Doanh nghiệp rất mong các địa phương cũng hành động quyết liệt như Chính phủ giúp họ sớm phục hồi sản xuất. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Doanh nghiệp được quyền chủ động tổ chức sản xuất
Doanh nghiệp sẽ dễ thở dần. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã khẳng định như vậy khi nhận được Công văn 6565/BYT-MT của Bộ Y tế gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phòng chống dịch Covid-19 tại cơ sở lao động sản xuất, kinh doanh.
Theo hướng dẫn của công văn này, các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh… chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo sản xuất, kinh doanh. Việc chủ động này sẽ dựa trên hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế và đặc biệt là dựa trên đánh giá tình hình thực tế tại địa phương để hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch và phương án phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Y tế hướng dẫn các đơn vị thực hiện xét nghiệm sàng lọc và định kỳ đối với người lao động. Cụ thể là xét nghiệm sàng lọc hàng tuần ít nhất cho 20% người lao động bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp, hoặc test kháng nguyên nhanh khi đơn vị chưa có ca mắc Covid-19; xét nghiệm ít nhất 50% người lao động khi có ca mắc Covid-19...
Tin liên quan |
Lao đao vì Covid-19, doanh nghiệp cần ngay các biện pháp 'hồi sức' |
Đặc biệt, Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng kế hoạch và triển khai phòng, chống dịch tại các đơn vị, nhưng không để xảy ra tình trạng nhiều đơn vị chức năng kiểm tra một doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Như vậy là sau những khuyến nghị liên tục gửi Thủ tướng Chính phủ về các bất cập trong thực hiện khá cứng nhắc mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” trong các doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam và 4 ngày sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ và đại diện hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, nhiều vướng mắc bắt đầu được gỡ đúng như cam kết của Chính phủ.
Quan trọng nhất là quyền chủ động tổ chức sản xuất trong nhà máy phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch được giao lại cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tình thế có thể chưa chuyển biến nhanh trong ngày một, ngày hai như doanh nghiệp đang cần.
“Theo quy trình thông thường, sau khi Bộ Y tế có hướng dẫn, các tỉnh sẽ họp và có văn bản của mình. Đây mới là căn cứ chi tiết để doanh nghiệp thực hiện. Lúc này, mong các địa phương cũng “nóng ruột”, quyết liệt như Chính phủ, để các doanh nghiệp có điểm tựa thực thi”, ông Nam đề xuất, với nhiều lo lắng.
Sự lo lắng của ông Nam và nhiều doanh nghiệp có lý do, nhất là khi các mô hình tổ chức sản xuất trong doanh nghiệp chỉ có thể hiệu quả nếu kết nối thông suốt với hệ thống y tế, quản lý dân cư và các yêu cầu phòng chống dịch của địa phương.
Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp, chính Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể đã phải nhắc tên Hải Phòng mấy lần vì không thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Chính phủ về vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch Covid-19, khiến tình trạng ách tắc tại các chốt kiểm dịch kéo dài, gây khó khăn cho các doanh nghiệp logistics. Thậm chí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã phải thay mặt các địa phương gây khó khăn trong lưu thông hàng hóa nhận khuyến điểm. Khoảng thời gian giữa lần nhận khuyến điểm của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải và chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành là 14 ngày.
“Thước đo kép” cho chính quyền địa phương
Đề xuất của Trưởng ban Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT về việc Chính phủ giao chỉ tiêu và trách nhiệm cho các địa phương về tỷ lệ “doanh nghiệp xanh” trên tổng số doanh nghiệp tại địa bàn hàm chứa nhiều sự chờ đợi của doanh nghiệp với chính quyền các địa phương.
“Trên cơ sở chỉ tiêu, chính quyền các tỉnh sẽ chủ động hơn trong việc tính toán, sắp xếp thứ tự ưu tiên, sử dụng hiệu quả nguồn lực vaccine để tổ chức tiêm cho người lao động ở các nhà máy, nhóm lái xe, nhân lực logistics tại các công ty vận tải, dịch vụ xuất nhập khẩu... nhằm tạo lập và phát triển các doanh nghiệp xanh”, ông Bình chi tiết đề xuất của Ban IV.
Khái niệm “doanh nghiệp xanh” ở đây được hiểu theo nghĩa toàn bộ nhân viên, người lao động được tiêm đủ vắc-xin; mọi hoạt động sản xuất, vận hành trong khu vực trụ sở doanh nghiệp được đưa về trạng thái bình thường mới, kết hợp duy trì 5K trong quá trình giao tiếp với các nhóm chủ thể ngoài doanh nghiệp...
Cùng với khái niệm này, Ban IV cũng đưa ra khái niệm doanh nghiệp vận tải, logistics xanh - là doanh nghiệp có lái xe, nhân viên logistics làm việc tại hiện trường (kho, bãi, cảng...) được tiêm đủ vắc-xin, được cấp QR code về tình trạng tiêm chủng kèm tuân thủ quy định 5K..., coi đây là nền tảng quan trọng để tới đây tiếp tục phát triển doanh nghiệp du lịch xanh, doanh nghiệp hàng không xanh, các trang trại xanh... để phục hồi những lĩnh vực kinh tế đặc biệt quan trọng này.
Nhưng để làm được, trách nhiệm thực sự lớn nằm trong tay chính quyền địa phương, ở cả góc độ tuân thủ quy định chung cũng như đòi hỏi sự điều hành linh hoạt, sáng tạo của người đứng đầu.
Trở lại lý do khiến Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phải nhận khuyết điểm trước Thủ tướng Chính phủ và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, nguyên nhân từ các chốt phòng dịch của một số địa phương với các điều kiện, cách thức không thống nhất.
Tin liên quan |
Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua cú sốc Covid-19: Cần đồng bộ và thiết thực hơn |
Hệ quả là thời gian lưu thông tuyến Hà Nội - Hải Phòng tăng thành 15-20 giờ/lượt, thay vì 2 giờ. Cung đường bộ cửa khẩu Hữu Nghị/ Tân Thanh/ Chi Ma/ Móng Cái tới các khu công nghiệp ở Bắc Ninh/ Bắc Giang/ Hà Nội/ Phú Thọ/ Hải Phòng/ Hải Dương/ Nam Định... cũng mất thêm gần 1 ngày/chuyến, với chi phí trực tiếp tăng khoảng 20 - 30%/chuyến... Trên các cung đường bộ dài cho xuất nhập khẩu, quá cảnh từ cửa khẩu Hữu Nghị/ Tân Thanh Chi Ma/ Móng Cái đi ChaLo/ Lao Bảo/ Mộc Bài/ Bình Dương/ TP.HCM…, thời gian đi lại mất thêm từ 1-2 ngày/chuyến, cùng với chi phí trực tiếp cũng tăng tầm 15%.
Ngay tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đang chờ đợi các địa phương tổ chức thực hiện tiêm chủng cho người lao động trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu theo Công điện số 1168/CĐ-BYT về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19.
Một số doanh nghiệp tiếp tục đề nghị địa phương được chủ động việc tổ chức tiêm tại chính các nhà máy, thay vì chỉ ở trung tâm y tế; hay việc cho phép doanh nghiệp tư nhân phối hợp với chính quyền tổ chức tiêm nếu đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn y tế, dưới sự giám sát và tập huấn của sở y tế tỉnh, thành phố...
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, nên có thước đo kép cho chính quyền địa phương.
“Để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, chính quyền địa phương cần phải nỗ lực kép và được đánh giá bởi thước đo kép. Nếu địa phương vì phòng chống dịch mà để doanh nghiệp đóng cửa, phá sản thì không thể gọi là hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ như vậy, sự sống còn của các doanh nghiệp mới được tính đến trong các giải pháp phòng chống dịch bệnh của địa phương”, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất.
| Trưởng ban Pháp chế VCCI: Doanh nghiệp cần những gói hỗ trợ lớn chưa từng có Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, đại dịch Covid-19 mang đến ... |
| Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số, vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với một số ... |