Ông Imran Khan (đeo kinh đen) tới trình diện Tòa án Tối cao Pakistan ngày 12/5. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Ukraine đạt bước tiến đáng kể ở Bakhmut: Ngày 12/5, trong thông báo đăng trên mạng truyền thông xã hội: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Ganna Malyar khẳng định Nga đã “chịu tổn thất lớn về nhân lực”, đồng thời nêu rõ: “Lực lượng phòng thủ của chúng tôi đã tiến được 2 km gần Bakhmut. Trong tuần này, chúng tôi đã không để mất bất kỳ một vị trí nào ở đây”. Trước đó một ngày, lãnh đạo tập đoàn quân sự tư nhân Wagner (Nga) Yevgeny Prigozhin cho biết một đơn vị quân đội Nga đã phải bỏ vị trí yểm trợ ở thành phố miền Đông này. (AFP)
* Ngoại trưởng Ukraine hối Mỹ Latinh chỉ trích Nga: Ngày 11/5, phát biểu kết thúc chuyến thăm 2 ngày tại Guatemala, ông Dmitry Kuleba đã chỉ trích “thái độ trung lập” của một số nước Mỹ Latinh. Theo quan chức này, nếu Nga thành công tại Ukraine, các nước khác có thể “bị cám dỗ và làm theo hành vi của Nga”. Ông nhận định hiện một số nước Mỹ Latinh cho rằng cách tốt nhất là “giữ thái độ trung lập”, số khác lại cho rằng xung đột này “không liên quan gì” tới mình, song “đây không phải cách tiếp cận hiệu quả".
Gửi lời cảm ơn sự ủng hộ của Guatemala, quan chức này lưu ý “người dân Guatemala biết quá rõ sự đau khổ và tàn phá” của xung đột, đề cập cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Mỹ này năm 1960-1996. Ông khẳng định: “Hãy tin tôi, không có quốc gia nào khác trên thế giới muốn xung đột kết thúc hơn Ukraine”.
Về phần mình, Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ chính trị và ngoại giao cho Ukraine trong cuộc đấu tranh khốc liệt vì mục tiêu phát triển, hạnh phúc và bảo vệ người dân. Tôi hy vọng mọi thứ sẽ nhanh chóng kết thúc và quá trình tái thiết Ukraine sớm bắt đầu”. (AFP)
* Chính quyền Nga sẽ thực hiện đầy đủ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen: Ngày 12/5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hiện chưa có thông tin gì đáng chú ý sau đàm phán tại Istanbul về gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Quan chức này cũng nhận định cuộc thảo luận giữa lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Nga chưa chắc đã mang lại hiệu quả cần thiết. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng chỉ có thực hiện đầy đủ thỏa thuận mới tạo điều kiện thuận lợi để gia hạn.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết các bên tham gia thỏa thuận sắp đi đến nhất trí về việc gia hạn sáng kiến này.
Chính quyền Nga từng cảnh báo nước này sẽ không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sau ngày 18/5, trừ khi các yêu cầu của Moscow được đáp ứng nhằm loại bỏ trở ngại đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón Nga. (Reuters)
* Mỹ sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Ukraine: Ngày 11/5, trả lời phỏng vấn đài PBS (Mỹ), Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định Washington sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của Kiev cho đợt phản công: “Nếu có khoảng trống hay thiếu hụt, họ sẽ cho chúng tôi biết. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để khắc phục chúng”.
Trước đó cùng ngày, CNN (Mỹ) dẫn lời các quan chức phương Tây đưa tin, Anh đã gửi tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow tới Ukraine sau khi Kiev bảo đảm rằng loại vũ khí này sẽ không được sử dụng để tấn công mục tiêu ở Nga. (Sputnik)
* Đặc phái viên Trung Quốc sẽ thăm Ukraine: Ngày 12/5, phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân thông báo: “Từ ngày 15/5, Đại sứ Li Hui, đại diện đặc biệt của Chính phủ Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu, sẽ thăm Ukraine, Ba Lan, Pháp, Đức và Nga, để thảo luận với tất cả các bên về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”. (AFP)
* Nam Phi bác cáo buộc gửi vũ khí cho Nga: Ngày 12/5, phát biểu với Đài phát thanh 702 (Nam Phi), Bộ trưởng Mondli Gungubele Mondli Gungubele, người đứng đầu Ủy ban kiểm soát vũ khí thông thường quốc gia, khẳng định Nam Phi “không phê chuẩn việc cung cấp bất kỳ vũ khí nào cho Nga”. Ông khẳng định nếu vũ khí được đưa lên một con tàu đi từ Nam Phi đến Nga, đó là hành động bất hợp pháp và không phù hợp.
Trước đó một ngày, Financial Times (Anh) cho biết Mỹ đã cáo buộc Nam Phi cấp vũ khí cho Nga trong một chiến dịch bí mật. Theo Đại sứ của xứ cờ hoa tại Pretoria Reuben Brigety, Washington cho rằng vũ khí và đạn dược đã được đưa lên tàu Lady R, một tàu Nga bị trừng phạt neo đậu tại xưởng đóng tàu hải quân Simon's Town gần Cape Town tháng 12/2022 trước khi trở lại Nga. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Chuẩn bị họp thượng đỉnh giữa xung đột Nga-Ukaine, NATO tính đưa vũ khí này vào bảo vệ hội nghị |
Đông Nam Á
* Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong thăm Trung Quốc: Ngày 12/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân thông báo, nhận lời mời của người đồng cấp Trung Quốc Đinh Tiết Tường, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong sẽ thăm nước này từ ngày 13-17/5.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước có nhiều bước tiến đáng kể. Tháng trước, Singapore và Trung Quốc đã ra tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện chất lượng cao hướng tới tương lai, nhân chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. (Tân Hoa xã)
* Ấn Độ và Campuchia tăng cường hợp tác hải quân: Trong khuôn khổ kế hoạch triển khai của hải quân Ấn Độ (INS) tới thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các tàu INS Delhi và INS Satpura dưới sự chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Gurcharan Singh, tư lệnh Hạm đội miền Đông (FOCEF), sẽ ghé thăm cảng Sihanoukville của Campuchia từ ngày 11-14/5. Trong thời gian cập cảng, hải quân hai nước sẽ có hoạt động trao đổi nghiệp vụ, tham quan boong tàu và giao lưu thể thao nhằm tăng cường khả năng tương tác và hiểu biết lẫn nhau.
INS Delhi là tàu khu trục tên lửa dẫn đường đầu tiên do Ấn Độ tự chế tạo, trong khi đó INS Satpura là tàu khu trục tàng hình đa năng nội địa. Cả hai được trang bị một loạt vũ khí, hệ thống cảm biến đa năng và có thể mang theo máy bay trực thăng. Đây là minh chứng cho khả năng thiết kế và đóng tàu tiên tiến của Ấn Độ.
Mục đích thăm Campuchia của các tàu INS là nhằm củng cố mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa hai nước, thông qua tăng cường hợp tác hàng hải. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Kinh tế Singapore: Thủ tướng Lý Hiển Long hối thúc tìm cách 'tránh suy thoái' hoàn toàn, trước triển vọng không sáng sủa |
Nam Thái Bình Dương
* Ngoại trưởng Trung Quốc có thể sớm thăm Australia: Ngày 12/5, Giám đốc Viện Quan hệ Australia-Trung Quốc (ACRI) tại Đại học Công nghệ Sydney, James Laurenceson, cho hay chuyến thăm dự kiến diễn ra vào tháng 7 nhưng chưa xác nhận ngày cụ thể.
Ông nói: “Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đến thăm Australia là một sự kiện lớn. Bởi lẽ, ông sẽ là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc đến Australia kể từ khi quan hệ song phương tan băng. Chuyến thăm này sẽ là một phần của tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương”.
Văn phòng Ngoại trưởng Australia Penny Wong chưa bình luận về thông tin trên. (SCMP)
TIN LIÊN QUAN | |
Căng thẳng Trung Quốc-Australia: Canberra dùng ‘vũ khí’ năng lượng, ‘uốn’ thành công dòng chảy thương mại, vẫn kiếm bộn tiền |
Nam Á
* Cựu Thủ tướng Pakistan được tại ngoại: Ngày 11/5, GeoTV (Pakistan) cho biết Hội đồng xét xử của Tòa án Tối cao Pakistan gồm Chánh án Umar Ata Bandial, Thẩm phán Muhammad Ali Mazhar và Thẩm phán Athar Minallah, phán quyết rằng việc Cơ quan Giải trình Trách nhiệm Quốc gia (NAB) bắt giữ ông Imran Khan ngày 9/5 là phạm pháp và ra lệnh cho NAB trả tự do cho ông Khan.
Ngoài ra, Chánh án Bandial còn đề nghị ông Khan chỉ trích các cuộc biểu tình bạo lực nổ ra trên khắp đất nước sau khi chính trị gia này bị bắt giữ. Đáng chú ý, Hội đồng xét xử của Tòa án Tối cao đã bày tỏ tức giận khi ông Khan khai đã “bị bắt cóc” khỏi khuôn viên Tòa án cấp cao Islamabad và bị đánh bằng roi. Ông Bandial đã gọi hành động này là “sự ô nhục” đối với cơ sở tư pháp của đất nước.
Trước đó, việc ông Khan bị bắt hôm 9/5 liên quan vụ lừa đảo đất đai đã làm bùng phát tuần hành bạo lực khắp quốc gia Nam Á này, buộc giới chức Pakistan đã phải huy động quân đội để giúp lập lại trật tự an ninh. Cảnh sát Pakistan đã áp lệnh khẩn cấp cấm tụ tập trong bối cảnh người ủng hộ ông Imran Khan dự kiến sẽ tuần hành đến Islamabad để phản đối việc chính trị gia này phải trình diện tòa ngày 12/5. (Reuters/TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Sóng gió ‘mới mà cũ’ tại Pakistan |
Đông Bắc Á
* Hàn Quốc, Anh ký ý định thư thiết lập quan hệ Đối tác phát triển chiến lược: Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này và Anh ngày 12/5 đã ký ý định thư để thiết lập quan hệ Đối tác phát triển chiến lược song phương. Lễ ký diễn ra tại Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ở Seoul với sự tham dự của Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Lee Do Hoon, Thứ trưởng Tài chính Hàn Quốc Bang Ki Sun và Quốc vụ khanh Anh phụ trách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Anne-Marie Trevelyan.
Ý định thư này kêu gọi thiết lập quan hệ Đối tác phát triển chiến lược song phương ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dựa trên các giá trị chung về tự do, dân chủ, pháp quyền và nhân quyền. Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, hai nước cũng nhất trí tìm kiếm các biện pháp hợp tác chung, tập trung vào các lĩnh vực kỹ thuật số, khí hậu, môi trường, y tế cộng đồng, hợp tác khu vực tư nhân và phụ nữ. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Hàn Quốc điều động 60 máy bay chiến đấu tham gia tập trận không quân quy mô lớn |
Châu Âu
* Đức kêu gọi Mỹ có quyết định “chín chắn” về trần nợ công: Ngày 12/5, phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Nhật Bản, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner bày tỏ hy vọng chính giưới Mỹ sẽ có quyết định “chín chắn” về các cuộc đàm phán nâng trần nợ liên bang, đồng thời về rủi ro của sự kiện này với kinh tế toàn cầu. Ông cũng nhận định rằng triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn quá “mong manh”.
Trước đó, ngày 11/5, Nhà Trắng thông báo cuộc họp về trần nợ công giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và đại diện cấp cao của đảng Cộng hòa, dự kiến diễn ra ngày 12/5, phải hoãn đến đầu tuần tới để đội ngũ nhân viên hai bên tiếp tục chuẩn bị. (Reuters)
* Ứng viên tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói Nga phát tán tài liệu giả: Ngày 12/5, ông Kemal Kilicdaroglu, đối thủ chính của Tổng thống Tayyip Erdogan, đã chỉ trích Nga phát tán tài liệu giả trên mạng xã hội trước thềm bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm 14/5. Ông cho rằng “những người bạn Nga” cần chịu trách nhiệm về các đoạn phim, kế hoạch, nội dung giả mạo tung ra ngày 11/5: “Nếu các bạn muốn duy trì tình hữu nghị giữa chúng ta sau ngày 15/5, hãy bỏ tay ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi vẫn ủng hộ sự hợp tác và tình hữu nghị giữa hai nước”.
Theo thăm dò dư luận, ông Kilicdaroglu, hiện đang có lợi thế dẫn trước về tỷ lệ so với đương kim Tổng thống Tayyip Erdogan không cho biết cụ thể về tài liệu giả mà ông nhắc tới. Trước đó, ngày 11/5, ứng cử viên tổng thống Muharrem Ince cũng đã rút khỏi cuộc bầu cử sau khi được cho là trở thành mục tiêu bôi nhọ trực tuyến. Tuy nhiên, ông không nêu rõ lý do đằng sau hành động của mình. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tình hình Syria: Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không có mưu đồ gì; nhóm nghị sĩ Mỹ hành động đề phòng sau động thái của khối Arab |
Trung Đông-Châu Phi
* Iraq muốn nối lại xuất khẩu dầu thô: Ngày 12/5, phát biểu trong chuyến thăm tới một mỏ dầu tại thành phố Basra của nước này, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq, ông Hayan Abdel-Ghani cho biết nước này sẽ nối lại xuất khẩu dầu thô qua đường ống tới Thổ Nhĩ Kỳ, với sản lượng 500.000 thùng/ngày từ ngày 13/5. Tuy nhiên, Ankara hiện chưa xác nhận thông báo nêu trên. Trước đó, Iraq đã thông báo tới Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị nối lại hoạt động xuất khẩu dầu qua đường ống từ vùng bán tự trị của người Kurd tại miền Bắc Iraq qua cảng Ceyhan (Thổ Nhĩ Kỳ). (Reuters)
* Iran thả hai công dân Pháp: Ngày 12/5, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna thông báo cùng ngày, Iran đã trả tự do cho hai công dân Pháp là Bernard Phelan và Benjamin Briere, vốn bị bắt giam trong các vụ án riêng rẽ. Theo bà, công dân Phelan, người mang hai quốc tịch Pháp-Ireland, cùng công dân Briere đã rời nhà tù ở thành phố Mashhad, Đông Bắc Iran và đang trên đường về Pháp.
Hai nhân vật trên nằm trong số hơn hai chục người nước ngoài bị bỏ tù ở Iran. Các nhà vận động cho rằng họ là con tin trong một chiến lược của Tehran nhằm buộc phương Tây nhượng bộ. Hiện Iran vẫn đang giam giữ 4 công dân Pháp nữa. (AFP/Reuters)
* Israel họp khẩn nội các, nguy cơ xung đột leo thang: Ngày 12/5, Văn phòng Thủ tướng nước này thông báo ông Benjamin Netanyahu đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các quan chức an ninh hàng đầu về tình hình tại dải Gaza.
Trong số các quan chức được triệu tập có Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, Tổng Tham mưu trưởng quân đội (IDF) Herzi Halevi, Giám đốc Cơ quan An ninh nội địa (Shin Bet) Ronen Bar, Giám đốc cơ quan tình báo (Mossad) David Barnea, Trợ lý Thủ tướng phụ trách quân sự Avi Gil, Bộ trưởng Ngoại giao Eli Cohen, Bộ trưởng Các vấn đề Chiến lược Ron Dermer, và một số quan chức nội các khác.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tiếp tục các tấn công các mục tiêu của lực lượng Thánh chiến Jihad Palestine (PIJ) ở Dải Gaza. Trong khi đó, PIJ lần đầu tiên đã hướng tên lửa về phía thành phố Jerusalem, buộc phía Israel phải kích hoạt hệ thống báo động trong các khu dân cư tại đây.
Thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian hòa giải đã nhanh chóng đổ vỡ. Báo chí Israel dẫn các nguồn tin cấp cao tiết lộ các bên vẫn chưa đạt được đồng thuận về các điều kiện ngừng bắn và vì vậy, giao tranh sẽ tiếp tục diễn ra.
Về phần mình, một quan chức Ai Cập cho biết thêm nguy cơ lớn nhất hiện nay là cuộc diễu cờ thường niên của người Do Thái sẽ diễn ra trong tuần tới ở Jerusalem, có thể kích động người Palestine ở Dải Gaza và khiến tình hình thêm căng thẳng. (TTXVN)
| Tình hình Ukraine: Thông tin trái ngược về Bakhmut, Đức kêu gọi ‘thận trọng’ trong vấn đề này Đức cho rằng các nước châu Âu nên cân nhắc kỹ lưỡng nếu muốn áp đặt trừng phạt Trung Quốc liên quan đến xung đột ... |
| Tình hình Ukraine: Kiev được lời bảo đảm chắc nịch của Mỹ về phản công, phàn nàn thái độ của một số nước Latinh Ngày 11/5, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba hối thúc tất cả các nước Mỹ Latinh lên án xung đột ở nước này, trong khi Washington ... |
| Tình hình Ukraine: Trung Quốc sắp cử đặc phái viên sang Kiev, Bakhmut có diễn biến mới? Trong bối cảnh tình hình giao tranh ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Trung Quốc mới đây đã thông báo bước đi ... |
| Israel không kích Dải Gaza, Palestine lo ngại Hamas đảo chính An ninh tại Dải Gaza tiếp tục diễn biến phức tạp trước những động thái mới đây của lực lượng an ninh Israel và các ... |
| Israel-Palestine: Dải Gaza ‘căng như dây đàn’, nhiều nước đồng loạt lên tiếng Liên minh châu Âu, Đức, Ai Cập và Jordan đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt giao tranh giữa Israel và các lực lượng Hồi ... |