PGS. Nguyễn Danh Nam. (Ảnh: NVCC) |
Thưa ông, trên thực tế, mỗi năm có một lượng lớn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp và con số này đang tăng lên hàng năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Phải chăng căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục vẫn là chất lượng đào tạo có vấn đề, thưa ông?
PGS. Nguyễn Danh Nam: Rõ ràng chất lượng giáo dục đại học của chúng ta hiện nay đang có vấn đề. Sản phẩm đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục đại học không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
Bộ GD&ĐT cũng đã tìm kiếm nhiều mô hình giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới để vận dụng vào Việt Nam. Trong đó, tiêu biểu là Chương trình giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng của Hà Lan (Dự án POHE). Tuy nhiên, để thực hiện thành công mô hình này cần có nhiều thay đổi trong chính sách vĩ mô của Đảng và Nhà nước.
Thực trạng thất nghiệp sẽ chưa được cải thiện cho đến khi chúng ta giải quyết được các bài toán như quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, phân luồng học sinh sau bậc trung học cơ sở. Đồng thời, nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết triệt để tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Phân tầng giáo dục đại học một cách hiệu quả (theo hai hướng nghiên cứu và hướng ứng dụng). Tăng cường gắn kết cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp để chương trình đào tạo đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động, hạn chế việc phải đào tạo lại gây lãng phí tiền bạc.
Nguyễn Danh Nam (thứ 3 từ trái sang) cùng sinh viên Indonesia và Việt Nam trong giờ dạy toán bằng tiếng Anh. (Ảnh: NVCC) |
Nhiều người từng đặt câu hỏi: Trong khi con số trường trung cấp nâng cấp thành cao đẳng, trường cao đẳng nâng cấp lên thành đại học là thường xuyên, thì từ trước đến nay đã có trường đại học, cao đẳng nào bị đóng cửa vì đào tạo kém chất lượng?. Ông có cho rằng việc đào tạo tràn lan cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng?
Đây vẫn là bài toán quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo nghề. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng giáo dục đại học, tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn kiểm định quốc tế.
Nhiều trường đại học của Việt Nam đã tham gia kiểm định quốc tế theo Bộ tiêu chuẩn về Đảm bảo chất lượng của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-AQ) hoặc châu Âu, châu Mỹ… để từ đó, thúc đẩy quá trình công khai hóa chất lượng đào tạo để xã hội được biết. Theo tôi nghĩ, trường nào không đạt chuẩn kiểm định thì phải giải thể hoặc tạm dừng tuyển sinh để nâng cao năng lực đào tạo.
Lượng lớn sinh viên ra trường thất nghiệp là một sự lãng phí đối với xã hội. Vậy theo PGS., để cải thiện tình trạng thất nghiệp, chúng ta phải thay đổi từ đâu?
Đây là một sự lãng phí to lớn ngân sách của nhà nước và tiền bạc của nhân dân khi tốt nghiệp đại học, thạc sĩ có khi lại phải đi học lại trung cấp để kiếm việc làm, hay việc giấu bằng đại học để đi làm cho Samsung là những ví dụ điển hình… Do vậy, theo tôi nghĩ cần tăng cường quản lý vĩ mô từ phía Bộ GD&ĐT.
Nên khảo sát, thúc đẩy nghiên cứu dự báo nguồn nhân lực thị trường ở phạm vi quốc gia. Ở một số nước, chỉ tiêu tuyển sinh vào một số ngành nghề được kiểm soát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý nhà nước để hạn chế tình trạng thất nghiệp.
Cần quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề theo từng vùng, miền một cách hợp lý. Điều này dẫn đến việc thành lập, sát nhập các đại học vùng, đại học trọng điểm đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương và nguồn nhân lực cho các lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể. Bên cạnh đó, cũng cần quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh đầu tư cho các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề theo quy hoạch trên.
Chất lượng đào tạo không đạt yêu cầu là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp. (Nguồn: TDY) |
Xã hội hóa giáo dục mạnh mẽ hơn, doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm đối với giáo dục đại học. Theo tôi, cần có giải pháp thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ cũng như mối liên kết của doanh nghiệp vào quá trình đạo tào nguồn nhân lực (như quy định về thuế trong hỗ trợ đào tạo).
Nâng cao chất lượng giáo dục đại học theo hướng đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực ASEAN, đáp ứng nhu cầu về hội nhập khu vực. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế và nhập khẩu chương trình tiên tiến. Tiếp tục đánh giá hiệu quả của các chương trình tiên tiến, dự án chất lượng cao tại Việt Nam để có những bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực phù hợp.
Không chỉ vậy, các chương trình đào tạo ở các cơ sở giáo dục đại học nên tiếp tục đổi mới theo hướng giúp cho người học thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, đặc biệt là sự di chuyển nghề nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp. Đồng thời, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học…
Chính phủ đã chú trọng hơn đến khởi nghiệp với dự án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” chính thức được phê duyệt. Đây có phải là tín hiệu mừng, thưa PGS.?
Đây mới chỉ là một ý tưởng trong hỗ trợ. Một trong các hoạt động cơ bản của dự án là phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, hỗ trợ nhập khẩu chương trình đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp, chuyển giao, phổ biến giáo trình khởi nghiệp cho một số cơ sở giáo dục và tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua đào tạo, huấn luyện, quảng bá sản phẩm, đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học…
Để làm tốt công tác quy hoạch cần có kiểm định, đánh giá trước, sau đó đầu tư trọng điểm vào những trường có chất lượng, loại bỏ những trường kém chất lượng. Đồng thời, đẩy mạnh các nghiên cứu dự báo cơ cấu nguồn nhân lực quốc gia. Đổi mới chương trình đào tạo ở các cơ sở giáo dục đại học thì Việt Nam mới có thể tiến tới xuất khẩu lao động trình độ cao chứ không xảy ra tình trạng tỷ lệ sinh viên thất nghiệp cao như hiện nay.
Trân trọng cảm ơn PGS.!