Sân vận động quốc gia Bukit Jalil của Malaysia có sức chứa 87.411 chỗ. (Nguồn: The Star) |
Chủ tịch Liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA) - Gianni Infantino đã tặng những chiếc áo cầu thủ cho 10 nguyên thủ quốc gia ASEAN. Buổi lễ này đánh dấu sự khởi đầu hợp tác chính thức giữa ASEAN và FIFA, nhằm mục tiêu đẩy mạnh môn thể thao Vua và phát triển xã hội ở khu vực, cũng như hy vọng sẽ thúc đẩy nỗ lực chung của ASEAN với mục tiêu đăng cai FIFA World Cup 2034.
Những “nhà thầu” hàng đầu
Theo thông tin từ tờ The Star, dựa trên các đầu mối từ cuộc họp cấp Bộ trưởng ASEAN về thể thao vào tháng trước, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ là những “nhà thầu” hàng đầu. Nếu FIFA cho phép, đây sẽ là lần đầu tiên năm quốc gia đấu thầu đồng tổ chức sự kiện thể thao nổi tiếng nhất thế giới.
Việc giữ trọng trách là chủ nhà các sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới không xa lạ với các quốc gia thành viên ASSEAN. Philippines, Thái Lan và Indonesia đã từng đăng cai tổ chức Đại hội thể thao châu Á - sự kiện thể thao lớn nhất châu Á được tổ chức bốn năm một lần. Sau khi tổ chức thành công Đại hội thể thao châu Á 2018, Indonesia sẽ tiếp tục đăng cai World Cup U20 vào năm 2021.
Vào năm tới, Việt Nam sẽ gia nhập với “đội” của Malaysia và Singapore, với tư cách là một trong những quốc gia ASEAN từng là chủ nhà của Giải đua xe công thức 1 – môn thể thao tốc độ cao cấp nhất thế giới.
Sân vận động quốc gia Mỹ Đình của Việt Nam có sức chứa: 50.000 chỗ. (Nguồn: Zing) |
Với bề dày kinh nghiệm tổ chức các sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới của các quốc gia thành viên ASEAN, tham vọng đồng tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất thế giới, với 3,5 tỷ người hâm mộ cuồng nhiệt, quả là một cơ hội không nên xem nhẹ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là việc đặt lên bàn cân cả chi phí và lợi ích có thể bỏ qua.
Nên là chủ nhà World Cup?
Là nước chủ nhà của một sự kiện thể thao tầm cỡ như World Cup thực sự là một cơ hội vô cùng lôi cuốn. Đó là một biểu tượng của niềm tự hào dân tộc, uy tín và cả kỳ vọng về lợi ích kinh tế. Mặc dù World Cup cho phép nước chủ nhà làm hình ảnh, thể hiện bản sắc và khoe thành tích của mình, nhiều học giả, nhà hoạch định chính sách và giới chuyên gia tin rằng, chi phí tổ chức một sự kiện như vậy vượt xa lợi ích kinh tế trong dài hạn.
Nhà kinh tế Andrew Zimbalist từ Đại học Smith (Mỹ) chỉ ra rằng, việc tổ chức một sự kiện thể thao tầm thế giới như World Cup có mục tiêu là thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng trên thực tế, việc tổ chức một sự kiện thể thao lớn không có lợi cho nước chủ nhà.
Brazil đã chi khoảng 15 tỷ USD để xây dựng sân vận động, cơ sở thể thao và mạng lưới giao thông cho World Cup 2014. Ngày nay, một trong những sân vận động đắt giá nhất thế giới - Mane Garrincha (Brazil), có kinh phí xây dựng lên tới 550 triệu USD được trưng dụng làm bãi đỗ xe.
Giáo sư Zimbalist cũng lưu ý đến trường hợp của Nga - nước chủ nhà World Cup 2018, đã chi 14 tỷ USD để xây dựng các sân vận động mới và tân trang các cơ sở thể thao. Còn giờ đây, người nộp thuế ở nước này vẫn đang tiếp tục phải trang trải các chi phí cho việc bảo trì các sân vận động mới.
Các nhà hoạt động ở Nam Phi thì đang đưa ra các dẫn chứng nhằm chứng minh việc tổ chức World Cup 2010 đã để lại hậu quả kinh tế - xã hội. Để chuẩn bị cho sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, việc triển khai tu bổ và xây dựng đã trở thành một phần trong các dự án phục hồi thành phố, do đó nhiều cộng đồng nghèo đã phải di dời khỏi các khu định cư của họ. Sự dịch chuyển này không chỉ làm sâu sắc thêm các vấn đề xã hội mà còn gây gánh nặng cho ngân sách thành phố với các khoản dành cho quỹ nhằm đảm bảo các khu định cư tạm thời ở vùng ngoại ô.
Không giống các tác động về kinh tế, tác động xã hội của việc tổ chức một sự kiện thể thao lớn là gì đó khá vô hình. Có nhiều cơ hội để tăng cường kết nối, đối thoại giữa các cộng đồng, trao đổi văn hóa và hoạt động của giới trẻ thông qua các sự kiện thể thao. Mặc dù bị chỉ trích nặng nề vì khoản đầu tư trị giá 40 tỷ USD, Thế vận hội 2008 tại Bắc Kinh được cho là đã giúp Trung Quốc quảng bá thành công bản sắc ra thế giới.
Là một trong những sân vận động đắt giá nhất thế giới - Mane Garrincha (Brazil) đang được trưng dụng làm bãi đỗ xe. (Getty Images) |
Số lượng khách du lịch quốc tế đến Trung Quốc tăng đáng kể sau khi Thế vận hội và các công ty du lịch tăng cường cải thiện dịch vụ. Các cộng đồng địa phương sẵn sàng đóng góp để cải thiện môi trường và vệ sinh.
Với hơn một nửa dân số ở khu vực có độ tuổi dưới 30, ASEAN có lợi thế về số lượng người trẻ mong muốn, sẵn sàng tham gia và gặt hái những lợi ích do các sự kiện thể thao mang lại. Mặc dù chưa có một nghiên cứu cụ thể nào, nhưng nhiều sự kiện thể thao tầm cỡ đã ảnh hưởng khá tích cực đến những người trẻ tham gia vào các cuộc thi thể thao, cũng như các sự kiện văn hóa xã hội khác trong cộng đồng. Nghiên cứu đã chứng minh rằng, những người trẻ tuổi tham gia thể thao có lòng tự trọng cao hơn, coi trọng cộng đồng của họ hơn và xây dựng mối quan hệ tốt hơn với các đồng nghiệp.
Sự tham gia rộng rãi vào các hoạt động thể thao có thể có tác động làm giảm bớt tình trạng bạo lực ở thanh thiếu niên, như bắt nạt và phá hoại. ASEAN là nơi sinh sống của khoảng 634 triệu người và là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới. Khu vực này vốn nổi tiếng là một điểm đến du lịch đẳng cấp thế giới với nền văn hóa đa dạng, thời tiết ấm áp và lòng hiếu khách. Nhà tài trợ, du khách và cả các nhà đầu tư chắc chắn sẽ quan tâm đến một sự kiện thể thao lớn như World Cup được tổ chức tại khu vực này. Và quan tâm đến một nền bóng đá Đông Nam Á đang trên đà phát triển.
Theo FIFA, số lượng người xem bóng đá của riêng Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đã chiếm tới 50% trong tổng số 1,6 tỷ người xem World Cup 2018 ở châu Á. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35, Chủ tịch FIFA Infantino phát biểu rằng, “Người dân ở nước bạn, doanh nghiệp ở nước bạn đang “đầu tư” vào bóng đá châu Âu cao gấp 10 lần so với bóng đá ASEAN. Chúng ta tất nhiên cần đầu tư hơn vào khu vực ASEAN”.
Năm quốc gia thành viên ASEAN đang dẫn đầu cuộc đấu thầu đăng cai tổ chức World Cup 2034 hiện đang sở hữu một số cơ sở thể thao đẳng cấp thế giới như Sân vận động quốc gia Bukit Jalil, Malaysia (sức chứa: 87.411), Sân vận động Shah Alam, Malaysia (sức chứa: 80.372), Sân vận động Gelora Bung Karno, Indonesia (sức chứa: 77.193), Sân vận động Gelora Bandung Lautan Api, Indonesia (sức chứa: 72.000), Sân vận động Rajamangala, Thái Lan (sức chứa: 64.000), Sân vận động quốc gia Singapore (sức chứa: 55.000) và Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Việt Nam (sức chứa: 50.000).
Thách thức nhất hiện nay chính là xác định được cách kết nối, huy động tổng lực và đảm bảo phối hợp nhịp nhàng trong công tác hậu cần giữa 5 quốc gia. Thông qua các quy hoạch về cơ sở hạ tầng, cam kết mạnh mẽ, cũng như một kế hoạch kinh tế toàn diện, World Cup rất có thể sẽ được tổ chức tại khu vực này vào năm 2034.
Cuộc đấu thầu chung của ASEAN nhằm giành quyền tổ chức World Cup sẽ tiếp thêm động lực quan trọng cho các quốc gia thành viên để định hình một bản sắc mạnh mẽ hơn. Đây cũng là một cơ hội quan trọng để ASEAN củng cố cam kết nhằm thúc đẩy một cộng đồng, trong đó bao gồm định hướng phát triển con người và lấy con người làm trung tâm.
Tuy nhiên, tính khả thi về kinh tế vẫn là một vấn đề còn phải tiếp tục được cân nhắc. Bài toán kinh tế World Cup vẫn chưa có lời giải.