TIN LIÊN QUAN | |
Nâng cao năng lực cạnh tranh SME trong kỷ nguyên toàn cầu hoá | |
Trung Quốc chính thức thông qua luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính - ngân hàng, Hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng... với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa quan hệ tín dụng hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đẩy mạnh nguồn vốn vào nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Hội thảo sẽ đưa ra những giải pháp khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, giúp DNNVV phát triển ngày càng ổn định, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Quang cảnh Hội thảo. (Nguồn: dangcongsan.vn) |
Tính đến nay, DNNVV chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu việc làm.
Tại Hội thảo, đại diện Hiệp hội DNNVV Hà Nội nhấn mạnh vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng ngân hàng đối với DNNVV. Theo đó, tín dụng ngân hàng góp phần đảm bảo cho hoạt động của các DNNVV được liên tục, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp, góp phần hình thành cơ cấu vốn tối ưu và tập trung vốn sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của các DNNVV...
Thời gian qua, NHNN đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành trong việc xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý hỗ trợ DNNVV, triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, dư nợ tín dụng đối với DNNVV luôn có sự tăng trưởng đều qua các năm.
Trong năm 2017, tín dụng đối với DNNVV đã đạt được kết quả nhất định. Tính đến ngày 31/8/2017, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt 1.292.182 tỷ đồng, tăng 7,49% so với cuối năm 2016, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2016 và chiếm tỷ trọng 21,14% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Các tổ chức tín dụng cũng chủ động tiếp cận nhóm DNNVV, đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên, hỗ trợ cho các khách hàng DNNVV, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này, điển hình như: Ngân hàng TMCP Quân Đội triển khai Chương trình cho vay DNNVV với quy mô 30.000 tỷ đồng; TPBank dành 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 6,9% dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ (trong đó có DNNVV); Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh Nghiệp với quy mô 1.200 tỷ đồng, lãi suất từ 6,9%/năm.
Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế nhận định, quan hệ tín dụng giữa Ngân hàng Thương mại và doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV đã được cải thiện theo hướng cởi mở hơn, gần gũi hơn và hiệu quả hơn.
Đại diện các tổ chức tín dụng (TCTD) tham dự Hội thảo có phần chia sẻ về các giải pháp tài chính toàn diện cho DNNVV, các doanh nghiệp có cơ hội được chia sẻ về thực tế vay vốn của doanh nghiệp mình, những kiến nghị, đề xuất...
Một số ý kiến cho rằng doanh nghiệp hiện vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng về thủ tục vay ngân hàng, tài sản thế chấp, tỷ lệ vốn vay của DNNVV chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn. Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong việc cho vay DNNVV.
Phần lớn các DNNVV có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, thiếu tài sản để bảo đảm cho khoản vay theo quy định hoặc tài sản đảm bảo có giá trị thấp, quyền sở hữu tài sản không minh bạch, chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ đã vay...
Về phía các TCTD, dù nguồn vốn luôn sẵn sàng nhưng các TCTD cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mới, đặc thù, còn nặng về tài sản đảm bảo cho khoản vay.
Bên cạnh đó, các TCTD cũng khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền của các DNNVV khi cho vay vốn, vì không có thông tin đầy đủ về doanh nghiệp, không kiểm soát được quá trình mua bán, thanh toán hàng hóa dẫn đến tâm lý e dè khi quyết định cho vay các DNNVV. Bản thân các TCTD khi cho vay cũng cần phải thẩm định đầy đủ các điều kiện của các doanh nghiệp để đảm bảo an toàn vốn.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng chỉ ra một số nguyên nhân khác như: sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, DNNVV nói riêng trên thị trường trong nước và quốc tế; biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai, bão lũ ngày càng phức tạp cũng ảnh hưởng nghiêm trọng hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, kéo theo đó là ảnh hưởng tới hiệu quả cho vay của các TCTD; ....
Cùng với đó, giải pháp tín dụng cho DNNVV không chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp và các TCTD mà còn cần các giải pháp mang tính tổng thể với sự vào cuộc và phối hợp đồng bộ của nhiều Bộ ngành, địa phương và các giải pháp phát triển thị trường vốn.
Thời gian tới, để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của DNNVV, ngành Ngân hàng sẽ tập trung triển khai một số giải pháp: Thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV; Tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng; Chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát để cải tiến thủ tục vay vốn; Khuyến khích các TCTD phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng, trong đó có các sản phẩm tín dụng đặc thù cho đối tượng DNNVV và các sản phẩm mới; đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.
Nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Doanh nghiệp được hưởng gì từ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa? Đó là chủ đề của buổi tọa đàm trực tuyến do ... |
Thêm 2 ngân hàng Việt tham gia tài trợ thương mại Ngày 24/5, Chương trình Tài trợ Thương mại (TFP) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã ký kết các thỏa thuận với 2 ... |
Thương mại điện tử - cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Bà Mari Pangtesu, nguyên Bộ trưởng Thương mại Indonesia, Chủ tịch nhóm adhoc về kinh tế mạng của APEC cho rằng, trong bối cảnh toàn ... |