📞

Giá xăng dầu hôm nay 26/3: Hồi phục sau 1 tuần 'hụt hơi'

08:00 | 26/03/2023
Giá xăng dầu hôm nay 26/3, tuần này dầu thế giới đã trải nghiệm một tuần tăng sau khi bị "hụt hơi" ở tuần trước.
Giá xăng dầu hôm nay 26/3, tuần này dầu thế giới đã trải nghiệm một tuần tăng sau khi bị 'hụt hơi' ở tuần trước. (Nguồn: Oilprice)

Giá xăngdầu hôm nay 26/3

Dù giảm hai phiên liên tiếp trong hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần nhưng với mức giảm khá nhẹ, chỉ khoảng 1% mỗi phiên, trong khi giá dầu đã “bỏ túi” kha khá ở 3 phiên giao dịch trước đó, giá xăng dầu tuần này đã trải nghiệm một tuần tăng.

Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã phục hồi sau khi giảm khoảng 3 USD xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12-2021, với WTI có thời điểm lao dốc xuống dưới mức 65 USD/thùng. Giá dầu đã tăng hơn 1% với kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất ở mức vừa phải, 0,25 điểm phần trăm, và sớm tạm dừng thắt chặt chính sách tiền tệ.

Giá dầu tăng tiếp hơn 2% ở phiên giao dịch thứ hai của tuần. Sự tăng tốc này được hỗ trợ bởi những lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngân hàng dẫn đến sự giảm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu được “hạ nhiệt” sau khi Ngân hàng UBS quyết định giải cứu Credit Suisse bằng cách tiếp quản ngân hàng này.

Giá dầu đã lập hat-trick tăng ở phiên thứ ba của tuần. Sự lao dốc của đồng USD xuống mức thấp nhất trong vòng sáu tuần, cùng với sự tăng lãi suất của Fed đúng như dự kiến là những nhân tố chính đẩy giá dầu leo dốc.

Trong một lưu ý với khách hàng, các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates nhận xét, việc Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản không gây ngạc nhiên nhưng “ngôn ngữ đi kèm đã thúc đẩy tâm lý ưa thích rủi ro và dễ dàng tràn vào không gian dầu”.

Giá dầu tăng bất chấp dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã tăng 1,1 triệu thùng lên mức cao nhất trong 22 tháng.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu đã không thể kéo sang phiên thứ tư và thứ năm sau bình luận về khả năng lấp đầy kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ của Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm.

Theo vị Bộ trưởng này, phải mất tới vài năm Mỹ mới có thể lấp được khoảng trống trong kho dự trữ dầu chiến lược của mình. Bình luận này đã đẩy giá dầu giảm khoảng 2% ở hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Mức giảm này không đủ để kéo giá dầu cả tuần giảm. Như vậy, sau tuần lao dốc “sốc” hồi tuần trước, giá dầu tuần này đã lấy lại được một phần những mất mát và trải nghiệm tuần tăng giá.

Dầu Brent kết thúc tuần ở mức 74,99 USD/thùng, dầu WTI ở mức 69,26 USD/thùng.

Theo John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC ở New York, giá dầu đi theo “những cơn gió ngược của kinh tế vĩ mô”.

Ngân hàng Goldman Sachs cho biết nhu cầu hàng hóa vẫn đang gia tăng mạnh ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Theo Goldman Sachs, nhu cầu dầu của quốc gia Đông Á này đã lên tới 16 triệu thùng/ngày.

Cùng với nhu cầu mạnh từ Trung Quốc, việc Nga sẽ duy trì cắt giảm sản lượng 500.000 thùng dầu/ngày từ tháng 3 đến tháng 6 cũng sẽ là nhân tố tác động lên giá dầu trong tuần tới.

Một nhân tố khác cũng ảnh hưởng đến giá dầu là việc Iraq ngừng xuất khẩu 450.000 thùng/ngày qua một đường ống từ khu tự trị của người Kurd và các mỏ phía bắc Kirkuk đến cảng Cayhan của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nước này thắng kiện Thổ Nhĩ Kỳ.

Giá xăng dầu trong nước

Giá xăng dầu trong nước ngày 26/3 được điều chỉnh từ chiều 21/3. Theo đó, cơ quan điều hành quyết định giảm 780 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, xăng RON 95. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.020 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.030 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu cũng được điều chỉnh giảm, mức giảm mạnh hơn giá xăng ở mức 1.200 đồng/lít. Cụ thể, dầu diesel giảm còn 19.300 đồng/lít, dầu hỏa xuống còn 19.460 đồng/lít.

Như vậy, giá xăng trong nước đã quay đầu giảm chỉ sau 1 lần tăng. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 5 lần tăng, 3 lần giảm và một lần giữ nguyên. Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 13/3, Petrolimex dương 2.290 tỷ đồng, PVOil âm 411 tỷ đồng, Saigon Petro 301 tỷ đồng, Petimex là 382 tỷ đồng...

Tại kỳ điều hành lần này, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục không sử dụng Quỹ bình ổn giá và giữ nguyên mức trích lập vào quỹ này các mặt hàng, trừ dầu mazut (mức trích lập tăng từ 0 đồng lên 300 đồng một kg). Động thái không xả và giữ mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu như kỳ điều hành ngày 13/3 được nhà điều hành đưa ra trong bối cảnh giá thế giới hạ nhiệt sâu.

(tổng hợp)