Nhỏ Bình thường Lớn
Ngày Gia đình Việt Nam (28/6):

Giảm 'gặp gỡ' qua công nghệ để gắn kết gia đình

Hình ảnh chiếc điện thoại trên bàn ăn ở nhiều gia đình Việt Nam trở nên quen thuộc. Tự bao giờ, cha mẹ và con cái trở nên kiệm lời với nhau, chủ yếu liên hệ qua Zalo, Messenger, Viber…
Gia đình
Sự len lỏi của các thiết bị công nghệ trong bữa ăn của nhiều gia đình trở nên quen thuộc. (Ảnh minh họa: Internet)

Có thể nói, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi diện mạo của cuộc sống. Với sự hỗ trợ của công nghệ, việc kết nối, liên lạc giữa các thành viên trong gia đình đã trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, do "gặp gỡ” qua công nghệ nhiều nên việc tương tác thực tế giữa đời thực trở nên ít hơn. Đây được xem là “rào cản” vô hình giữa các thành viên trong gia đình hiện đại.

Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao vai trò và vị trí của gia đình. Đây được xem là nhân tố quan trọng trong toàn bộ chính sách xây dựng, phát triển đất nước. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại, nhiều giá trị gia đình đang có nguy cơ bị mai một.

Gần đây, sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đặc biệt là sự ứng xử lệch chuẩn của con cái đối với ông bà, cha mẹ khiến nhiều người lo ngại. Bên cạnh đó, trong xã hội hiện đại, cha mẹ thường dành thời gian quá nhiều cho công việc cá nhân mà chưa chú ý quan tâm, chăm sóc con cái. Nhiều đứa trẻ cô đơn, lạc lõng ngay trong chính căn nhà của mình. Theo nhiều đánh giá, đó cũng là những lực cản vô cùng nguy hại trong việc xây dựng và lan tỏa các hệ giá trị và chuẩn mực tốt đẹp của con người Việt Nam.

Bối cảnh chuyển đổi của Việt Nam hiện nay, sự xung đột giữa giá trị cũ - mới, truyền thống - hiện đại cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc hình thành hệ giá trị gia đình với những tiêu chí ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh hiện nay gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhiều chuyên gia cho rằng, ở nhiều nơi, giá trị gia đình bị đảo lộn, dẫn đến sự khủng hoảng chức năng gia đình, dẫn đến "đứt gãy" về mặt giá trị, đạo đức và văn hóa truyền thống.

Xã hội hiện đại, dưới sự tác động của những mặt trái cơ chế thị trường, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình cũng đang bị ảnh hưởng. Không ít gia đình đề cao chức năng kinh tế, chưa chú trọng xây đắp quan hệ tình cảm, xem nhẹ việc giáo dục ý thức trách nhiệm, lối sống lành mạnh cho các thành viên. Do đó, độ kết nối giữa các thành viên trở nên lỏng lẻo hơn.

Nếu như gia đình Việt Nam truyền thống, bữa cơm đầm ấm mỗi ngày thể hiện tính cộng đồng, sự gắn kết giữa các thành viên; thì trong nhiều năm gần đây, kiểu mẫu gia đình truyền thống đã có sự "chuyển mình" với những đặc điểm mới. Sự bận rộn, chuyện học hành của con cái tác động đến lối sống, khiến bữa cơm thiếu vắng các thành viên. Hình ảnh gia đình vui vẻ xung quanh mâm cơm trở nên hiếm hoi hơn.

Trong thời đại công nghệ số, sự ỷ lại vào công nghệ, khiến con người trở nên ít giao tiếp trực tiếp với nhau. Hình ảnh những chiếc điện thoại trên bàn ăn trở nên quen thuộc ở nhiều gia đình Việt Nam. Tự bao giờ, cha mẹ và con cái trở nên kiệm lời với nhau, chủ yếu liên hệ qua Zalo, Messenger, Viber…

Vì thế, sống cùng nhà, cha mẹ và con cái tuy gần mặt nhưng lại cách lòng, liên hệ với nhau chủ yếu qua những tin nhắn, hay qua các công cụ thông minh. Mọi người ít giao tiếp trực tiếp với nhau, ít chia sẻ với nhau, cũng ít hiểu nhau hơn, những xung đột cũng nảy sinh từ đây.

Như vậy, việc phủ sóng, "xâm lấn" của công nghệ vào đời sống khiến thói quen sinh hoạt dần thay đổi. Trẻ em do được tiếp xúc sớm với các thiết bị thông minh trở nên tự tin hơn. Tuy nhiên, những nề nếp, thói quen như lời chào, lời cảm ơn, xin lỗi của trẻ cũng thưa thớt dần. Do đó, chủ động bảo vệ gia đình khỏi những tác động của công nghệ càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Thực tế, gia đình là nơi đầu tiên đảm nhận vai trò giáo dục. Ông bà, cha mẹ chính là người thầy của trẻ. Đối với các bậc cha mẹ - hãy xem việc nuôi dạy con cái là niềm vui lớn nhất cũng là trách nhiệm trong cuộc sống. Việc thiếu trách nhiệm trong giáo dục trẻ được xem là nguyên nhân cơ bản nhất khiến trẻ có lối sống lệch lạc, tác động đến việc hình thành nhân cách trong tương lai. Từ đó, sự kết nối giảm dần, mỗi người "mạnh ai nấy làm", gia đình dễ nảy sinh nhiều vấn đề.

Trước sự len lỏi của công nghệ số, các bậc cha mẹ cần có nhận thức đúng đắn về lợi ích, cơ hội cũng như nguy cơ, tác hại mà công nghệ mang lại. Từ đó, gia đình nên đặt ra những quy tắc chung để các thành viên thực hiện, xây dựng nề nếp, quy định cụ thể thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ.

Đặc biệt, các bậc cha mẹ nên chủ động thay đổi bản thân, thực hành làm gương. Dành thời gian quan tâm, giáo dục nhiều hơn đến con cái, tránh lạm dụng thiết bị công nghệ thông minh để theo dõi, trao đổi với con. Đồng thời, nên tạo ra các không gian hoạt động chung của gia đình.

Phụ huynh nên chủ động hướng dẫn các con cách sử dụng mạng an toàn, lành mạnh, thông minh, chia sẻ với con em về những cạm bẫy, nguy hại trên Internet; có kỹ năng và biết tự phòng tránh những rủi ro. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là việc tăng cường trò chuyện, kết nối giữa các thành viên để thấu hiểu nhau.

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, giáo dục, sự hình thành nhân cách con người từ giáo dục gia đình là những dấu ấn kiến thức đầu tiên không dễ phai mờ đối với con người. Những bài học cơ bản mà mỗi người tiếp thu được trong gia đình sẽ giống như những vết mực đầu tiên trên trang giấy trắng, tạo thành những nguyên tắc sống cho một nhân cách trong suốt cuộc đời họ.

Hơn thế, để nâng cao vai trò của giáo dục gia đình, chúng ta cần có sự nghiên cứu kế thừa sâu sắc các giá trị giáo dục gia đình truyền thống, kết hợp những xu hướng giáo dục hiện đại, xây dựng những quy chuẩn mới cho giáo dục gia đình.

Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6 hằng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của gia đình và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Sau 23 năm thực hiện, Ngày Gia đình Việt Nam đã trở thành ngày truyền thống hướng tới mục tiêu tôn vinh những giá trị tốt đẹp của dân tộc, khẳng định vai trò, vị trí của mái ấm gia đình đối với sự ổn định và phát triển chung của đất nước.

ĐBQH. Bùi Hoài Sơn: Gia đình đang bị 'đe dọa' bởi những thách thức mới

ĐBQH. Bùi Hoài Sơn: Gia đình đang bị 'đe dọa' bởi những thách thức mới

Dưới góc nhìn của mình, ĐBQH. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, trong ...

Quảng cáo số - 'phao cứu sinh' của báo chí hiện đại

Quảng cáo số - 'phao cứu sinh' của báo chí hiện đại

Hiện nay, số lượng phát hành của báo in giảm mạnh, các nhóm công chúng mới, nhất là giới trẻ đã chuyển sang đọc trực ...

Cần đặt ra 'lằn ranh' đạo đức khi sử dụng trí tuệ nhân tạo sản xuất tác phẩm báo chí

Cần đặt ra 'lằn ranh' đạo đức khi sử dụng trí tuệ nhân tạo sản xuất tác phẩm báo chí

Đúng là, việc sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) tiềm ẩn nhiều rủi ro, mà rủi ro lớn nhất là tạo ra thông tin ...

Cần đấu tranh bóc gỡ thông tin xấu độc trên không gian mạng

Cần đấu tranh bóc gỡ thông tin xấu độc trên không gian mạng

Mạng Internet là trận địa chính của công tác tuyên truyền tư tưởng hiện nay. Bảo vệ các giá trị văn hóa của đất nước ...

Đổi mới sáng tạo trong thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng, 'lấy cái đẹp, dẹp cái xấu'

Đổi mới sáng tạo trong thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng, 'lấy cái đẹp, dẹp cái xấu'

Các cơ quan báo chí chủ động, đổi mới sáng tạo hơn nữa trong công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng, trong ...