📞

Giám đốc Chương trình Y tế toàn cầu của USAID hoàn thành chuyến công tác tại nhiều địa phương phía Nam

Bảo Lan 15:34 | 20/11/2022
Ngày 18/11, bác sĩ Atul Gawande, Giám đốc Chương trình Y tế toàn cầu của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đã kết thúc chuyến công tác tới TP. Hồ Chí Minh trong 2 ngày 17-18/11.

Nói về mục đích của chuyến công tác, bác sĩ Gawande cho biết: "Chúng ta đã từng trải qua với đại dịch Covid-19, các bệnh truyền nhiễm không phân biệt biên giới, khiến quốc gia nào trên thế giới cũng dễ bị tổn thương và phần lớn các bệnh truyền nhiễm mới nổi đều bắt nguồn từ động vật, do đó, để đạt được an ninh y tế toàn cầu đòi hỏi phải có các tiếp cận "Một sức khỏe" - một cách tiếp cận đa ngành trong sự tương tác giữa sức khỏe con người, động vật và môi trường.

Thăm trại nuôi động vật hoang dã của tỉnh Đồng Nai. (Nguồn: TLS Hoa Kỳ)

Việt Nam là quốc gia đi đầu về cách tiếp cận "Một sức khỏe" với việc xây dựng và áp dụng cách tiếp cận này với hỗ trợ từ USAID từ năm 2005. USAID cam kết tiếp tục hợp tác lâu dài với Việt Nam nhằm tăng cường an ninh y tế toàn cầu và y tế toàn cầu nói chung".

Theo đó, trong 2 ngày tại TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ Gawande đã gặp gỡ với các cơ quan chính quyền địa phương, các nhân viên y tế, các lãnh đạo y tế công và cộng đồng, các chuyên gia học thuật, các đối tác tài trợ quốc tế và các sinh viên y tế công cộng nhằm nêu bật quan hệ đối tác giữa USAID và Việt Nam trong nỗ lực củng cố các hệ thống y tế của Việt Nam với mục tiêu cứu sống tính mạng con người và thúc đẩy an ninh y tế toàn cầu.

Đầu tiên, bác sĩ Gawande đã đến tỉnh Đồng Nai và cùng đại diện các cơ quan chính quyền tỉnh đến thăm một cơ sở gây nuôi thương mại động vật hoang dã.

Bác sĩ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quản lý hiệu quả giúp ngăn chặn nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.

Đồng thời, bác sĩ cũng đã nêu bật hỗ trợ lâu dài của USAID dành cho Việt Nam nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa bệnh truyền nhiễm mới nổi, bao gồm cả những bệnh bắt nguồn từ vật nuôi và động vật hoang dã.

Bác sĩ tham gia thảo luận cùng "Một sức khỏe" cùng với các sinh viên và đại diện lãnh đạo ngành y tế tại Trung tâm Hoa Kỳ. (Nguồn: TLS Hoa Kỳ)

Khi đến Bình Dương, bác sĩ Gawande đã đến thăm Trung tâm Y tế TP. Dĩ An. Tại đây, bác sĩ Gawande cũng đã gặp gỡ và trao đổi với các cán bộ chăm sóc y tế, các chuyên gia về sức khỏe tâm thần và đại diện tổ chức cộng đồng.

Đồng thời, bác sĩ cũng đã đi thăm quan hệ thống oxy lỏng mới được đưa vào sử dụng tại trung tâm, đây là một trong 23 hệ thống oxy lỏng do USAID tài trợ cho Việt Nam.

Sau đó, bác sĩ Gawande đã đến trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh và tham gia buổi tọa đàm về giá trị của cách tiếp cận "Một sức khỏe".

Bác sĩ cho biết, đây là chương trình hỗ trợ lâu dài của USAID dành cho Việt Nam, bao gồm hợp tác với các tổ chức học thuật để đào tạo hơn 60.000 sinh viên tốt nghiệp theo chương trình "Một sức khỏe" tính cho đến nay.

Đồng thời, bác sĩ Gawande cũng tham dự một chương trình tại Trung tâm Hoa Kỳ của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ ở TP. Hồ Chí Minh để thảo luận về chủ đề Một sức khỏe cùng với các sinh viên và đại diện lãnh đạo ngành y tế.

Bác sĩ Gawande thăm một điểm sàng lọc cộng đồng tại Đơn vị chống lao Quận 8, TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: TLS Hoa Kỳ)

Trong ngày 18/11, bác sĩ Gawande đã cùng đoàn tới tham quan một buổi sàng lọc lao cộng đồng tại phòng khám lao của Quận 8 để chứng kiến phương pháp phát hiện lao sớm do USAID hỗ trợ sử dụng hệ thống X-quang siêu nhẹ và công nghệ chẩn đoán nhanh GeneXpert.

Sau đó, ông đã gặp gỡ các cán bộ và lãnh đạo y tế của thành phố để tìm hiểu thêm về công tác phòng chống và ứng phó với bệnh lao.

Bác sĩ Gawande kết thúc chuyến công tác sau khi tới thăm 2 đơn vị cung cấp dịch vụ HIV dựa vào cộng đồng do USAID hỗ trợ.

Tại đây, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các tổ chức cộng đồng ở Việt Nam trong việc mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là cho những cộng đồng dễ bị tổn thương, và trong việc thúc đẩy mục tiêu của Việt Nam về chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.