Quang cảnh buổi họp báo về Giải Báo chí quốc gia 2019. (Ảnh: An Lê) |
Chiều 15/6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức họp báo về Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV. Tại đây, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam, cho biết Hội đồng chung khảo đã chấm 140 tác phẩm thuộc 11 loại giải báo chí, được lựa chọn từ 1.602 tác phẩm đủ điều kiện tham gia vòng sơ khảo.
Giải năm nay có hơn 110 đơn vị cấp hội và 230 cộng tác viên, tham dự 11 loại giải. Điều này cho thấy các cấp hội và hội viên trong cả nước đã ngày càng thật sự quan tâm đến Giải báo chí quốc gia.
Các tác phẩm tham dự đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2019 như: Nghị quyết 04 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; các nghị quyết, chính sách điều hành kinh tế- xã hội của Chính phủ trong năm 2019; các vấn đề về xử lý cán bộ sai phạm, sai phạm trong công tác quản lý đất đai, giáo dục; nạn tín dụng đen; phòng chống thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội.
Mặt bằng chất lượng chung các tác phẩm dự giải đồng đều hơn, nhất là sự vươn lên của các Hội nhà báo tỉnh, thành phố. Đặc biệt, ở khối phát thanh và truyền hình, khoảng cách về chất lượng giữa các đài ngày càng rút ngắn. Một vài đài phát thanh, truyền hình cấp tỉnh có tác phẩm vượt trội tham gia; có những thể nghiệm mới trong nghiệp vụ khá thành công.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Quang Lợi, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như các tác phẩm báo in chưa có nhiều sáng tạo, đột phá. Nhóm bình luận, các tạp chí, nhất là tạp chí khối Đảng tham gia tương đối ít, còn thiếu dấu ấn, không có bình luận, ít bình luận; một số chuyên luận chưa sâu, tính chuyên luận chưa cao. Trong khi đó, thể loại ký báo chí còn ít, thiếu vắng phóng sự viết về văn hoá, ảnh báo chí vẫn còn ít...
Cũng theo Ban Tổ chức, các tác phẩm được chọn vào vòng Chung khảo là những tác phẩm tiêu biểu về nội dung và hình thức, có tính định hướng dư luận xã hội, nhiều tác phẩm cho thấy hiệu ứng tác động xã hội tốt, được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết, dư luận xã hội đánh giá cao về vai trò phát hiện, phản biện, đấu tranh, phê phán cũng như biểu dương. Trong số 140 tác phẩm được vào chung khảo, Hội đồng Giải báo chí quốc gia đã chấm, chọn được 103 tác phẩm báo chí xuất sắc, gồm: 9 Giải A, 21 Giải B, 41 Giải C và 32 Giải khuyến khích.
Có thể nói, qua 14 năm tổ chức, Giải Báo chí quốc gia ngày càng nhận được sự quan tâm và tham gia chủ động, tích cực, hào hứng của các cấp hội, các cơ quan báo chí, hội viên nhà báo, cộng tác viên, công chúng báo chí cả nước. Lễ tổng kết và trao Giải sẽ được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và sẽ truyền trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam, VOV1 của Đài Tiếng nói Việt Nam và một số đài truyền hình địa phương vào tối ngày 21/6.
Không gian Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: An Lê) |
Trong khuôn khổ buổi họp báo, Ban tổ chức đã giới thiệu về chương trình khai trương trưng bày Bảo tàng Báo chí Việt Nam vào ngày 19/6 tới.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua hơn 1.000 ngày để triển khai các dự án thành phần nói trên. Dự án sưu tầm tài liệu, hiện vật đã và đang tiếp tục triển khai, đã sưu tầm được hơn 20.000 hiện vật, tài liệu được bảo quản tại khi cơ sở của Bảo tàng. Trong đó, có hơn 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm, phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam. Các không gian trưng bày của Bảo tàng được bố trí trên diện tích gần 1.500m2.
Tại buổi họp báo đã diễn ra Lễ ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Bảo tàng Báo chí Việt Nam với hai cơ sở đào tạo báo chí là Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) và Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong việc đào tạo, trao đổi học thuật cũng như thực tiễn hoạt động nghiệp vụ báo chí, hỗ trợ lẫn nhau về giảng dạy, nghiên cứu, xây dựng và phát triển các chương trình hợp tác.