📞

Giải pháp ngoại giao 'không còn hy vọng', Nga-NATO 'bên miệng hố chiến tranh'?

Vy Anh 13:01 | 17/01/2022
Giải pháp ngoại giao giữa Nga và phương Tây thời gian qua đã được đẩy lên mức tích cực, tuy vậy, hai bên vẫn chưa thể tìm ra được một lối thoát cho những xung đột lợi ích cốt lõi, khiến nguy cơ một cuộc xung đột gần hơn bao giờ hết.
Các nỗ lực ngoại giao giữa Nga và phương Tây không mang lại kết quả đáng kể nào. (Nguồn: Sputnik)

Thất bại của phương Tây và Nga trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho những căng thẳng đang sục sôi xung quanh vấn đề an ninh khu vực Đông Âu đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra một vụ tấn công mới của Nga vào Ukraine, mặc dù khó có khả năng bùng nổ một cuộc chiến tranh toàn diện.

Nga đang bị chỉ trích vì đã triển khai khoảng 100.000 binh lính sát biên giới với Ukraine, trong bối cảnh Điện Kremlin đang tìm kiếm một sự đảm bảo từ phương Tây rằng, Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập NATO.

Tuần qua, các quan chức cấp cao của Nga và Mỹ đã tổ chức các cuộc đối thoại tại Geneva nhưng không có tín hiệu nào cho thấy có một sự đột phá, theo đó Washington cảnh báo, Moscow có thể thực hiện một chiến dịch “cờ giả” trong vòng vài tuần để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jens Psaki cho biết: “Chúng tôi đã nắm được thông tin cho thấy Nga đã chuẩn bị sẵn một nhóm hành động để thực hiện chiến dịch 'cờ giả' tại miền Đông Ukraine. Các thành viên trong nhóm này được huấn luyện để tham gia một cuộc chiến tranh ở thành thị và sử dụng chất nổ để thực hiện các hành động phá hoại nhằm vào các lực lượng ủy nhiệm của chính Nga”.

Trong khi đó, rạng sáng ngày 14/1, Ukraine đã hứng chịu một vụ tấn công mạng nghiêm trọng mà theo phương Tây thì chủ mưu phía sau là Nga, một số nhà phân tích còn lo ngại, đây có thể là đòn khởi đầu cho một vụ tấn công.

Sẽ có một lối thoát?

NATO đã nói rõ rằng, họ sẽ không loại trừ khả năng Ukraine gia nhập liên minh này, mặc dù các nhà phân tích coi đây là một triển vọng rất xa vời vào lúc này. Melinda Haring, Phó Giám đốc Trung tâm Á-Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Mỹ, nhận định: “Đáng tiếc là nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh đang ngày càng gia tăng. Chúng ta thực sự đang lâm vào ngõ cụt. Lập trường của Mỹ và Nga hiện không thể hòa hợp”.

Dmitry Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, cho rằng “việc thiếu một giải pháp ngoại giao chắc chắn sẽ khiến cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn khi mà một giải pháp quân sự trở thành một lựa chọn để giải quyết tình hình”.

Tuy nhiên, Samuel Charap, nhà khoa học chính trị kỳ cựu tại Tập đoàn RAND (Mỹ), lưu ý rằng, NATO thậm chí còn chưa đưa ra cho Ukraine một kế hoạch hành động nào để trở thành thành viên của khối chứ chưa nói đến việc trao tư cách thành viên cho nước này.

Tổng thống Putin đang nghĩ gì?

Theo giới phân tích, mặc dù có nhiều tín hiệu không khả quan, nhưng cũng khó có thể đoán chắc được những gì mà Tổng thống Nga đang suy nghĩ trong đầu.

Marie Dumoulin, Giám đốc chương trình Wider châu Âu tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR) nhận định: “quyết định về việc có tiếp tục các cuộc đối thoại hay không sẽ đến từ phía Tổng thống Vladimir Putin và lúc này thì không ai biết ông ấy sẽ lựa chọn thế nào”.

Trong khi đó, Francois Heisbourg, cố vấn đặc biệt của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) tại Paris, cho rằng “tình hình hiện rất bất ổn” và có “nguy cơ chiến tranh cao”.

Chuyên gia Charap còn bày tỏ hoài nghi các cuộc đối thoại với Mỹ có thể chỉ đơn thuần là cách để Nga “câu giờ”. “Tôi không biết liệu thực tế có phải thế không, thực sự chẳng ai trong chúng ta nắm rõ được điều này”, ông Charap lo ngại.

Một hành động quân sự, nếu có, sẽ như thế nào?

Ngay cả khi Nga lựa chọn hành động quân sự, có thể đó cũng không phải là một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Theo chuyên gia phân tích quan hệ quốc tế nổi tiếng tại Nga Maxim Suchkov, Tổng thống Putin có thể sẽ sử dụng các biện pháp đáp trả, chẳng hạn như triển khai tên lửa của Nga tại vùng lãnh thổ Donbass nằm ở phía Đông Ukraine và hiện do phe ly khai kiểm soát, hoặc tại Crimea.

Còn chuyên gia Heisbourg dự báo về một lựa chọn khác, có thể là xâm lược một vùng lãnh thổ “giới hạn” kết nối vùng Donbass với Crimea.

Các nguồn tin tình báo của Mỹ cho biết, hiện phía Nga chưa đưa ra quyết định nào. Một nguồn tin ngoại giao Pháp giấu tên nhận định: “Tôi không tin Nga đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược ngay lúc này”.

Nga "được gì" và "mất gì"?

Nga đã nhiều lần bị các cường quốc phương Tây cảnh báo về những hậu quả “nặng nề” mà nước này sẽ phải gánh chịu nếu một lần nữa tấn công Ukraine, mặc dù những hậu quả đó khả năng cao sẽ được thể hiện dưới hình thức các lệnh trừng phạt chứ không phải một sự đáp trả quân sự.

Mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây hiện trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh và điều này có khả năng củng cố mối quan hệ đối tác ngày càng lớn mạnh giữa Nga và Trung Quốc.

Theo chuyên gia Dumoulin, “Nga đang liên tục thay đổi” và vẫn “duy trì sức ép tối đa” để đạt được nhiều nhượng bộ hơn nữa từ phía phương Tây xung quanh vấn đề cấu trúc an ninh châu Âu. Bà nhận định: “Kịch bản can thiệp quân sự không phải là khả thi nhất, bởi những cái giá về tài chính, quân sự, chính trị và con người sẽ là rất đáng kể”.

Tuy vậy, chuyên gia Haring lập luận rằng, Tổng thống Putin có thể sẽ tấn công Ukraine “theo kiểu không phải chiến tranh”, khiến châu Âu “không biết làm gì và cũng không thể áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc với Nga”.

(theo AFP)