Chưa thể từ bỏ giấc mơ
Ngay trước khi khu lán trại dành cho người tị nạn Jungle tại Calais (Pháp) bị dỡ bỏ, hôm 23/10, giới chức nước này đã phát tờ rơi thông báo cho những người nhập cư và kêu gọi họ từ bỏ giấc mơ đến Anh. Tuy nhiên, chưa đầy 24 giờ trước khi chiến dịch được tiến hành, một số người nhập cư vẫn chưa từ bỏ hy vọng về một cuộc sống mới ở bên kia eo biển.
Cảnh sát chống bạo động có mặt tại Calais để đảm bảo an ninh cho việc giải tỏa khu trại của người tị nạn. (Nguồn: AP) |
Mục tiêu của quyết định dỡ bỏ lán trại này là nhằm giảm bớt khó khăn cho cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu. Trại tị nạn này đã tạo ra những bất đồng trong quan hệ Anh - Pháp và gây căng thẳng với người dân địa phương ở Calais.
Hàng đêm, những người nhập cư thường cố vượt qua cảnh sát để trèo lên các xe tải đang trên đường ra cảng - một hành động liều mạng. Đây là nguyên nhân chính trong số 33 vụ người nhập cư bị thiệt mạng tại khu vực Calais kể từ năm 2015.
Didier Leschi, người đứng đầu cơ quan nhập cư OFII của Pháp cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa thuyết phục được một số người nhập cư chấp nhận sự sắp xếp của chúng tôi và từ bỏ giấc mơ tới Anh”. Một số người nhập cư còn tuyên bố sẽ không rời đi đâu hết, hoặc sẽ tìm đường quay trở lại Calais sau khi bị đưa đến khu tị nạn nào đó.
Sam - một người tị nạn người Syria chia sẻ, hàng chục người đã rời trại từ sớm để tránh bị đưa tới những khu tị nạn khác ở Pháp. “Tôi đã ở đây được 13 tháng và đã rút ra bài học là không nên tin tưởng vào giới chức địa phương. Họ luôn nói một đằng, làm một nẻo. Vì vậy, đêm qua tôi đã rời trại và dựng lều ở một nơi cách trại khoảng chục km”, Sam nói.
Hammoudi, một thanh niên 22 tuổi, đến từ Aleppo (Syria) cho biết: “Mặc dù người ta hứa hẹn những tiêu chuẩn tương tự như ở khu tị nạn này, song mọi người đều biết tất cả đã kết thúc”.
Một người tị nạn tại Calais. (Nguồn: AP) |
Một khởi đầu tốt đẹp hơn?
Trong khi đó, một số khác lại tỏ ra hào hứng với cuộc di tản này. Faisal al-Ajab, người Sudan, 39 tuổi, háo hức: “Giới chức nói rằng, ngày mai sẽ là khởi đầu của những điều tốt đẹp hơn”.
Theo kế hoạch, việc dỡ bỏ lán trại và tái định cư khoảng 6.000 đến 8.000 người tị nạn ở Calais tới các khu tị nạn trên khắp nước Pháp đã được tiến hành vào sáng 24/10 (theo giờ địa phương). Trước đó, ngày 23/10, giới chức và các nhân viên hỗ trợ đã thông báo bằng văn bản và hình ảnh với những người nhập cư để họ chuẩn bị hành lý và có mặt tại một nhà chứa máy bay gần khu trại vào lúc sáng sớm. Từ đây, những người nhập cư, chủ yếu là nam giới, quốc tịch Afghanistan, Sudan và Eritrea, sẽ được đưa lên xe buýt đến các lán trại tạm thời. Khoảng 145 xe buýt sẽ được điều động để di chuyển người tị nạn trong 3 ngày.
Trong đêm, trước khi hoạt động này chính thức bắt đầu, một vài vụ xô xát đã xảy ra giữa người nhập cư và cảnh sát, và cảnh sát đã sử dụng hơi cay để trấn áp. Những vụ việc như vậy vẫn thường xuyên diễn ra trong vài tháng trở lại đây.
Mục tiêu của hầu hết những người nhập cư đã vượt hàng nghìn dặm để tới Calais này là hy vọng sẽ trốn được vào một chiếc xe tải nào đó đang đi tới Anh, nơi họ có người thân và tin rằng sẽ có nhiều cơ hội kiếm được việc làm hơn.
Pascal Brice, người đứng đầu phân nhánh tị nạn Ofpra, cho biết nhân viên của ông đã phải cố thuyết phục người tị nạn rằng Calais đã là một “điểm chết” và các thủ tục xem xét đơn thỉnh cầu tị nạn của họ ở Pháp có thể sẽ diễn ra rất nhanh chóng. Theo ông Brice, khoảng 70% người tị nạn phải rời khỏi các trại khác ở Calais trước đây đều đã được cấp quyền cư trú ở Pháp.
Trong khi đó, giới chức Anh hiện đang tăng tốc trong việc giải quyết cho các trẻ em tị nạn đang tìm cách đến Anh. Theo tổ chức từ thiện France Terre d’Asile, tổ chức hỗ trợ tiến trình này, tính đến ngày 22/10, gần 200 em đã được trao vé một chiều đến Anh theo một thủ tục ưu tiên.
Đại diện France Terre D’Asile cũng cho biết, hầu hết các em nhỏ đều có gia đình hiện đang ở bên kia eo biển, song có 53 em gái không có gia đình ở Anh cũng được cho phép qua đây. Trong tổng số 600 thanh niên được giới chức Anh gặp gỡ hồi tuần trước, có một nửa hiện sống một mình ở trại tị nạn. Độ tuổi của những người nhập cư đã tới Anh cũng là một trong những vấn đề khó khăn khi một số trẻ em có bề ngoài trông lớn hơn so với tuổi khai báo.