Các thám tử tài ba như Sherlock Holmes, Hercule Poirot hay những người từng tham gia CSI (Đội điều tra hiện trường New York) đều là những chuyên gia phá án có trí tuệ siêu việt, nhưng điều gì xảy ra nếu họ cùng tham gia điều tra một vụ án? Họ sẽ có cơ hội thành công nhiều hơn, ít nhất về mặt lý thuyết.
Và đó chính là những gì mà Vidocq Society hướng tới - tìm cách tổng hợp những bộ não siêu việt nhất trong khoa tội phạm học và cố gắng đi đến tận cùng những vụ giết người mà cảnh sát bế tắc hay đã bó tay. Mỗi tháng một lần, các thành viên của câu lạc bộ (CLB) bí mật đã có 20 năm tuổi này lại tập trung tại phòng ăn Victorian ở số 140 Phố South Broad, Philadelphia, bang Pennsylvania (Mỹ). Trong lúc thưởng thức bữa trưa ngon lành, họ cũng không ngại xem những bức ảnh hay đoạn phim về tội ác. Sau đó, họ cùng nghiên cứu, thảo luận các manh mối, chứng cứ để tìm hướng đi mới cho các vụ án. Và đã nhiều lần, những thám tử của "cơ hội cuối cùng" này đã mang lại sự bình an cho gia đình nạn nhân.
CLB khá lạ lùng này được đặt theo tên của Francois Vidocq, một tù nhân trở thành người chống tội phạm hồi thế kỷ 18, được xem là cha đẻ của khoa tội phạm học hiện đại và là thám tử tư đầu tiên trên thế giới. William Fleisher, Richard Walter và Frank Bender - ba thành viên sáng lập của Vindocq Society, từ năm 1990 đã kêu gọi các chuyên gia về tội phạm tham gia nhóm này và đến nay CLB đã có 82 thành viên, bao gồm các cảnh sát về hưu, cựu nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ, người viết hồ sơ, nhân viên điều tra những vụ giết người bất thường và thậm chí cả một bà đồng... đến từ 17 bang của Mỹ và 11 quốc gia khác trên toàn cầu.
Một trong những thành viên sáng lập CLB cho biết, ban đầu mục đích thành lập nhóm chỉ là để tụ tập cho vui. Nhưng sau khi một thành viên được đề nghị phát biểu tại một hội thảo ở Texas do bố mẹ của một em nhỏ bị ám sát tổ chức, họ quyết định thay đổi mục đích và cố đi tìm lời giải cho các vụ án vốn bị gác lại. Và mục đích này vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Vindocq Society cho biết họ đã giúp xử lý 300 vụ giết người, và cung cấp những thông tin quý báu cho việc điều tra 90% vụ án được đưa ra thảo luận.
Mỗi thành viên Vidocq Society đều có một kỷ niệm khó quên. Với Bill Fleisher và Nate Gordon, chính là vụ án Marie Noe, một phụ nữ chứng kiến 8 đứa con mình chết lần lượt trong khoảng năm 1949 - 1968. Khi đó, cảnh sát kết luận do đột tử và cả nước Mỹ kinh hãi với "lời nguyền" giáng xuống đầu bà mẹ đáng thương này. Khi Vidocq Society xen vào, những tuyên bố của Marie và những lần đi qua máy dò nói dối dẫn họ đến một kết luận khác: chính Marie Noe đã giết con mình. Người phụ nữ nhút nhát và kín đáo lại là kẻ sát nhân hàng loạt.
Dĩ nhiên Hollywood đã chú đến Vidocq Society. Một dự án phim đã được nhà sản xuất Danny De Vito đặt ra với số tiền lớn. Một cuốn sách đang được viết và bộ phim tư liệu của đài truyền hình CBS đang thực hiện. Với số tiền có được, Vidocq Society chi cho các cảnh sát mang đến những vụ án bế tắc, hoặc tiền xét nghiệm. Họ còn tổ chức các buổi tập huấn. Hàng chục thành viên đi khắp nước Mỹ để dạy các nhà điều tra cách giải quyết những vụ án trong khoảng năm 1985-2005. Phần lớn cảnh sát các thị trấn nhỏ, thiếu phương tiện và kỹ thuật hiện đại cầu cứu đến Vidocq Society. Phần còn lại, người ta trông chờ vào Sở cảnh sát New York.
Hiện Vindocq Society vẫn kêu gọi các thám tử tư khắp nước Mỹ và thế giới đề xuất giải quyết các vụ án với hy vọng thu được những dấu hiệu mới có thể giúp giải quyết chúng. Tổ chức này cũng mong muốn làm chất xúc tác và hỗ trợ những người thực hành luật giải quyết các vụ án.
Mai Anh