Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đoạt giải Nobel Hòa bình 2019. (Nguồn: CNN) |
Ông là người đã ký kết "Tuyên bố chung về hòa bình và hữu nghị" với Eritrea, theo đó mở ra chương mới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước láng giềng này sau 20 năm thù địch.
Cho đến trước khi chủ nhân giải thưởng của năm 2019 được xướng tên, Nobel Hòa bình đã được trao cho 106 cá nhân (trong đó có 17 nữ giới) và 27 tổ chức. Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế từng ba lần nhận giải thưởng này, trong khi Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cũng đã hai lần được vinh danh.
Ngoài ra, người sáng lập Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế - ông Henry Dunant cũng chính là người đầu tiên nhận giải thưởng này vào năm 1901.
Đến nay, người trẻ tuổi nhất từng đoạt giải Nobel Hòa bình là cô Malala Yousafzai (năm 2014 - khi mới 17 tuổi). Người cao tuổi nhất từng nhận giải Nobel Hòa bình là Joseph Rotblat (năm 1995 - khi ông 87 tuổi).
Nobel Hòa bình là hạng mục giải thưởng thứ năm, đồng thời là hạng mục cuối cùng mà nhà khoa học Alfred Nobel đề cập trong di chúc của mình.
Khác với các giải Nobel Y học, Vật lý, Hóa học và Văn học được trao tại Thụy Điển, giải Nobel Hòa bình do Ủy ban Nobel Na Uy công bố và trao tặng. Lễ trao giải Nobel Hòa bình sẽ tổ chức tại thủ đô Oslo của Na Uy vào ngày 10/12 tới.