Liên hợp quốc kêu gọi thế giới đoàn kết giải quyết vấn nạn ma túy. (Nguồn: Independent) |
Trích dẫn báo cáo về tình hình ma túy thế giới 2020, bà Ghada Waly cho biết khoảng 35,6 triệu người trên thế giới mắc chứng rối loạn do sử dụng ma túy. Thanh thiếu niên và người trẻ trưởng thành chiếm phần lớn nhất trong số những người sử dụng ma túy.
Trong số 11 triệu người tiêm chích ma túy, một nửa trong số này mắc bệnh viêm gan C và 1,4 triệu người bị HIV/AIDS. Cứ 8 người sử dụng ma túy cần điều trị thì chỉ có 1 người được điều trị.
Theo bà Waly, dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã khiến tình hình thêm trầm trọng khi hệ thống y tế hoạt động quá tải và cho thấy sự mong manh của các thể chế và mạng lưới an sinh xã hội. Đáng chú ý, việc giảm lưu lượng hàng không với châu Âu và Mỹ đã dẫn đến sự gia tăng vận chuyển cocaine bằng đường biển, với số vụ bắt giữ ma túy tăng vọt tại các cảng biển châu Âu những tháng gần đây.
Bà nhấn mạnh, chủ đề của Ngày Quốc tế phòng chống ma túy năm nay "Trang bị kiến thức tốt hơn để chăm sóc tốt hơn" cho thấy sự cần thiết của việc trang bị kiến thức về tác hại của ma túy, đồng thời thông báo những phương pháp cân bằng dựa trên bằng chứng khoa học.
Giám đốc UNODC kêu gọi các nước trên thế giới cùng chung tay gánh vác trách nhiệm phòng chống tội phạm ma túy. Bà nêu rõ: "Hợp tác với nhau, chúng ta có thể thực hiện các biện pháp phòng chống hiệu quả hơn, để xây dựng một thế giới tốt hơn mà không ai bị bỏ lại phía sau".
Cũng theo báo cáo của UNODC, sản lượng cocaine thế giới đã duy trì xu hướng tăng trong giai đoạn 2008-2018. Trong năm 2018, đã có 1.723 tấn cocaine với độ tinh khiết 100% được sản xuất, tăng 4,6% so với năm 2017 và cao hơn nhiều con số 1.143 tấn được ghi nhận hồi năm 2008. Ước tính con số tiếp cận thị trường có thể còn cao hơn nhiều bởi những đối tượng buôn bán ma túy thường trộn cocaine tinh khiết với các tạp chất khác nhằm tăng lợi nhuận.
Trên toàn thế giới có tổng cộng 19 triệu người nghiện cocaine, với 2 thị trường lớn nhất của loại chất gây nghiện này là Bắc Mỹ với tỷ lệ tiêu thụ chiếm 2,1% dân số trưởng thành và châu Âu với tỷ lệ 1,4%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Trung Mỹ là 0,7% và Nam Mỹ là 1%, đều vượt quá mức trung bình 0,4% của thế giới.