Tầu kiểm ngư KN491 nổi hồi còi dài, bắt đầu rời bến. Trên cầu tầu, hai hàng tiêu binh Hải quân nghiêm chào. Tất cả thành viên của Đoàn công tác số 10 thăm quần đảo Trường sa và nhà dàn DK1 đứng trên bong. Cảm giác thật khó tả, vừa trang nghiêm, tự hào, vừa xúc động tràn ngập. Con tàu do Việt Nam đóng hoàn toàn đang từ từ rời quân cảng quốc tế Cam ranh, rời đất mẹ để đưa đoàn 70 kiều bào từ hơn 24 quốc gia-vùng lãnh thổ tới thăm chiến sỹ, đồng bào trên quần đảo Trường Sa và Nhà dàn DK1.
“Made in Vietnam” trên biển
Đa số đại biểu trong Đoàn công tác số 10 là đi thăm Trường Sa lần đầu. Lần đầu tiên bước lên bong tầu kiểm ngư KN491, các đại biểu không khỏi cảm phục. Nghe từ lâu về các tầu kiểm ngư tuần tra cỡ lớn, giúp lực lượng Kiểm ngư Việt Nam thực hiện được những chuyến tuần tra xa bờ, dài ngày, nhưng ai cũng ngạc nhiên bởi thiết kế hiện đại và đường nét tinh tế trong nội thất tầu. Một đại biểu trong đoàn thông báo cho mọi người: lần đầu thấy một bộ máy lớn thế này “made in Vietnam” mà không có một chữ tượng hình nào.
Đoàn công tác số 10 chụp ảnh lưu niệm tại đảo Song Tử Tây. |
Chắc chắn để có được một nhận xét đơn giản ấy là cố gắng và quyết tâm của hàng triệu người muốn vươn mình ra biển cả mênh mông bằng chính bàn tay và khối óc Việt có từ hàng trăm năm trước, từ ý thức phát triển đội tàu Việt hùng mạnh của nhà Nguyễn. Chỉ hai năm sau khi lên ngôi, Minh Mạng đã cho mua một chiếc tàu bọc đồng của Pháp đưa về công xưởng tại kinh đô Huế, để làm mẫu đóng các thuyền khác. Chiến thuyền đầu tiên đóng theo kiểu phương Tây là tàu Thụy Long. Từ Thụy Long đến những Thiết kế chiến hạm tàng hình mới của Hải quân Việt Nam ngày nay là bước tiến dài của dân tộc Việt trên đường hướng ra biển và bảo vệ không gian sinh tồn biển, với diện tích rộng lớn trên 1 triệu km2. Kinh tế biển và các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, khai thác dầu khí, vận tải biển,... thời gian qua đã mang lại nguồn lợi rất lớn cho nhân dân, cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Với hành trình hơn 1000 hải lý, tàu KN491 đã đưa kiều bào và các đại biểu tới thăm 10 đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà dàn DK1. Trên mỗi đảo, dù lớn như Trường Sa hay dù nhỏ như Đá Thị, đoàn đều cảm nhận được từng viên đá trên các đảo, thấm đẫm mồ hôi và xương máu của cha anh, cảm nhận được quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước của các thế hệ. Được đứng cạnh các chiến sỹ gác trên đỉnh các đảo chìm, nhìn ra biển bao la, xanh thẳm bao quanh, thật sự xúc động và cảm phục ý chiến kiên cường, quả cảm của những người lính trước giông bão, trước sức ép thường xuyên nặng nề và khí hậu nghiệt ngã. Và họ, những chiến sỹ trẻ vẫn chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Cả đoàn từ mỗi lời thăm hỏi, từ mỗi món quà nhỏ đều muốn nói lên rằng: các anh, cả nước luôn bên cạnh các anh, chính các anh là ý chí và quyết tâm ngàn đời “made in Vietnam” với khí phách “Sông núi nước Nam vua Nam ở”.
Giỗ tổ Hùng vương và tri ân Liệt sỹ
Điều đặc biệt ở chuyến đi của đoàn công tác là lễ Giỗ Tổ Hùng vương được tổ chức ngay trên bong tầu đúng ngày 10 tháng 3 âm lịch. Lễ Giỗ Tổ được tổ chức trang nghiêm, trân trọng. Thay mặt Đoàn công tác, Đại sứ Lương Thanh Nghị, Trưởng đoàn đã bày tỏ sự tri ân của người Việt trên toàn thế giới đối với công đức của các Vua Hùng đã có công dựng nước. Nhiều kiều bào, và cả tôi nữa, đã không ngăn được dòng nước mắt khi nghĩ đến bao thế hệ đã ngã xuống để bảo vệ đất nước, bảo vệ từng mảnh đất thiêng liêng. “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Không khóc sao được khi lễ Giỗ Tổ được tổ chức ngay trên tuyến đường mà những chuyến tàu không số đã đi. Bao anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên những chuyến tàu như thế, trong đó có liệt sỹ anh hùng Nguyễn Phan Vinh, mà tên anh đã được đặt cho một đảo nơi chúng tôi tới thăm.
Cùng tri ân các anh hùng, liệt sỹ. |
Đoàn đến thăm đảo Phan Vinh chiều 24/4, nắng nóng dữ dội. Kiều bào rưng rưng khi hỏi khí hậu khắc nghiệt vậy thì các chiến sỹ sống làm sao. Đảo nhỏ, lượng bể chứa nước ngọt ít, rất khó khăn cho sinh hoạt và tăng gia. Hàng năm, đảo phải hứng chịu nhiều cơn bão lớn. Thế mà, từ một hòn đảo trơ trọi toàn cát trắng, những bàn tay người lính đã biến nơi đây thành đảo rợp bóng cây xanh với hàng chục loài khác nhau nhưng nhiều nhất là cây bàng vuông, phong ba và dừa. Đến nay, toàn bộ đường đi, lối lại trên đảo đã được bê tông hóa. Dự án chiếu sáng và năng lượng được triển khai. Năm nay là năm thứ 3 đoàn kiều bào từ Hàn Quốc mang theo về tặng các chiến sỹ hệ thống năng lượng pin mặt trời, góp phần nâng cao điều kiện sống trên các đảo. Các trạm thu tín hiệu vệ tinh, sóng điện thoại được phủ góp phần nâng cao đời sống tinh thần lính đảo và người dân.
Cũng trong chuyến đi, các đại biểu đã tham dự buổi lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên Biển Đông để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Buổi Lễ được tổ chức trang trọng và đầy xúc động trên tàu tại vùng biển đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa. Chuẩn Đô đốc, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Đỗ Minh Thái, Phó Trưởng đoàn công tác, đã xúc động phát biểu tại buổi lễ: “Từ trong sâu thẳm lòng mình, toàn thể Đoàn công tác chúng tôi xin nguyện mãi mãi tiếp bước thế hệ đi trước; quyết đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.” Vòng hoa tưởng niệm được Đoàn nâng niu thả xuống vùng biển mà cách đây 30 năm, vào ngày 14/3/1988, những chiến sỹ trẻ của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vòng hoa nhẹ trôi trên mặt biển trong ánh nắng chiều hoàng hôn đỏ thẫm, đàn cá chuồn nhảy nhẹ theo trên mặt nước như hướng về Gạc Ma. Chuẩn Đô đốc Đỗ Minh Thái xúc động nói trong nước mắt: Đấy, các anh hiển linh!
Các thành viên trong Đoàn giao lưu văn nghệ ththao cùng các quân dân trên đảo. |
Ánh mắt và nụ cười lính đảo
Cuối chuyến đi, đoàn thăm nhà dàn DK1. Nhà dàn DK1 là cụm dịch vụ kinh tế-khoa học-kỹ thuật được xây dựng dưới dạng nhà dàn, trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, cách đất liền 200 hải lý. Như những cột mốc đánh dấu chủ quyền lãnh hải của Việt Nam tại vùng thềm lục địa này, các nhà dàn được chiến sỹ ta canh giữ đêm ngày. Điều kiện nhà giàn rất khó khăn. Khả năng tiếp vận chỉ có thể thực hiện được vào những ngày đẹp trời 6 tháng một lần, vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 8. Điều kiện tiếp vận cũng rất khó khăn cho việc tiếp cận bằng tàu hoặc bằng trực thăng. Những người làm nhiệm vụ trên nhà dàn khu DK1 thường ít nhất phải trải qua 8-9 tháng mới trở về đất liền. Đứng trên sân bay nhà dàn trước khi xuống xuồng, anh Nhật - một người cùng đoàn hỏi: anh nhớ gì nhất sau chuyến đi này. Nhớ gì ư, nhiều lắm, nhưng nhớ nhất ánh mắt và nụ cười của lính đảo. Những ánh mắt trong sáng và kiên định. Mỗi lần cập bờ lên các đảo, lính đảo đều chào đón chúng tôi bằng những nụ cười tươi, tự tin và yêu đời, và bên cạnh họ là những chậu nước ngọt trong vắt cùng khăn lau mặt dành cho Đoàn. Anh Phạm Văn Hiến, cựu “đảo trưởng” Trường Sa, đi cùng Đoàn, nói với chúng tôi: trên đảo nước ngọt quý hơn vàng.
Trong chuyến đi, các phóng viên cùng Đoàn tranh thủ tác nghiệp và phỏng vấn kiều bào cảm nghĩ về chuyến đi, nhưng không ai hỏi: các nhà ngoại giao, cảm nghĩ gì sau chuyến thăm Trường Sa và nhà dàn DK1. Nhưng chúng tôi thật sự chia sẻ phát biểu của Đại sứ Phạm Sanh Châu khi tới thăm đảo Đá Thị: “Càng khâm phục các chiến sỹ, chúng tôi những cán bộ ngoại giao, những chiến sỹ thời bình trên mặt trận đấu tranh tại các diễn đàn sẽ càng cố gắng hơn nữa. Chúng tôi hiểu rằng cuộc đấu tranh trên các diễn đàn, trên bàn đàm phán sẽ góp phần ngăn chặn các xung đột bùng nổ, giảm thiểu hy sinh xương máu”. Và hơn nữa sau chuyến đi này, những nhà ngoại giao chúng tôi thấm thía hơn sự hy sinh của các chiến sỹ, đồng bào đã dành dụm từng đồng ngoại tệ đóng góp vào ngân sách cho các đoàn công tác ngoại giao, cho các cuộc đàm phán. Giấc mơ nhỏ bé mà chúng tôi mong muốn đóng góp sức mình để biến nó thành sự thật là gìn giữ một vùng biển đảo Trường Sa của Tổ quốc mãi bền vững và thanh bình.