Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam dự và phát biểu khai mạc. Tham dự diễn đàn còn có hơn 350 đại biểu là các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà giáo dục và đại diện các tổ chức liên quan từ hơn 100 quốc gia.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Giáo dục vì sự phát triển bền vững và công dân toàn cầu. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Diễn đàn do UNESCO phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức, với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) Nhật Bản thông qua Quỹ Tín thác Nhật Bản UNESCO dành cho Chương trình Hạnh động toàn cầu Giáo dục vì Sự phát triển bền vững và Trung tâm Giáo dục vì sự hiểu biết quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (APCEIU).
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, trong 50 năm qua, dân số thế giới đã tăng gần 3 lần, đặt ra yêu cầu phát triển kinh tế xã hội giúp thỏa mãn nhu cầu của con người mà không làm tổn hại đến các thế hệ tương lai.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát triển khai mạc Diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, để hướng đến sự phát triển bền vững, chúng ta cần phải thay đổi các giá trị và hành vi cộng đồng, giúp người dân lựa chọn một cách sống bền vững hơn. “Giáo dục chính là giải pháp, là con đường dẫn đến sự thay đổi. Giáo dục là để đảm bảo người dân biết đâu là lựa chọn đúng đắn, đồng thời giúp họ có thông tin và kỹ năng để làm theo lựa chọn đúng đắn đó”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam khẳng định, Việt Nam xác định “Giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu và đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”. Chính vì vậy, năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững và kế hoạch thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phát triển tại Diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho rằng, những thành tựu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam thời gian qua là do chính con người đóng vai trò yếu tố quyết định, tạo ra sự phát triển bền vững cho quốc gia. Điều này cũng có nghĩa, việc không ngừng cải cách, đổi mới giáo dục chính là một phương cách hữu hiệu để tạo ra con người mới, đủ bản lĩnh và tầm vóc trí tuệ, vượt qua các thách thức toàn cầu trong thời đại hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh, việc Việt Nam cùng UNESCO đăng cai tổ chức Diễn đàn lần này một mặt thể hiện Việt Nam coi trọng hợp tác với UNESCO trên các lĩnh vực trong đó có giáo dục, mặt khác cũng phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, việc Diễn đàn được tổ chức ở Việt Nam khẳng định lại quan điểm về “trách nhiệm kép”của Việt Nam mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 73: “Mỗi quốc gia có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân có thêm vai trò công dân toàn cầu”, “đoàn kết, phấn đấu vì một thế giới hoà bình, công bằng và phát triển bền vững".
Toàn cảnh Diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Diễn đàn có 7 phiên họp toàn thể, 4 phiên thảo luận nhóm. Các đại biểu sẽ có cơ hội được chia sẻ những phương thức tiếp cận sáng tạo, có tính khả thi để giải quyết những tồn tại và khai thác triệt để tiềm năng từ ba phạm vi của lĩnh vực học tập nhằm đạt mục tiêu Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững.