Nhỏ Bình thường Lớn

Giảm bất đồng, tăng ảnh hưởng

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đang có chuyến công du kéo dài 8 ngày (từ 29/4 đến 6/5) đến các nước châu Á. 

Nếu như chuyến đi đến Trung Quốc của ông Kishida nhằm hàn gắn “cuộc hôn nhân lạnh lẽo” giữa Bắc Kinh - Tokyo, việc đến các quốc gia Đông Nam Á là để Nhật Bản thắt chặt hơn nữa quan hệ vốn tốt đẹp với các nước này, từ đó tăng cường vị thế của Tokyo trong khu vực.

Sự xuất hiện của Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ở Bắc Kinh hồi tuần trước thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới, bởi đây là chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Nhật Bản đến Trung Quốc trong 5 năm trở lại đây. Đáng chú ý, chuyến đi diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung - Nhật đang rơi vào tình trạng giá băng.

giam bat dong tang anh huong
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh hôm 30/4. (Nguồn: Reuters)

Trong khi ở thăm Bắc Kinh, Ngoại trưởng Kishida hôm 30/4 đã có cuộc gặp kéo dài hơn 4 giờ với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Hai Ngoại trưởng đều khẳng định, hai nước là “đối tác để hợp tác với nhau” và nhất trí sẽ nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy quan hệ giữa hai bên.

Trung Quốc và Nhật Bản có nhiều lý do để nỗ lực khôi phục quan hệ song phương. Là hai nền kinh tế lớn nhất châu Á, Trung Quốc và Nhật Bản sở hữu mối quan hệ thương mại trị giá lên tới 344 tỷ USD. Ngoài ra, Tokyo cũng muốn nhờ Bắc Kinh trong việc kiềm chế Triều Tiên – vốn đang được xem là mối đe doạ đáng lo ngại đối với an ninh ở Đông Bắc Á. Về phần mình, Bắc Kinh cũng không muốn rơi vào tình trạng đối đầu với nước láng giềng quan trọng này.

Theo kế hoạch, tại Việt Nam, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ chào xã giao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 5/5. Ngày 6/5, ông Kishida sẽ có cuộc họp với Ủy ban hợp tác Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 8 và tham gia lễ ký công hàm trao đổi Việt Nam - Nhật Bản. Trước khi kết thúc chuyến thăm, người đứng đầu ngành ngoại giao Nhật Bản sẽ tới chào xã giao Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Tuy nhiên, những động lực nói trên không đồng nghĩa với việc con đường phía trước sẽ thuận lợi. Rõ ràng, Bắc Kinh và Tokyo đều có thiện chí muốn cải thiện quan hệ nhưng giữa họ vẫn còn rất nhiều khúc mắc khó giải quyết. Đặc biệt, tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông chắc chắn sẽ tiếp tục là “cái dằm” gây nhức nhối trong mối quan hệ giữa hai nước, bởi cả Tokyo và Bắc Kinh đều cương quyết bảo vệ lập trường của mình. Ngoài ra, Trung Quốc và Nhật Bản còn cạnh tranh nhau trong cuộc đua giành ảnh hưởng trong khu vực, vì vậy căng thẳng giữa hai bên là khó tránh khỏi.

Sau chặng dừng chân đầu tiên ở Trung Quốc, ngày 2/5, Ngoại trưởng Nhật Bản  Kishida lên đường đến một loạt quốc gia Đông Nam Á gồm Thái Lan, Myamar, Lào và Việt Nam. Tại những điểm đến này, Nhật Bản muốn ghi dấu ấn tốt đẹp với các nước thông qua việc phát triển mối quan hệ thương mại - kinh tế cũng như các hoạt động viện trợ xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đông Nam Á hiện tại được coi là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Các nước Đông Nam Á không chỉ đóng vai trò là các trung tâm sản xuất của Nhật Bản mà còn có ý nghĩa chính trị rất lớn với Tokyo. Nhật muốn tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á để củng cố vị thế của nước này trong khu vực đồng thời làm đối trọng với Trung Quốc.

Yến Thủy