Năm 2016, khi tiếp nhận sinh viên năm đầu tiên thi theo hình thức 2 trong 1, tôi thực sự hoảng sợ khi có em đỗ vào khoa với số điểm cao lại có khoảng trống lớn về kiến thức và kỹ năng.
Có em không biết công thức hóa học của những kim loại quen thuộc như đồng, sắt khiến tôi rất băn khoăn. Có em còn cho rằng Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ đều là vua của triều đình nhà Nguyễn. Khi tôi hỏi nhà Trần có ai dù không phải là vua mà lại là anh hùng dân tộc, thì đa số các em đều lúng túng. Thậm chí có em còn không biết mặt trời mọc ở hướng Đông…
Tiết kiệm đồng lẻ để lãng phí những khoản tiền lớn
Thực tế, bệnh thành tích của người dân nói chung vẫn còn rất cao. Gia đình vẫn coi thành tích của con em như chất men ngọt ngào, thi vị cho cuộc sống của mình. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng đó là nguyên liệu để xây dựng giá trị cho cả gia đình. Nếu điều kiện không cho phép, nghĩa là các con không đủ khả năng đem lại thành tích. Để rồi, cha mẹ coi việc chạy chọt để làm đẹp thành tích là đương nhiên, là việc phải làm để hoàn thành trách nhiệm nuôi dạy con của mình.
Thường xuyên tương tác với phụ huynh, tôi nhận thấy không ít người cho rằng, nếu con học giỏi, khỏi phải chạy là kịch bản đẹp. Còn trong trường hợp con học dốt thì cha mẹ nên tự hào vì đã “chạy” xong cho con.
TS. Vũ Thu Hương tương tác với học sinh trong một tiết giảng dạy. (Ảnh: NVCC) |
Vì thế, kỳ thi lớn như THPT Quốc gia đặt tại các tỉnh sẽ tạo cơ hội cho chuyện tiêu cực xảy ra. Nguyên do một phần xuất phát từ việc người dân vẫn có suy nghĩ “phép vua thua lệ làng”, “một người làm quan, cả họ được nhờ”…
Chính vì vậy, thường thì khi có ai đó làm trong ngành giáo dục, những người họ hàng thân thiết sẽ tìm mọi cách nhờ vả, thậm chí chạy tiền. Đôi khi các mối quan hệ quá khăng khít và quan trọng khiến người ta dễ làm liều để có thể trả ơn ai đó, lấy lòng ai đó hoặc đơn giản chỉ để ghi điểm trong mắt họ hàng. Từ đó, việc tiêu cực rất dễ dàng xảy ra.
Bản thân tôi cũng đã nhận được không ít lời nhờ vả chạy chọt. Dĩ nhiên, tôi không thể chạy được và cũng không biết đến một đường dây chạy chọt nào. Tuy vậy, mọi người vẫn ra sức nhờ vả và khi nhận được lời từ chối thì thái độ của họ rất khó chịu.
Có thể nói, chính phụ huynh chúng ta đang góp phần biến các kỳ thi nghiêm túc thành… có vấn đề. Chính vì vậy, để một kỳ thi đặc biệt quan trọng tại nơi “làng xã” là một cách làm mang chỉ số rủi ro vô cùng lớn.
Có nhiều người thắc mắc rằng, liệu kỳ thi 2 trong 1 có đạt được mục đích tiết kiệm như kỳ vọng hay không? Theo tôi, mục đích này hoàn toàn không đạt được. Lý do vì chúng ta chỉ tính toán trong phạm vi một hoạt động duy nhất là kỳ thi có vẻ chi phí cho phương thức thi 2 trong 1 là ít tốn kém.
Tuy nhiên, tính toán sâu và rộng hơn, ta sẽ thấy rõ ràng là chi phí cho một sinh viên học tập trong 4 đến 5 năm là vô cùng lớn. Nếu ta cung cấp kinh phí để đào tạo một sinh viên không xứng đáng, chắc chắn chúng ta đã lãng phí một khoản tiền không nhỏ.
Đó là chưa kể, nếu một sinh viên như vậy ra trường mà làm việc không tốt, bạn trẻ đó sẽ gây ra những lãng phí khác còn lớn hơn nhiều. Thành ra, chúng ta đã tiết kiệm những đồng tiền lẻ để lãng phí những khoản tiền lớn hơn. Do vậy, theo tôi, chắc chắn chúng ta phải tính toán lại, chính xác và dài hơi hơn. Nếu chúng ta vẫn giữ tâm lý “chạy chọt cho con là thương con, là cho con tương lai tốt nhất”, sẽ rất khó để có được kỳ thi minh bạch và sự công bằng.
Hơn nữa, mục tiêu của 2 kỳ thi này hoàn toàn khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp THPT có mục đích là kiểm chứng lại việc học của một học sinh trong suốt 12 năm. Kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng lại có mục tiêu là tìm kiếm tài năng, người có năng lực thực sự. Với hai mục tiêu hoàn toàn khác nhau, việc lồng ghép rất dễ gây ra sự mâu thuẫn và tạo ra nhiều kẽ hở. Thậm chí việc này tạo lỗ hổng lớn cho các bất cập xảy ra và tiêu cực chỉ là một trong các bất cập đó.
Cái gốc nằm ở phụ huynh
Theo nghiên cứu của tôi về tâm lý con người Việt Nam, cũng như các điều kiện của đất nước, tôi có một số đề xuất:
Thứ nhất, tổ chức hai kỳ thi riêng rẽ. Thi tốt nghiệp THPT do các tỉnh tiến hành. Điều này hoàn toàn không thể xóa bỏ để thay bằng hình thức xét tốt nghiệp vì lý do chúng ta đã bỏ thi tốt nghiệp cấp THCS. Nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chắc chắn các em sẽ không học các môn nằm ngoài kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng.
Để kỳ thi THPT Quốc gia an toàn, minh bạch và công bằng giữa các thí sinh phải xuất phát từ quan niệm của phụ huynh. (Nguồn: Tiền phong) |
Thứ hai, tổ chức thi tốt nghiệp THPT với 4 môn: Toán (tự luận), Văn (tự luận), tổ hợp tự nhiên và xã hội (trắc nghiệm). Cũng có thể tổ chức thi với 4 môn gồm có: Toán (bắt buộc), Văn (bắt buộc), một môn tự nhiên và một môn xã hội (do bộ GD&ĐT lựa chọn tùy theo từng năm). Kỳ thi này nên để các tỉnh tổ chức để giảm thiểu chi phí. Tiêu cực nếu có sẽ không quá ảnh hưởng đến chất lượng sinh viên đại học.
Thứ ba, thi đại học và cao đẳng nên chuyển về cho các trường tự tổ chức. Các trường tự lên phương án tuyển sinh. Chúng ta hoàn toàn có thể xét tuyển dựa trên học bạ và điểm thi tốt nghiệp hoặc các phương án khác. Thậm chí, trường đại học nào muốn tổ chức thi cả vấn đáp cho chất lượng cũng có thể tiến hành.
Chất lượng đầu vào tốt, đẳng cấp của trường đại học đó chắc chắn sẽ được khẳng định. Chất lượng nhân lực đến từ các trường sẽ quyết định vị thế của trường trong mắt các thí sinh và xã hội. Thị trường việc làm sẽ đánh giá và áp lực đó sẽ khiến các trường phải lựa chọn phương án thi phù hợp.
Nhưng cũng phải nói thêm rằng, những kỳ vọng, căn bệnh sính đại học, khát khao thành tích có lẽ đã ăn sâu, bám rễ trong tư tưởng của phụ huynh. Cha mẹ là số phận của con cái. Cha mẹ chính là người tạo ra con cái, tạo ra cả quan niệm sống, hình thành các thói quen, hành vi của con. Không thể có chuyện con em gây ra mà không có lỗi của phụ huynh trong đó. Chính vì vậy, những người làm cha mẹ có các quan niệm sai lầm về thành tích, về sự thành đạt đều có thể tạo ra những đứa con thất bại hoặc tiêu cực trong tương lai.