Giao lưu nghệ thuật “Vang mãi bản hùng ca” lần thứ 5. (Nguồn: TC Tuyên Giáo) |
Chương trình do Tạp chí Tuyên giáo phối hợp với Truyền hình Quốc hội Việt Nam, báo Nhà báo và Công luận tổ chức và được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam vào lúc 20h ngày 19/12 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội).
Chương trình “Vang mãi bản hùng ca” là một biên niên sử tái hiện lại những thời khắc lịch sử bi hùng của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được kết cấu gồm ba phần: “Một thời giới tuyến”, “Huyền thoại Tàu không số” và “Uống nước nhớ nguồn”.
Ở hai phần đầu, khán giả sẽ được giao lưu với Đại tá – Nhà văn Lương Sỹ Cầm, một người đã có nhiều năm gắn bó với mảnh đất khói lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị) ; Đại tá Vũ Văn Huynh, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân – Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 1 miền Đông Nam bộ - Nguyên Chánh Thanh tra Quân khu Thủ đô và Thiếu tá Nguyễn Văn Đức – Anh hùng LLVTND – Nguyên Thuyền trưởng Tàu không số - Nguyên Tham mưu Phó Lữ đoàn 125 Hải quân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận 5, Tp. Hồ Chí Minh.
Ở phần “Uống nước nhớ nguồn”, khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được chứng kiến câu chuyện cảm động về một bệnh nhân đã có giấy báo tử từ năm 1975, nhưng tháng 2/2011 gia đình lại tìm thấy ông đang làm thuê ở tỉnh Lâm Đồng. Đó là ông Phạm Tuấn Hanh, sinh năm 1950, quê ở Kim Tân, Kim Thành, Hải Dương.
Ông Hanh nhập ngũ tháng 9/1972 và được điều động vào Tiểu đoàn 3KB chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ. Cuối năm 1973 ông Hanh bị bom địch nổ gần làm chảy máu tai và ngất đi. Khi tỉnh dậy, ông thấy mình được một người đàn ông dân tộc Cơ Tu chăm sóc. Do bị sức ép bom, ông Hạnh trở thành người mất trí không còn nhớ quê hương, người thân mình ở đâu. Bốn năm sau, người đã cứu ông Hanh qua đời, ông Hanh không còn chỗ dựa, từ đó ông trở thành người vô gia cư lang thang phiêu dạt nơi đất khách quê người.
Sau 36 năm làm “liệt sĩ”, trở về quê ông Hanh vẫn chẳng nhớ được điều gì. Tháng 4/2012 ông Hanh được đưa vào điều trị phục hồi chức năng và điều dưỡng ở Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương với hồ sơ bệnh án là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Giờ đây, trí nhớ của ông Hanh đã dần dần hồi phục.
Thông qua chương trình “Vang mãi bản hùng ca” lần thứ 6, Ban Tổ chức và các nhà tài trợ sẽ tặng 80 sổ tiết kiệm (mỗi sổ từ 5 đến 10 triệu đồng, tặng 200 suất quà (mỗi suất 5 trăm nghìn đồng) cho thân nhân liệt sĩ, thương binh, cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam; xây dựng giai đoạn 2 “Khu tưởng niệm liệt sĩ Đại đội 16; xây dựng “Khuôn viên và Nhà Bia chiến tích Khẩu đội 5”, Đại đội 16, Trung đoàn 27 tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng.
Khánh Văn