí Mỹ (API), với mức giảm khoảng 2,68 triệu thùng.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 20/4, giá dầu Brent giảm khoảng 2 USD xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3.

Sự lao dốc của giá dầu là do lo ngại suy thoái kinh tế có thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu.

Những đồn đoán về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 5 tới để kiềm chế lạm phát có thể làm tăng trưởng kinh tế chậm lại và hạn chế nhu cầu năng lượng tại nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.

Cùng với đó, sự lao dốc của giá dầu còn chịu tác động bởi sự mạnh lên của đồng USD. Đồng bạc xanh mạnh hơn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu toàn cầu bởi giá dầu được giao dịch bằng USD trở nên đắt đỏ hơn cho những người nắm giữ bằng các loại tiền tệ khác.

Giá xăng dầu trong nước

Giá xăng dầu chính thức điều chỉnh giảm (ngoại trừ dầu mazut) kể từ 17h ngày 21/4, muộn hơn tới 2 giờ so với thông lệ.

Cụ thể, giá xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường ở vùng 1) sau khi điều chỉnh giảm 610 đồng/lít, xuống mức giá mới là 23.630 đồng/lít; xăng E5 RON92 cũng giảm thêm 490 đồng/lít, với mức giá mới áp dụng là 22.680 đồng/lít.

Đáng chú ý, hầu hết các mặt hàng dầu cũng quay đầu giảm mạnh. Cụ thể, mỗi lít dầu diesel 0.05S giảm 750 đồng/lít, về mức giá là 19.390 đồng/lít.

Dầu hỏa cũng giảm 250 đồng/lít, có giá mới là 19.480 đồng/lít. Chỉ riêng mặt hàng dầu mazut có mức tăng thêm là 650 đồng/kg, lên mức giá mới là 15.840 đồng/kg.

Từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng đã có 7 lần tăng, 4 lần giảm và 1 lần giữ nguyên. Trước kỳ điều hành giá này, mức chiết khấu xăng dầu trên thị trường tăng mạnh khi mặt hàng xăng duy trì mức 1.400 - 1.500 đồng/lít; mặt hàng dầu có chiết khấu cao hơn với 1.700 - 1.900 đồng/lít.

Chiết khấu tăng mạnh giúp cho doanh nghiệp bán lẻ "dễ thở" hơn sau phiên điều chỉnh giá ngày 11/4, chiết khấu liên tục giảm.

Tuy vậy, các doanh nghiệp cho rằng mức chiết khấu tăng cao như trước kỳ điều hành này có thể không giữ được lâu và sẽ hạ nhiệt sau khi giá được điều chỉnh vào hôm nay.

(tổng hợp)