Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên chủ trì cuộc họp báo. |
Trong cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về tổng mức đầu tư Dự án Sân bay Long Thành và các nguồn lực để thực hiện Dự án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9, các thành viên Chính phủ đã nghe Tờ trình của Bộ Giao thông vận tải về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Báo cáo của Hội đồng thẩm định Nhà nước về Dự án. Các thành viên Chính phủ nhất trí về chủ trương đầu tư Dự án. Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện Tờ trình, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án.
Cụ thể về một số nội dung Dự án, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định, Sân bay Long Thành sẽ là dự án thực hiện phương án cổ phần hóa, liên doanh các nhà thầu để đầu tư, sau đó sẽ tiến hành cổ phần để xã hội hóa. Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn khởi đầu có công suất thiết kế là 20-25 triệu lượt khách/năm, tổng mức đầu tư xấp xỉ 6 tỷ USD. Giai đoạn 2 là sau khi chúng ta có đủ điều kiện về kinh tế mới thực hiện, nâng công suất lên 60-80 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 2 được thực hiện sau năm 2050.
Ở giai đoạn 1 (2020 - 2025), hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia liên doanh, giảm tối đa kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước. “Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương, Bộ sẽ trình phương án đầu tư dự án”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói.
Cũng tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin động thái Hoa Kỳ gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, việc Hoa Kỳ gỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nếu xảy ra sẽ là động thái tích cực trong thực hiện mối quan hệ bình thường với Việt Nam. Việt Nam, Hoa Kỳ đã thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện, nên việc gỡ bỏ lệnh cấm vận nếu xảy ra thể hiện sự tin cậy và hướng tới sự bình thường, toàn diện hơn trong mối quan hệ hai nước.
Thực tế, đất nước chúng ta đang sử dụng một số vũ khí có nguồn gốc xuất xứ từ Mỹ. Việc mua sắm, tu bổ, sửa chữa là nhu cầu có thật. Việc gỡ bỏ lệnh cấm góp phần thuận lợi hơn cho Việt Nam trong thực hiện kế hoạch quốc phòng, an ninh của Việt Nam.
Anh Sơn