📞

Giải bài toán vốn đầu tư bằng hợp tác công - tư

10:00 | 10/09/2016
Bài toán phát triển cơ sở hạ tầng trong điều kiện ngân sách có hạn, đã được tỉnh Quảng Ninh giải hiệu quả bằng hình thức hợp tác công - tư (PPP).

Chủ trương triển khai mô hình PPP đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ấp ủ từ năm 2011. Ngày 5/12/2013, Ban Chấp hành Đảng bộ Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU chỉ đạo các cấp uỷ lãnh đạo thí điểm áp dụng PPP. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành danh mục 64 công trình áp dụng thí điểm triển khai mô hình PPP và giao nhiệm vụ đầu mối thực hiện cho 14 huyện, thị, thành phố và 12 sở, ban, ngành.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư PPP, để khuyến khích đầu tư, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành một loạt văn bản quy định một số ưu đãi và hỗ trợ đầu tư thực hiện dự án mới, dự án mở rộng trong lĩnh vực xã hội hoá tại các đơn vị vùng khó khăn; quy định về chính sách miễn tiền thuê đất đối với các cơ sở xã hội hoá sử dụng đất tại đô thị đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường, giám định tư pháp; quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thực hiện, quản lý dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước và dự án đầu tư theo mô hình PPP trên địa bàn tỉnh.

Người đi tiên phong

Một hành lang pháp lý vững chắc để triển khai các dự án theo PPP đảm bảo trình tự, thủ tục và hiệu quả đã được xây dựng. Ba hình thức triển khai dự án PPP đã được đưa ra là: “Lãnh đạo công - Quản trị tư”, “Đầu tư công - Quản lý tư”, “Đầu tư tư - Sử dụng công”, nhằm tái cơ cấu đầu tư, thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng. Tỉnh Quảng Ninh cũng đồng thời yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung lựa chọn các dự án tiềm năng, ưu tiên các dự án có tính thương mại cao để thực hiện theo mô hình PPP, từ đó, góp phần tạo điều kiện cho hình thức hợp tác được áp dụng rộng rãi.

Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ (TP. Móng Cái) là một trong những dự án PPP hiệu quả và có tính động lực. (Nguồn: BQN).

 PPP như một luồng gió mới nhanh chóng lan tỏa, Quảng Ninh trở thành người đi tiên phong và thành công trong việc áp dụng hình thức PPP đối với nhiều dự án, đặc biệt là những dự án động lực có ý nghĩa lớn. Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, đến ngày 31/6/2016, toàn tỉnh có 36 dự án triển khai theo mô hình PPP với tổng mức đầu tư trên 32.500 tỷ đồng. Tiêu biểu như dự án Liên cơ quan số 4 do Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà làm chủ đầu tư, có tổng vốn trên 310 tỷ đồng, diện tích 7.500m2, tại TP. Hạ Long, dự kiến đưa vào sử dụng từ tháng 10/2016.

Thực hiện mô hình đầu tư tư - sử dụng công, tỉnh cho nhà đầu tư thuê đất để xây trụ sở liên cơ quan, rồi thuê lại công trình theo giá thoả thuận đôi bên cùng có lợi. Với hình thức này, tỉnh không phải bỏ ra một lúc số vốn lớn, không phải thành lập bộ máy để quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa... công trình, song vẫn có công trình hiện đại, hiệu quả và ý nghĩa. Qua đó, giảm gánh nặng cho ngân sách, giảm thất thoát trong quá trình đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng, tập trung vốn cho các công trình động lực và ở vùng đặc biệt khó khăn.

Từ hiệu quả của những công trình ban đầu, Quảng Ninh tiếp tục triển khai PPP với hàng loạt các công trình mang tính động lực, ở nhiều lĩnh vực như: dự án Cầu Bạch Đằng, đường dẫn cầu Bắc Luân II, cảng hàng không Quảng Ninh, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ (TP. Móng Cái)... Không chỉ các công trình trọng điểm, hiệu quả triển khai PPP cũng nhanh chóng lan toả, với việc thu hút thành công các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển địa phương từ trường mầm non, chợ… đến bến xe.

Để triển khai PPP thành công

PPP là hình thức hợp tác còn khá mới mẻ, nên trong quá trình triển khai, Quảng Ninh cũng gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn dự án, quản lý, nguồn vốn đầu tư công, xác định giá trị tài sản… Vì vậy, để PPP được triển khai hiệu quả, tỉnh đã tập trung lựa chọn các dự án tiềm năng, ưu tiên các dự án có tính thương mại để thực hiện.

Trong quá trình xây dựng kế hoạch, tỉnh đã chủ động ưu tiên bố trí vốn ngân sách cho việc chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án đúng cam kết và đúng tiến độ, đặc biệt là phần tham gia của Nhà nước, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các biện pháp hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ chi phí chuẩn bị đầu tư; xúc tiến các khoản tín dụng trong nước dài hạn với lãi suất thấp...

Đối với các vướng mắc trong quá trình triển khai, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn vận dụng các cơ chế chính sách hướng dẫn, hỗ trợ trong việc xây dựng cơ chế chính sách, hướng dẫn cho từng dự án đảm bảo tính khả thi và quy định của pháp luật. Nhằm thu hút các nguồn lực từ khối doanh nghiệp, Quảng Ninh cũng xác định việc đồng hành cùng doanh nghiệp là quá trình xuyên suốt. Từ những công việc thực tế đó, sự tin tưởng của người dân và doanh nghiệp đối với chính sách và môi trường đầu tư ngày càng được củng cố, yên tâm mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.