PGS. TS. Chu Cẩm Thơ, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đánh giá kết quả giáo dục - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. |
Là người công tác trong ngành giáo dục, quan điểm của bà ra sao trước câu chuyện gian lận điểm số ở một số tỉnh thành đang xôn xao dư luận?
Mỗi kỳ thi, dù quy mô lớn hay nhỏ đều tiềm ẩn những nguy cơ khiến cho việc gian lận có thể xảy ra. Tôi tin chắc rằng, với tất cả những người quan tâm đến giáo dục, coi trọng sự công bằng đều bức xúc khi có sự gian lận điểm số. Cá nhân tôi rất buồn vì thực trạng này vẫn tồn tại và xảy ra với mức độ nghiêm trọng, thậm chí vượt ra khỏi tầm kiểm soát của ngành giáo dục.
Dù chưa có đủ chứng cứ từ cơ quan điều tra, chúng ta cũng có thể cảm nhận và phán đoán rằng, việc gian lận này được tổ chức với quy mô và hậu quả không lường trước được. Sự việc không chỉ là thay đổi điểm số, thay đổi kết quả, đổi trắng thay đen liên quan đến số phận học tập của các em học sinh mà nó còn rung động đến đạo đức, đến tính nghiêm minh của pháp luật, đến trách nhiệm của mỗi cá nhân trước sự phát triển của quốc gia.
Vì vậy, tôi buồn bởi bấy lâu nay, chúng ta đã biết có nhiều kiểu gian lận nhưng vẫn bất lực để nó tồn tại. Cho đến khi, những kiểu gian lận đã thể hiện ở mức độ “táng tận” khôn cùng. Sự im lặng, cho qua những thói hư, tật xấu hay dấu hiệu của vi phạm kỷ cương - như là sự vô can của chúng ta đã góp phần cho sự “gian lận” này trở nên kinh khủng hơn.
Số phận của hàng trăm thí sinh có thể đã bị đánh tráo bởi “chiêu” gian lận thi cử mà những người lớn gây ra. (Ảnh minh họa) |
Sau sự việc này, đã đến lúc Bộ Giáo dục & Đào tạo cần phải lắng nghe, tiếp thu để thay đổi chính mình, thưa PGS?
Trong vài năm gần đây, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã lắng nghe và tiếp thu khá nhiều. Tiêu biểu, Bộ chủ động đề xuất sửa đổi Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học, các Nghị định. Qua đó, để Bộ thay đổi cơ chế quản lý chất lượng, cơ sở giáo dục, đặc biệt là đổi mới thi cử, đánh giá…
Chẳng hạn, với kỳ thi mang tính chất quốc gia, thi tuyển đại học, ngành giáo dục chủ trương đẩy mạnh sự tự chủ, trong đó có tự chủ tuyển sinh đang được toàn ngành nỗ lực thay đổi ở các trường đại học. Cùng với đó, Bộ cũng coi trọng đánh giá quá trình học tập, trách nhiệm của các nhà trường được thể hiện trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tuy nhiên, những đổi mới này mang tính hệ thống. Trong quá trình tiến tới sự thay đổi, chắc chắn sẽ còn bộc lộ bất cập. Những hạn chế gây ra bức xúc sẽ khiến người ta muốn thay đổi. Tuy nhiên, sự thay đổi mang tính tức thời ấy chỉ có lợi cho cảm xúc nhưng về mặt quản lý và phát triển bền vững sẽ có nhiều hạn chế.
Qua sự việc này, ngành giáo dục cần coi là một cơ hội, để bóc tách tận cùng những thứ đã và đang tồn tại, từ đó, tìm ra vấn đề khiến cho chất lượng không được đánh giá thực chất, rút ra nguyên nhân lý giải tại sao đổi mới khó thành công. Đây có thể coi là một “cú hích” để cả hệ thống, bao gồm cả ngoài ngành giáo dục cùng chung tay thay đổi mạnh mẽ trong chỉ đạo, điều hành, nhằm lấy lại kỷ cương, động lực, làm tốt sự nghiệp trồng người.
Bên cạnh sai phạm của những người có liên quan, ở góc độ gia đình – phải chăng phụ huynh cũng có trách nhiệm không nhỏ?
Chỉ xét về mặt động cơ phạm tội của hành vi gian lận, rõ ràng có vai trò của phụ huynh – những người liên quan trực tiếp trong vụ việc. Chính xuất phát từ nhu cầu mong con cái đỗ đạt với thành tích cao nên không ít phụ huynh đã chọn cách “mua điểm”, “xin điểm”, “chạy điểm”. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đây là hiện tượng phổ biến ở xã hội chúng ta hiện nay. Cho dù nó chỉ xảy ra ở một bộ phận phụ huynh nhưng hậu quả không hề nhỏ.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh chỉ nhìn vào điểm số, kết quả thi cử mà định hướng sai lầm cách học, mục tiêu học tập của con mình. Vì vậy, học sinh không được học theo đúng những gì mà giá trị giáo dục mang lại. Các em bị cưỡng ép học theo yêu cầu của cha mẹ, hoặc cha mẹ quá kỳ vọng vào kết quả điểm số mà quên mất các em còn cần học những thứ khác. Chính điều đó tạo ra sự phát triển lệch của cả một thế hệ.
Vậy PGS có đề xuất giải pháp gì cho thi cử hiện nay?
Tôi không dám nói đến đề xuất vì để có một đề xuất giải pháp tốt cả về mặt khoa học lẫn thực tiễn thì không thể chỉ bằng kinh nghiệm và tư duy cá nhân. Nhưng, tôi có thể khẳng định rằng, nếu chúng ta tiến hành những đổi mới có tính hệ thống, minh bạch về chất lượng, phân quyền, phân cấp đúng, chắc chắn những cuộc thi sẽ ngày càng tốt hơn.
Chúng ta đừng đặt gánh nặng quá lớn lên một cuộc thi mà nên đẩy mạnh việc đánh giá quá trình giáo dục. Ở khía cạnh này, trách nhiệm của cơ sở giáo dục và giáo viên trực tiếp giảng dạy rất cao. Họ sẽ là những người chịu trách nhiệm đánh giá thực chất việc học của học sinh, đối chiếu với những chuẩn mà chương trình đặt ra.
Mặt khác, nếu chúng ta thực hiện đánh giá trên diện rộng để thu thập phản hồi nhằm điều chỉnh chương trình, phương pháp dạy học, chắc chắn sẽ hạn chế những bất cập hiện nay. Các cuộc thi thường mang tiêu chí nhất định, có sự phân loại nên tiến hành bởi những đối tượng có nhu cầu, trách nhiệm phù hợp. Ví dụ, các trường đại học tự chủ tuyển sinh, các kỳ thi chọn học sinh tài năng nên do các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức khảo thí độc lập tham gia tổ chức…
Theo tôi, tính phản biện xã hội, hậu kiểm cần được tăng cường hơn nữa. Đó là trách nhiệm của những người, cơ quan tổ chức sử dụng kết quả đánh giá, tham gia đánh giá, của phụ huynh và của chính học sinh.
Xin cảm ơn bà!