📞

Giáo dục mở cửa kỷ nguyên kỹ thuật số

11:16 | 18/05/2017
Để xây dựng và phát triển đất nước, cần phải có nguồn nhân lực. Muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao, cả xã hội phải quan tâm tới sự nghiệp giáo dục!

Nhiều bài học kinh nghiệm cho thấy: quốc gia nào thực sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, quốc gia đó có những bước phát triển đột phá và vượt trội. Đơn cử Singapore, không chỉ là quốc đảo nổi tiếng sạch và đẹp mà còn là điểm đến của nhiều học sinh, sinh viên mong muốn tìm kiếm một nền giáo dục tiên tiến.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu, thực tế chúng ta vẫn chưa coi trọng sự nghiệp giáo dục.

Cách mạng Công nghiệp 4.0

Một người bạn của tôi đặt câu hỏi: Anh có nghe về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 không? Sao không thấy mấy ai quan tâm nhỉ, cứ như chuyện của nước nào xa xôi không hề hấn gì tới cuộc sống của nước mình hay sao ấy?

Tôi gợi ý cho anh bạn về Giáo sư Klaus Schwab, sáng lập viên kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đồng thời là người đã ra mắt cuốn sách “Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”. Trong cuốn sách, GS. Schwab đã nhận định về Cách mạng Công nghiệp 4.0 như sau: “Những thay đổi này sẽ sâu sắc đến mức chưa bao giờ trong lịch sử lại có một thời điểm con người đứng trước cùng lúc nhiều cơ hội lẫn rủi ro như thế. Mối quan ngại của tôi là các lãnh đạo chính trị và kinh doanh có thể sẽ giữ lối tư duy quá cổ hủ hoặc quá ám ảnh với việc các đột phá công nghệ sẽ thay đổi tương lai loài người như thế nào”. Anh bạn đã thốt lên: “Chết! với một quốc gia hơn 80% lao động giản đơn, không ít người chỉ muốn đi làm thuê, đi xuất khẩu lao động hoặc có tư tưởng đợi ai đó sai khiến ra lệnh, thì làm sao để phát triển được đất nước nhỉ?”

Cho dù chúng ta đã khẳng định: Giáo dục là quốc sách hàng đầu, thực tế chúng ta vẫn chưa coi trọng sự nghiệp giáo dục.

Nhiều công trình nghìn tỷ phí phạm không đưa vào sử dụng được, nhiều tập đoàn doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nhiều tỉnh thành không đủ tự chi tiêu phải chờ “phân phát” từ trung ương làm nhiều người đau xót. Nhưng nỗi đau đó không bằng hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sĩ không có công ăn việc làm.

Nguồn nhân lực chất lượng cao

Chúng ta đã chuẩn bị và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như thế nào? Đó là vấn đề không đơn giản. Ấy là chưa kể nếu không nhanh, không quyết liệt mà “bình chân như vại”, cứ à ê hoặc hả hê với những gì đang có, liệu có tránh được “thua ngay trên sân nhà” hay không?

Anh bạn tôi có chia sẻ bài “Ước gì con tôi không phải đi du học” của một phụ huynh đăng trên một trang báo mạng, nghĩ mà chua xót: Các bậc phụ huynh chỉ mong muốn con em mình có được môi trường học hành thật sự khoa học và hữu ích. Điều đó lại không hề đơn giản!

Ngay từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956) với mục tiêu tổng quát: “Bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã. Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 – 2020 là khoảng 5,5 triệu lao động (1,4 triệu người học nghề nông nghiệp và 4,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp); trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới ba tháng theo chính sách của Đề án cho khoảng 3,84 triệu người. Nhưng thực tế triển khai Đề án không hề đơn giản.

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố tháng 4/2017 đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các nhà giáo dục, chuyên gia theo hướng... băn khoăn về tính khả thi của nó. Trong đó, không ít ý kiến nêu rõ: với nhu cầu đổi mới giáo dục cấp bách hiện nay, việc nhập khẩu một chương trình giáo dục phổ thông tiên tiến ở nước ngoài để nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam là giải pháp thiết thực và hữu hiệu.

Như thế, công cuộc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hội nhập vào Cộng đồng ASEAN đã thấy những dấu hiệu chúng ta đang tụt hậu quá xa so với nhiều nước!

Cơ hội cho Việt Nam

Năm 2017, nội dung hợp tác về giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là một trong những vấn đề quan trọng trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam. Việc phát triển nguồn nhân lực phù hợp với cách mạng khoa học,  công nghệ là nội dung ưu tiên trong hợp tác phát triển nguồn nhân lực nội khối APEC. Định hướng hợp tác đối với nội dung này trong APEC là tập trung vào thúc đẩy trao đổi, giao lưu giữa những nhà nghiên cứu khoa học, sinh viên của các nền kinh tế thành viên. Bên cạnh đó, tập trung đào tạo đội ngũ nhân lực có kỹ năng cơ bản cần thiết (khoa học, công nghệ, toán học và kỹ thuật) đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế trong thế kỷ XXI. Ngoài ra, tăng cường gắn kết giữa các trường đại học với các doanh nghiệp nhằm phát triển nguồn nhân lực đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp.

Rõ ràng là, nguồn nhân lực luôn đóng vai trò là một trong những giải pháp đột phá trong quá trình phát triển của các nền kinh tế thành viên APEC nói chung và Việt Nam nói riêng. Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ sẽ góp phần phát huy lợi thế cạnh tranh của các nền kinh tế trong APEC, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Tôi được biết, Chính phủ Việt Nam đã dành ưu tiên hàng đầu cho giáo dục và đào tạo với mức đầu tư chiếm 20% tổng chi ngân sách Nhà nước. Tổng số học sinh, sinh viên hiện nay là 21 triệu cùng với hơn 1,2 triệu giảng viên trong toàn hệ thống giáo dục.

Để tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, các nền kinh tế thành viên APEC sẽ tiếp tục triển khai các bước hướng tới mục tiêu trao đổi 1 triệu sinh viên mỗi năm vào năm 2020. Các bước này bao gồm cấp học bổng, cung cấp các khóa đào tạo, khuyến khích phát triển mạng lưới doanh nhân nữ, gia tăng đào tạo về dịch vụ tài chính, sử dụng Internet và mở rộng Hiệp định Công nghệ thông tin cho phép người lao động có thể tiếp cận rộng rãi hơn với những sản phẩm hỗ trợ phát triển...

Hy vọng Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội này! 

Nguyên Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội