Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp ông Joe Biden, lúc đó là Phó Tổng thống Hoa Kỳ, tại Nhà Trắng năm 2015. |
Tháng 9 được cho là một tháng bận rộn của lãnh đạo Hoa Kỳ. Tổng thống dự G20, Phó Tổng thống dự Hội nghị cấp cao ASEAN và nhiều hoạt động khác. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden vẫn thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Nhiều người cho rằng, đây là sự tiếp tục truyền thống từ sau khi bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, các Tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ đều thăm Việt Nam. Ông cho rằng đây là một chuyến thăm ngẫu nhiên hay “bất ngờ” nhưng có chủ ý?
Tôi cho rằng chuyến thăm này xuất phát trước hết từ vị trí siêu cường của Mỹ, và tiếp đó là do vai trò và vị thế của Việt Nam.
Thứ nhất, trong chiến lược toàn cầu của mình, Hoa Kỳ hiện tập trung mọi nguồn lực trong và ngoài nước để duy trì vị thế, “xốc” lại các mối quan hệ ở châu Á, châu Đại Dương, xuyên Đại Tây Dương. Và trong chiến lược đó, chắc chắn ASEAN và các nước ASEAN là điểm đến quan trọng của Hoa Kỳ.
Thứ hai, xuất phát từ vị thế, vai trò của Việt Nam, mà theo đánh giá của giới chuyên gia, không chỉ đến từ quy mô của một đất nước với 100 triệu dân, có nền kinh tế năng động, nguồn lao động trẻ dồi dào… mà còn là một dân tộc với ý thức, bản lĩnh và sức sống mãnh liệt đi lên và vượt qua khó khăn, thách thức.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (gồm cả Đối tác chiến lược toàn diện) và Đối tác toàn diện với 30 quốc gia. Đây là một sức mạnh vô hình tạo thế mới cho Việt Nam; cùng với đó là vị thế của một nền kinh tế đang vươn lên mạnh mẽ bất chấp xu hướng suy giảm toàn cầu cũng như vai trò ngày càng lớn trong ASEAN.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp như hiện nay, việc Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy quan hệ với các cường quốc, trên tinh thần hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, chân thành, thẳng thắn cũng chứng tỏ sức mạnh và bản lĩnh của Việt Nam.
Việc Mỹ coi trọng vị trí vai trò của Việt Nam không phải là một chính sách “ngày một, ngày hai” mà đã được thể hiện thời gian qua như thế nào, thưa ông?
Một chuyến bay của nhà lãnh đạo siêu cường từ bên kia bờ Thái Bình Dương sang Hà Nội không phải là đơn giản, mà xuất phát từ nhu cầu của chính Hoa Kỳ - để triển khai chiến lược an ninh quốc gia của mình.
Tại Quốc hội Australia, tháng 11/2011, lần đầu tiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố dịch chuyển mối quan tâm và nguồn lực của Mỹ từ Trung Đông sang châu Á-Thái Bình Dương. Tiếp đó, tháng 11/2017, tại Đà Nẵng, Tổng thống Donald Trump công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Tôi cho rằng, chiến lược này của Mỹ phát triển qua quá trình như vậy.
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, trong hơn hai năm qua, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển rất chắc chắn và ổn định hơn trước, cả trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, quốc phòng-an ninh. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã không bỏ qua một cuộc tiếp xúc nào với Việt Nam. Thời gian vừa qua, nhiều lãnh đạo của Mỹ đến thăm Việt Nam (Phó Tổng thống, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Tài chính, Đặc phái viên của Tổng thống về Khí hậu…); quan hệ an ninh-quốc phòng được thúc đẩy nhộn nhịp với nhiều lần tàu sân bay, tàu chiến của Mỹ cập cảng tại Cam Ranh, Đà Nẵng…
Có thể nói việc Mỹ đánh giá cao vai trò của Việt Nam không chỉ bằng lời nói (qua các chiến lược, chính sách được tuyên bố), mà còn cụ thể hóa qua các hành động ngoại giao và quân sự, an ninh, kinh tế… Tôi cho đó là đánh giá thực chất, là cơ sở, nền tảng tạo điều kiện cho chuyến thăm của ông Biden lần này. Nếu không có những hoạt động nhộn nhịp như vậy thì cũng khó dẫn đến chuyến thăm lần này.
Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của ông Biden?
Thứ nhất, chuyến thăm phản ánh đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn đúng đắn – duy trì đà quan hệ với Trung Quốc, củng cố quan hệ với Nga, tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các nước châu Âu và Mỹ. Đây cũng là thành công của ngoại giao Việt Nam.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an, trao đổi với phóng viên TG&VN về chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thứ hai, chuyến thăm phản ánh sức mạnh, tiềm năng và bản lĩnh của Việt Nam. Trong quan hệ với Mỹ, Việt Nam rất công khai, minh bạch. Việc thúc đẩy quan hệ với Mỹ trước hết tất cả là vì lợi ích của Việt Nam và Mỹ. Còn về mặt khách quan mà nói, chuyến thăm không xâm phạm lợi ích của nước khác, cũng như đối với thế giới và khu vực chỉ có lợi. Nhiều nước sẽ ủng hộ chúng ta về nỗ lực này.
Vậy theo ông, bên cạnh ý nghĩa mang tính biểu tượng thì thực chất, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ sau chuyến thăm sẽ được thúc đẩy như thế nào?
Sau chuyến thăm này, tôi hoàn toàn tin tưởng quan hệ hai nước cho dù trong khuôn khổ nào thì vẫn sẽ có sự chuyển động cả về kinh tế, chính trị, an ninh-quốc phòng; mở ra giai đoạn mới, không gian mới thúc đẩy hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Trong đó, lĩnh vực khoa học-công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực là đặc biệt quan trọng. Chúng ta rất mong muốn Hoa Kỳ đầu tư công nghệ vào Việt Nam. Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh công nghệ gay gắt như hiện nay, điều đó có lợi cho Việt Nam, chắc chắn những năm tới sẽ có nhiều dự án công nghệ cao của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Ngoài công nghệ, chúng ta cũng cần hỗ trợ về đào tạo nhân lực. Nền giáo dục Hoa Kỳ được cho là đứng đầu thế giới. Hiện Việt Nam có hơn 20.000 sinh viên học ở Mỹ, và phấn đấu năm 2025, con số này sẽ vào khoảng 30.000-40.000. Cánh cửa cho sinh viên Việt Nam sẽ rộng mở hơn.
Chắc chắn trong bất kỳ mối quan hệ nào cũng sẽ có những rào cản, từ bên trong và cả bên ngoài. Với quan hệ Việt Mỹ, theo ông, hai bên cần làm gì để vượt qua những rào cản và tiếp tục đà quan hệ tích cực như hiện nay?
Việc tồn tại những rào cản là quy luật tự nhiên. Nhưng tôi cho rằng để vượt qua rào cản, hai nước cần kiên trì lập trường, quan điểm là không chọn bên, mà chọn lẽ phải, chọn Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và vì lợi ích của doanh nghiệp và người dân hai nước. Hai bên cần hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, cả song phương và đa phương. Trong đó hợp tác, chia sẻ thông tin giúp hai bên khắc phục được những cản trở, thách thức, và đó là điều cần thiết. Sau này các cơ quan tham mưu chiến lược kể cả ngoại giao, an ninh-quốc phòng và kinh tế có sự trao đổi với nhau, có thông tin rồi sẽ tạo thuận lợi hơn cho hợp tác.
Việt Nam cũng cần tiếp tục giữ quan hệ ổn định với các nước lớn, dựa trên nguyên tắc bảo vệ độc lập chủ quyền của Việt Nam, nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Tuyệt đối không từ bỏ chủ quyền, độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, không xa rời Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và luôn công khai, minh bạch.
Xin trân trọng cảm ơn ông!