Giấc mơ Mỹ và ước muốn đoàn tụ gia đình của những bà mẹ trẻ
Kha Ninh
07:30 | 08/04/2021
Hàng trăm người đã vượt qua biên giới Mexico và Mỹ mỗi ngày để hoàn thành 'giấc mơ Mỹ', được đoàn tụ gia đình và mưu cầu cuộc sống tốt đẹp hơn. Dưới đây là tâm sự của một số bà mẹ trẻ.
|
Sau nhiều ngày trên đường, ba mẹ con Celeste chỉ còn cách "giấc mơ Mỹ" của họ vài giờ nữa, người mẹ trẻ có thể hy vọng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mình và các con ở xứ cờ hoa. (Nguồn: Chandan Khanna/AFP/Getty Images) |
|
Ba mẹ con Amanda đến từ Guatemala, họ đang chờ xe buýt ở bến gần cầu Gateway International, nơi nối liền Brownsville, Texas, Mỹ và Matamoros, Mexico. Amanda chia sẻ, do cuộc sống ở quê hương Guatemala của cô thường xuyên bị đe dọa bởi bạo lực, thiên tai và dịch bệnh nên cô muốn di cư để các con có tương lai tốt đẹp hơn. (Nguồn: Chandan Khanna/AFP/Getty Images) |
|
Sau khi bị bắt vì vượt biên trái phép, Amanda đã được lực lượng bảo vệ biên giới Mỹ cấp giấy thông hành, cho phép cô và hai con tạm thời ở lại và tìm việc làm mưu sinh ở khu tạm cư Brownsville. Trong ảnh: Một trong những hàng rào biên giới tại sông Rio Grande, nơi phân tách hai quốc gia Mỹ và Mexico. (Nguồn: Chandan Khanna/AFP/Getty Images) |
|
Eva và con gái trên đường đến chỗ của chồng cô ở Houston, hoặc nơi ở của em gái ở Indiana. Khi được hỏi về cuộc sống sau khi vượt biên, Eva chia sẻ: "Trước đó, tôi phải đối mặt với thất nghiệp ở Honduras, cuộc sống thực sự khó khăn. Còn ở Mỹ, bạn có thể làm bất kỳ loại công việc nào để kiếm sống". (Nguồn: Chandan Khanna/AFP/Getty Images) |
|
Eva cho biết, mọi người chia sẻ thức ăn với nhau, cùng giúp nhau qua sông để vượt qua biên giới Mỹ mà không đòi một đồng tiền công nào. Sau khi vào đến lãnh thổ Mỹ, những người di cư sẽ bị lực lượng bảo vệ biên giới nước này bắt giữ và điều tra tị nạn. Trong ảnh: Camera an ninh đặt ở biên giới Mỹ và Mexico (Nguồn: Chandan Khanna/AFP/Getty Images) |
|
Các nhân viên điều tra không bao giờ hỏi lý do tại sao Eva đến Mỹ, họ chỉ lấy thông tin cá nhân và cấp giấy tờ cho phép cô tạm thời ở lại, làm việc để nuôi con, với cam kết thường xuyên báo cáo với chính quyền trước khi muốn rời đi nơi khác. Theo Eva, cô và những người di cư khác quyết định đến Mỹ trong thời điểm này do những chính sách nhập cư mới dưới thời Tổng thống Joe Biden có phần nới lỏng, khoan dung hơn so với người tiền nhiệm Donald Trump. Họ nhìn thấy cơ hội được trở thành công dân Mỹ. Trong ảnh: Cảnh sát biên giới Mỹ tuần tra bên bờ sông Rio Grande. (Nguồn: Chandan Khanna/AFP/Getty Images) |
|
Theo quy định, hầu hết những người trưởng thành độc thân và các gia đình vượt biên bị bắt giữ sẽ bị trục xuất. Tuy nhiên, những phụ nữ ở khu tạm cư thành phố Brownsville nghĩ rằng, mẹ con họ sẽ được ở lại nếu đứa trẻ còn nhỏ. Suy nghĩ này có thể dẫn đến việc nước Mỹ sẽ phải đối mặt với làn sóng di cư lớn nhất trong 20 năm qua, gia tăng gánh nặng lên hệ thống ngân sách. Trong ảnh: Những người xếp hàng để khai báo tị nạn, xin nhập cư vào Mỹ. (Nguồn: Chandan Khanna/AFP/Getty Images) |
|
Chỉ trong tháng 2 qua, hơn 100.000 người di cư tại biên giới với Mexico đã bị bắt giữ. Cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới đã gia tăng sức ép, buộc chính quyền Tổng thống Joe Biden phải mở thêm những cơ sở phân loại và tạm giữ người nhập cư trái phép. Nhưng hầu hết đều đang trong tình trạng quá tải. (Nguồn: Chandan Khanna/AFP/Getty Images) |
|
Theo thông tin của một quan chức Mỹ, gần 4.300 trẻ em không có người đi cùng đã bị nhân viên tuần tra biên giới giữ lại. Nhiều phụ nữ thì dẫn theo con đến "trạm trung chuyển" Brownsville để chờ đợi cơ hội đoàn tụ với các ông chồng đang sống ở Mỹ. Theo Luvia, sau khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống, người chồng hiện đang ở Virginia khuyên cô nên đến Mỹ vì đây là thời điểm thích hợp để nhập cư. (Nguồn: Chandan Khanna/AFP/Getty Images) |
|
Nhiều người khác thì chấp nhận rời xa người thân để tìm cơ hội nhập cư mỏng manh cho mình lẫn các thành viên còn lại trong gia đình. Chẳng hạn, Jilsa - người phụ nữ Guatemala muốn đến Colorado, nơi anh họ của cô sinh sống. Cô lựa chọn đi cùng con gái nhỏ của mình, để lại ba đứa con khác cho mẹ cô ở quê nhà. Khi còn ở Guatemala, cô bán hàng rong, lúc nào cũng sống trong lo sợ vì phải đối mặt với khả năng bị các băng nhóm tống tiền. "Nếu không có tiền để giao nộp, chúng tôi buộc phải bỏ trốn vì tính mạng sẽ bị đe dọa", Jilsa nói. (Nguồn: Chandan Khanna/AFP/Getty Images) |
|
Trong hoàn cảnh khốn khó, những người nhập cư cảm thấy may mắn và biết ơn sự giúp đỡ của các nhà từ thiện ở cả hai bên biên giới. Đồ ăn và nhu yếu phẩm đã được quyên góp và phát tại trạm xe buýt. (Nguồn: Chandan Khanna/AFP/Getty Images) |
|
Người di cư vượt qua biên giới phía Nam không phải vấn đề mới với nước Mỹ, bởi những chuyện này đã kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, đợt di dân ồ ạt với số lượng lớn nhất từ trước đến nay đã khiến chính quyền Tổng thống Biden "đau đầu", đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp. Trong khi đó, người di cư trước khi đến được với nước Mỹ còn phải đối mặt với một hành trình dài, đầy nguy hiểm. Bất cứ lúc nào họ cũng có thể trở thành nạn nhân của các đường dây buôn người hay tội phạm có tổ chức. Trong ảnh: Một đứa trẻ chơi với một món đồ chơi do nhóm từ thiện ở Brownsville tặng. Cậu bé và mẹ đang hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. (Nguồn: Chandan Khanna/AFP/Getty Images) |
(theo The Guardian)