📞

Giao hàng - một nghề thực sự trong nền kinh tế chia sẻ?

14:47 | 03/10/2018
Trong nền kinh tế chia sẻ hiện nay, làm thế nào để giao hàng (ship) trở thành một nghề nghiệp thực sự và bền vững, để những nhân viên giao hàng (shipper) yên tâm gắn bó lâu dài với nghề này, có thu nhập ổn định và được đảm bảo cuộc sống sau 20 - 30 năm làm việc?

Đó là những vấn đề được đại diện các nhà quản lý vận hành của sàn thương mại điện tử, chuỗi cửa hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ và hộ kinh doanh cá thể đưa ra và thảo tại Họp báo ra mắt Lalamove - nhà cung cấp dịch vụ giao vận nhanh hàng đầu châu Á và Tọa đàm 4 bên với xoay quanh vấn đề Làm việc hiệu quả với shipper được tổ chức sáng nay (3/10), tại Hà Nội.  

Cũng tại Tọa đàm, vai trò cụ thể của từng bên trong hỗ trợ bền vững cho shipper, đặc biệt trong nền kinh tế chia sẻ hiện nay được các đại biểu quan tâm, thảo luận.

Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, dịch vụ vận tải thực sự là một mảnh đất màu mỡ. Chỉ mới khoảng 1-2 năm trở lại đây, shipper bỗng trở thành một nghề “hot”. Không chỉ là một anh giao hàng thông thường, giờ đây, shipper công nghệ đã và đang định nghĩa lại chính bản thân và công việc của mình, trực tiếp tham gia thành một mắt xích trong chuỗi hệ thống thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ.

Các đại biểu tại tọa đàm Làm việc hiệu quả với shipper. (Ảnh: TL) 

Cùng với yêu cầu ngày một cao đối với ngành giao vận, yêu cầu đối với shipper cũng vì thế mà khắt khe hơn. Nếu như trước kia, chỉ cần có phương tiện xe máy, sự nhanh nhạy và thái độ làm việc nghiêm túc, đúng giờ; thì ngày nay, một shipper cần biết “canh đơn” trên điện thoại thông minh, và cần trau dồi thêm nhiều kỹ năng khác cho công việc.

Theo ông Nguyễn Đức Lợi, Giám đốc điều hành Lalamove tại Việt Nam, shipper công nghệ (sử dụng ứng dụng công nghệ để nhận đơn hàng giao vận) là một "nghề" mới xuất hiện ở Việt Nam trong kỷ nguyên kinh tế thương mại điện tử. “Không cơ quan chủ quản, chưa có tên trong hệ thống nghề nghiệp được nhà nước công nhận, chưa có hành lang pháp lý bảo vệ, shipper hiện nay khi hành nghề gặp nhiều khó khăn và rủi ro” – ông Lợi nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, vai trò của shipper lại rất quan trọng đối với trải nghiệm của khách hàng. Một cuộc khảo sát của Công ty giao nhận Dotcom Distribution (Mỹ) cho thấy 47% số người mua sắm quyết định không ghé trở lại trang web của một nhà bán lẻ nếu họ gặp phải tình trạng giao hàng tồi tệ. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của Dropoff, công ty giao hàng trong ngày có trụ sở đặt ở bang Texas, 94% số khách hàng mua sắm trực tuyến đổ lỗi cho nhà bán lẻ về dịch vụ giao hàng kém.

Do vậy, theo các đại biểu, cải thiện trải nghiệm của khách hàng chính là điều mà các hãng giao nhận quan tâm. Và shipper là một yếu tố cực kỳ quan trọng bởi họ chính là người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng.

Đồng quan điểm cho rằng để nâng cao chất lượng dịch vụ giao hàng, trước hết là đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng shipper, ông Nguyễn Đức Lợi - Giám đốc điều hành Lalamove tại Việt Nam chia sẻ: “Vào thị trường Hà Nội đợt này, Lalamove theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, tập trung vào chất lượng dịch vụ mà trong đó trọng tâm là hỗ trợ phát triển cộng đồng shipper Việt Nam. Đây cũng là yếu tố cốt lõi dẫn đến thành công của Lalamove ở thị trường châu Á".

Trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay, Việt Nam cũng đang dần bắt kịp với cách mà giao nhận thế giới đang thực hiện, đó là thẩm định kỹ lưỡng và chú trọng đào tạo các kỹ năng chuyên nghiệp cho đội ngũ shipper.

“Với nền kinh tế chia sẻ, nhu cầu của con người ngày càng tăng, nghề giao hàng không còn là một nghề phụ kiếm thêm thu nhập mà đã trở thành một nghề mới, được đầu tư và mang lại thu nhập cao”, ông Đinh Văn Lương – Founder and CEO Busship, một ứng dụng vận chuyển công nghệ khẳng định tại Tọa đàm.

Cũng tại Tọa đàm, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, để ship công nghệ trở thành một nghề nghiệp thực sự và bền vững như bao nghề nghiệp khác, những shipper cần được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp thực sự, được đảm bảo mọi quyền lợi về lâu dài như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Đại diện Lalamove Việt Nam cũng cho rằng, đã đến lúc cần thành lập một hiệp hội nghề nghiệp dành cho các shipper để đảm bảo quyền lợi lâu dài cho các tài xế. Được biết, Lalamove cũng đã, đang hoạt động tích cực để thúc đẩy vấn đề này.