Richard Thaler được vinh danh vì "các đóng góp của ông đã làm cầu nối giữa kinh tế học và các phân tích tâm lý học liên quan đến việc đưa ra các quyết định tài chính của mỗi cá nhân. Các phát hiện thực nghiệm và hệ thống lý thuyết mà ông đưa ra đã góp phần xây dựng một lĩnh vực nghiên cứu , càng phát triển về kinh tế học hành vi - vốn có ảnh hưởng sâu sắc lên nhiều lĩnh vực nghiên cứu kinh tế và chính sách", thông cáo của Ủy ban Nobel nêu rõ.
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã chính thức công bố chủ nhân của giải thưởng Nobel Kinh tế 2017 là Gs. Richard H. Thaler . (Nguồn: Reuters) |
Gs. Thaler được tôn vinh là người đi tiên phong trong việc kết hợp giữa tâm lý học và kinh tế. Công trình nghiên cứu của ông được đánh giá là đã mở đường cho một lĩnh vực mới trong kinh tế học. Gs. Per Stroemberg thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết: "Phát hiện của Gs. Thaler đã truyền cảm hứng cho các nhà nghiên cứu khác tiếp bước con đường mà ông đã mở và mở ra một lĩnh vực kinh tế mới, gọi là kinh tế học hành vi".
Công trình nghiên cứu của Gs. Thaler - mang tên Lý thuyết Nudge - đã chỉ ra cách thức tâm lý ảnh hưởng tới kinh tế học, từ đó giải thích cho các hành vi của người tiêu dùng trong kinh tế học. Gs. Richard H. Thaler đã mang các giả định thực tế trong tâm lý học vào việc phân tích cách đưa ra các quyết định kinh tế. Bằng cách khám phá hệ quả của trào lưu trong xã hội hay sự thiếu tự chủ của các cá nhân, Gs. Thaler đã chứng minh được các thói quen hay tính cách của con người có thể ảnh hưởng một cách có hệ thống, đến các quyết định của họ, từ đó ảnh hưởng tới kết quả của thị trường,
Gs. Thaler cũng khởi động một chương trình có tên gọi “Tiết kiệm nhiều hơn cho ngày mai” với mục đích giúp mọi người đưa ra các quyết định tài chính cá nhân dựa trên các kế hoạch dài hạn. Gs. Thaler cho rằng, các tác nhân kinh tế thực chất chính là con người, do vậy các mô hình kinh tế phải gắn liền với con người.
Nghiên cứu của Gs. Thaler tìm hiểu về các giới hạn của tư duy và lý trí có thể ảnh hưởng tới thị trường tài chính như thế nào. Gs. Thaler cũng chứng minh được rằng nỗi sợ mất mát sẽ khiến con người ta coi trọng một vật nào đó sẽ có giá trị hơn khi chúng ta sở hữu chúng, so với khi ta không có. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng của sự sở hữu (endowment effect).
Giáo sư Richard H. Thaler của Đại học Chicago. (Nguồn: Chicago Booth Magazine) |
Theo trang Twitter chính thức của Giải Nobel, khi được hỏi liệu ông có sử dụng số tiền thưởng 9 triệu Krona Thụy Điển (khoảng 1,1 triệu USD) một cách "có tư duy" như đã chứng minh trong các nghiên cứu của mình hay không, Gs. Thaler hóm hỉnh trả lời "tôi sẽ cố gắng tiêu chúng theo cách phi lý nhất có thể".
Trước đó, giới phân tích cũng đưa ra những cái tên sáng giá cho giải Nobel kinh tế năm nay. Đó là Colin Camerer từ Viện nghiên cứu Công nghệ California và George Loewenstein từ Đại học Carnegie Mellon, với công trình về kinh tế học thực nghiệm và hành vi. Một ứng cử viên tiềm năng khác là giáo sư kinh tế Đại học Stanford - Robert Hall với phân tích về năng suất lao động, suy thoái và thất nghiệp. Nhóm học giả Michael Jensen, Stewart Myers, Raghuram Rajan nổi bật với nghiên cứu về các quyết định trong tài chính doanh nghiệp.
Kinh tế thường là giải thưởng cuối cùng được trao mỗi mùa Nobel hàng năm, sau Nobel Y học, Hóa học, Vật lý, Văn học và Hòa bình. Nobel cho lĩnh vực kinh tế không thuộc cơ cấu giải thưởng ban đầu trong di chúc của nhà khoa học Thụy Điển - Alfred Nobel. Giải này được bổ sung từ năm 1968, nhân kỷ niệm 300 năm thành lập Ngân hàng Trung ương Thụy Điển - là đơn vị đóng góp quỹ cho giải thưởng này. Dù vậy, quy trình đề cử, chọn lọc và trao giải Nobel Kinh tế vẫn tương tự các lĩnh vực khác.