Đoàn làm phim phỏng vấn người bán hàng rong. |
Nhiều cung bậc cảm xúc
"Những thành phố nhập cư: Hà Nội" là tên của dự án phim tài liệu kết hợp trình diễn âm nhạc sân khấu của đạo diễn người Thụy Điển Jorgen Dahlqvist và nhóm nhạc The Six Tones gồm nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thanh Thủy, nghệ sĩ đàn bầu Ngô Trà My và tay guitar người Thụy Điển Stefan Ostersjo.
Lấy ý tưởng từ cuốn sách của nhà báo Doug Saunders (Canada) về làn sóng di cư ở thế kỷ XXI, đạo diễn Dahlqvist đã thực hiện loạt phim về những thành phố mà người dân nông thôn đến tìm kiếm việc làm với mong ước có một tương lai tươi sáng hơn. Sau khi xem hai tác phẩm về thành phố Malmo và Vaxjo của Thụy Điển, nhóm The Six Tones đã tới gặp ông và cùng bàn về việc xây dựng tác phẩm thứ ba: Hà Nội.
Xuyên suốt tác phẩm là câu chuyện về cuộc đời và nghề nghiệp của ông Lưu Ngọc Nam, diễn viên kiêm nhà thiết kế trang phục Tuồng. Đan xen là kỷ niệm và tâm sự của những người bán hàng rong, của chính các thành viên The Six Tones về Hà Nội.
Trong hơn một giờ đồng hồ, những hình ảnh, tiếng động, âm nhạc của tác phẩm đưa người xem đi qua nhiều cung bậc cảm xúc. Từ sự choáng ngợp trong lần đầu đến Thủ đô đến sự căng thẳng trong công cuộc mưu sinh, nỗi xót xa trước cuộc sống tạm bợ của nhân vật trong phim... Và rồi, tất cả cùng lắng lại với ước vọng giản đơn của người bán hàng rong hay nỗi nhớ về những điều thân quen khi đã xa Hà Nội.
"Những thành phố nhập cư: Hà Nội" được ra mắt lần đầu tại Thụy Điển vào tháng 11/2014. Nghệ sĩ đàn tranh Thanh Thủy cho biết: "Các khán giả Thụy Điển hiểu Việt Nam rõ hơn thông qua tác phẩm. Nhiều người đến gặp chúng tôi sau giờ diễn và họ khẳng định sẽ đến Việt Nam trong một ngày gần nhất để được nghe tiếng rao của gánh hàng rong trên phố...".
Ngoài Thụy Điển và Việt Nam, bộ phim sẽ còn được trình chiếu và biểu diễn tại nhiều nước khác.
Sự kết hợp tư liệu và âm nhạc
Vào giữa năm 2014, nhóm The Six Tones cùng đạo diễn Dahlqvist đến Hà Nội để thực hiện các cảnh quay. Khi ấy, đoàn tình cờ biết được câu chuyện của ông Lưu Ngọc Nam. Ông Nam là một diễn viên Tuồng Nam người gốc Thanh Hóa, ra làm văn công ở Hà Nội từ năm 14 tuổi. Sau năm 1975, đoàn của ông được đưa về Bình Định (cái nôi của Tuồng Nam), nhưng nghệ sĩ này quyết định ở lại đoàn Tuồng Bắc ở Hà Nội. Chẳng mấy khi được diễn trên sân khấu, ông Nam đã quyết định chuyển sang thiết kế phục trang, chấp nhận giảm lương và cắt trợ cấp để được tiếp tục gắn bó với nghề.
Buổi giới thiệu bộ phim tại Hà Nội. |
Trong thời gian thực hiện, đoàn làm phim cũng đến khu vực gầm cầu Long Biên, nơi có rất nhiều người bán hàng rong thuê trọ để tìm hiểu cuộc sống của họ. Ban đầu, các nhân vật rất ngại ngần trước ống kính máy quay. Một vài người còn không muốn chia sẻ câu chuyện của mình. Nhưng sau một hồi trò chuyện, giới thiệu về dự án làm phim, các chị mới cởi mở hơn và cho phép thu âm.
Câu chuyện của những người dân lao động ở đây muôn màu muôn vẻ. Có người đi bán rong để nuôi hai con học đại học. Có người chẳng nhận mình là dân Hà Nội dù đã ở đây 20 năm nhưng lại mong các con có thể…
Toàn bộ phần âm nhạc trong tác phẩm do nhạc sỹ Thụy Điển Kent Olofsson sáng tác. Ông đã phải tìm hiểu và học hỏi rất nhiều để có thể sáng tác cho các nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Về phía The Six Tones, chơi nhạc của nhạc sỹ Olofsson là một quá trình rèn luyện tay nghề. Chị Thủy nhớ lại: "Năm 2009, tôi đã phải tập luyện cực kỳ vất vả để có thể chơi tác phẩm đầu tiên (dài ba phút) mà ông sáng tác cho nhóm. Tôi luôn cảm thấy căng thẳng trước mỗi giờ biểu diễn. Nhưng với tác phẩm cho bộ phim về Hà Nội này, chúng tôi chơi nhạc của ông gần một giờ đồng hồ và càng đàn càng thấy thích thú”.
Thể loại phim tài liệu kết hợp với trình diễn âm nhạc sân khấu còn rất mới mẻ nhưng "Những thành phố nhập cư: Hà Nội" đã để lại nhiều dư âm trong lòng khán giả Thủ đô. Đây cũng là lần đầu tiên ông Lưu Ngọc Nam được xem tác phẩm này. "Với việc các khán giả trẻ trong rạp im lặng, "nín thở" theo dõi các hình ảnh về Tuồng, nghe trình diễn nhạc cụ dân tộc trong hơn một giờ đồng hồ... thì có thể coi là tác phẩm đã thành công", ông nói.
Hoàng Quân