Thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee thăm bãi thử hạt nhân ở Pokhran, năm 1998. (Nguồn: PTI) |
Chiến dịch “Phật mỉm cười”
Vụ thử hạt nhân đầu tiên mang mật danh “Phật mỉm cười” được tiến hành tại bãi thử Pokhran ở sa mạc Rajasthan của Ấn Độ vào đúng vào ngày Phật đản năm đó. Đây là kết quả của nhiều năm nghiên cứu và phát triển khoa học dưới sự dẫn dắt của Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử Bhabha (BARC).
Chương trình phát triển hạt nhân của New Delhi manh nha từ năm 1948, chỉ một năm sau khi Ấn Độ giành độc lập. Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, Jawaharlal Nehru từng tuyên bố: “Đã từ rất lâu kể từ khi các quốc gia trên thế giới được hình thành, mỗi quốc gia sẽ tự đi tìm cho mình con đường và sử dụng mọi phương cách để bảo vệ chính mình, tôi chắc chắn, Ấn Độ sẽ phát triển các nghiên cứu khoa học (hạt nhân) và hy vọng các nhà khoa học Ấn Độ sẽ ứng dụng khoa học hạt nhân vào mục đích xây dựng và phát triển đất nước”.
Thủ tướng Nehru khi ấy xem hạt nhân là nguồn năng lượng không quá đắt đỏ, phù hợp cho sự phát triển của một quốc gia còn non trẻ. Bên cạnh đó, cùng với sự tác động của các nhân tố trực tiếp là vụ thử vũ khí hạt nhân thành công vào năm 1964 của nước láng giềng Trung Quốc càng khiến Ấn Độ phải tìm mọi cách để sớm sở hữu loại vũ khí này. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ cho rằng, chỉ có phát triển thành công vũ khí hạt nhân mới có thể chống lại và cân bằng với những ưu thế áp đảo về quân sự thông thường từ các nước láng giềng trong khu vực và bảo vệ vững chắc lãnh thổ.
Tiến sĩ Homi J. Bhabha (1909-1966), nhà vật lý hàng đầu của Ấn Độ được giao chủ trì phát triển chương trình hạt nhân. Ông cũng đồng thời là người sáng lập Viện Nghiên cứu cơ bản Tata (TIFR) vào năm 1945 và sau đó là Ủy ban Năng lượng nguyên tử (AEC) vào năm 1948. Chức năng chính của các cơ quan này là khai thác năng lượng hạt nhân vì mục đích dân sự và hòa bình, nhưng đồng thời cũng bao gồm các nghiên cứu khoa học và ứng dụng hạt nhân cho mục đích quân sự, quốc phòng.
Sau nhiều năm nghiên cứu và đạt được những thành tựu nhất định cùng với bối cảnh môi trường địa chính trị khu vực có nhiều thay đổi khi đó, đặc biệt là sự phổ biến vũ khí hạt nhân và các mối đe dọa an ninh khu vực, chính phủ Ấn Độ quyết định tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên và đã thành công.
Cuộc thử nghiệm hạt nhân thành công 50 năm trước là bước ngoặt đưa Ấn Độ trở thành một trong sáu cường quốc hạt nhân trên thế giới, phá vỡ thế độc quyền của năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Liên Xô, Anh, Trung Quốc và Pháp. Đồng thời, vụ kích nổ quả bom hạt nhân với sức công phá khoảng 8 kiloton, tương đương quả bom mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hiroshima năm 1945 khẳng định khả năng thiết kế và chế tạo vũ khí hạt nhân của Ấn Độ. Thành công này của New Delhi đã làm thay đổi đáng kể môi trường an ninh khu vực, thúc đẩy nước láng giềng Pakistan tăng tốc phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Cân nhắc chiến lược
Sau vụ thử đầu tiên, Ấn Độ tập trung vào tăng cường công nghệ hạt nhân, cơ sở hạ tầng và đạt được những tiến bộ đáng kể trong làm giàu uranium, tái xử lý plutonium và phát triển các hệ thống tên lửa chiến thuật có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) và Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy công nghệ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, do phản ứng của quốc tế và để tránh các lệnh trừng phạt, những năm sau đó, Ấn Độ không tiến hành thêm các vụ thử nhưng được cho là vẫn tiếp tục phát triển kho vũ khí, bao gồm các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân chiến lược để bảo đảm khả năng răn đe.
Đến cuối những năm 1990, môi trường an ninh của Ấn Độ và khu vực tiếp tục có những thay đổi, với những cạnh tranh chiến lược mới, trong đó có các vụ thử của Trung Quốc và chương trình tăng tốc của Pakistan. New Delhi đã quyết định nối lại các vụ thử hạt nhân. Các nhà khoa học Ấn Độ, dẫn đầu là Tiến sĩ A.P.J. Abdul Kalam và Tiến sĩ R. Chidambaram được giao triển khai nhiệm vụ và họ bắt đầu lên kế hoạch cho các cuộc thử nghiệm bí mật để tránh bị cơ quan tình báo quốc tế phát hiện.
Vào ngày 11 và 13/5/1998, Ấn Độ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ hai có mật danh là “Chiến dịch Shakti” tại bãi thử nghiệm Pokhran. Cuộc thử nghiệm với năm quả bom hạt nhân gây ra phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, công nghệ và cô lập về mặt ngoại giao đối với Ấn Độ. Đặc biệt, vụ thử hạt nhân lần hai của New Delhi đã gây “chấn động mạnh” với các quốc gia trong khu vực, nhất là nước láng giềng Pakistan, khiến quốc gia Hồi giáo này tiến hành một vụ thử hạt nhân chỉ sau đó hai tuần. Tuy nhiên, những năm sau đó, thông qua các nỗ lực ngoại giao của New Delhi, các biện pháp trừng phạt dần dần được dỡ bỏ và Ấn Độ tham gia trở lại các cuộc đối thoại chiến lược với các quốc gia chủ chốt, bao gồm cả Mỹ.
Năm 2008, Ấn Độ và Mỹ đã ký kết Thỏa thuận hạt nhân dân sự, là cột mốc quan trọng đưa Ấn Độ hội nhập vào trật tự hạt nhân toàn cầu. Mỹ đồng thời còn tuyên bố công nhận Ấn Độ là quốc gia hạt nhân có trách nhiệm.
Quốc gia hạt nhân
Chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Ấn Độ liên quan đến các quy trình khoa học phức tạp, bao gồm làm chủ quá trình tái xử lý plutonium và làm giàu uranium rồi tiến tới thiết kế các đầu đạn và phát triển thiết bị quân sự như tên lửa đạn đạo và máy bay có trang bị loại vũ khí này.
Năm 1999, Ấn Độ công bố dự thảo học thuyết hạt nhân, nhấn mạnh “Không sử dụng lần đầu” (NFU), khả năng răn đe tối thiểu và cam kết quản lý có trách nhiệm đối với các loại vũ khí hạt nhân. New Delhi đưa ra khung chính sách này với mục đích ngăn chặn leo thang hạt nhân trong khu vực trong khi vẫn duy trì khả năng răn đe mạnh mẽ đối với các đối thủ. Tiếp đó, chính phủ Ấn Độ thành lập Cơ quan chỉ huy hạt nhân (NCA) để đảm bảo quyền kiểm soát tập trung và an toàn đối với kho vũ khí hạt nhân của mình.
Theo thống kê của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, cho tới nay, Ấn Độ có hàng trăm đầu đạn hạt nhân. Ấn Độ cũng là quốc gia thứ tư sở hữu đủ bộ vũ khí hạt nhân có thể tấn công từ trên bộ, trên không và trên biển. Ấn Độ đã và đang duy trì nhiều máy bay có khả năng trang bị vũ khí hạt nhân, trong đó có những chiến đấu cơ Su-30MKI, Mig-29 và Mirage 2000. Ấn Độ cũng có trong tay các tàu ngầm tấn công hạt nhân, tuy nhiên tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Ấn Độ lại có tầm bắn hạn chế.
Hành trình hạt nhân năm thập kỷ của Ấn Độ, kể từ cuộc thử nghiệm đầu tiên vào năm 1974 cho đến vị thế hiện tại, cho thấy sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực khoa học hạt nhân của New Delhi. Chương trình hạt nhân là cách thức phản ứng trước các thách thức an ninh khu vực, nỗ lực phát triển khoa học công nghệ và sự phức tạp trong quan hệ quốc tế mà nước này phải đối mặt. Hành trình hạt nhân của Ấn Độ không phải là không có thách thức. Cân bằng giữa nhu cầu hiện đại hóa, điều hướng các động lực an ninh khu vực, đặc biệt là với hai quốc gia láng giềng Trung Quốc và Pakistan luôn là những vấn đề cấp bách mà New Delhi cần phải tính đến.
Hiện chính phủ Ấn Độ chủ trương tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân và hệ thống phân phối.
Quá trình thử nghiệm hạt nhân của Ấn Độ từ năm 1974 đến nay ẩn chứa sự tác động qua lại phức tạp giữa nghiên cứu khoa học, mục tiêu chiến lược và chính sách đối ngoại của nước này. Chương trình hạt nhân của Ấn Độ ban đầu, bắt nguồn từ nhu cầu cấp bách về bảo đảm an ninh quốc gia và cân bằng chiến lược trong khu vực đã phát triển thành một thế trận hạt nhân phức tạp, đưa Ấn Độ trở thành một trong số các quốc gia trên thế giới sở hữu loại vũ khí có sức tàn phá khủng khiếp này.
Tuy nhiên, để góp phần bảo đảm và giữ gìn an ninh cho toàn khu vực Nam Á, quốc gia đông dân nhất thế giới cần phải tìm ra giải pháp để có thể dung hòa với các nước láng giềng, giảm thiểu nguy cơ xung đột và chạy đua hạt nhân trong khu vực.
| Mỹ ra tay với uranium của Moscow, Ukraine 'cổ vũ' tiến tới tấn công đầu não năng lượng hạt nhân Nga Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko coi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với uranium đã làm giàu từ Moscow là một nước đi ... |
| Mỹ-Saudi Arabia tập trận chung Ngày 3/5, các lực lượng vũ trang Saudi Arabia và Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) đã tổ chức cuộc tập trận quân sự ... |
| Nga sẽ hành động đáp trả tuyên bố đưa quân tới Ukraine của phương Tây, Mỹ nói gì? Ngày 6/5, Nga thông báo sẽ tổ chức một cuộc tập trận, trong đó có khoa mục thực hành sử dụng vũ khí hạt nhân ... |
| Nga bắt tay với Trung Quốc, tính đường phát triển nhà máy điện hạt nhân trên Mặt trăng Tổng giám đốc Cơ quan Vũ trụ LB Nga Roscosmos Yury Borisov tuyên bố, Nga bắt đầu phát triển nhà máy điện hạt nhân, được ... |
| Phản ứng về 'đòn' mới của Mỹ, Nga nói không ai có thể khiến các doanh nghiệp hạt nhân 'quỳ gối' Lệnh cấm nhập khẩu urani từ Nga vào Mỹ sẽ ảnh hưởng đến chính Washington, trong khi Moscow vẫn thực hiện các dự án ở ... |