Nhỏ Bình thường Lớn

Giáo viên người Việt chia sẻ kinh nghiệm giáo dục ở Mỹ

Công tác tại trường tiểu học Bethesda (học khu Gwinnett, bang Georgia), chị Đinh Thu Hồng-Thạc sĩ giáo dục, giảng viên tiểu học lâu năm tại Mỹ, chia sẻ với TG&VN nhân năm học mới 2023.
Chị Đinh Thu Hồng trên giảng đường tại Mỹ. (Ảnh: NVCC)
Chị Đinh Thu Hồng trên giảng đường tại Mỹ. (Ảnh: NVCC)

Năm học mới lại đến và vấn đề đổi mới giáo dục tiếp tục được xã hội quan tâm. Thành tích và điểm số vẫn là câu chuyện muôn thuở của giáo dục Việt Nam. Là giáo viên làm việc trong môi trường Mỹ, chị có những liên hệ so sánh gì?

Trải nghiệm thực tế ở cả hai môi trường giáo dục, tôi nhận thấy nhiều người ở Việt Nam có quan niệm học là để lên lớp và con đường duy nhất là đạt điểm cao, rồi vào đại học… Có thể do ảnh hưởng từ quan niệm truyền thống từ xưa về Nho giáo, luôn coi trọng thi cử, khoa bảng, nên con cái chúng ta đi học thì phải giỏi, làm cho bố mẹ tự hào.

Còn đối với học sinh ở Mỹ, học không phải con đường duy nhất bởi có rất nhiều ngã rẽ để học sinh lựa chọn, nên việc học chính là đam mê, học để thu lượm kiến thức cho mình, chứ không phải lấy thành tích.

Khi trò chuyện với con sau giờ học, phụ huynh ở Mỹ thường không hỏi về thành tích học tập, mà hay hỏi những câu như “nay con đi học có vui không?”, “con ăn món gì ngon?”, “con có quen bạn mới không?”, “có ai làm cho buồn không?”… Họ quan tâm đến việc đứa trẻ của mình được phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và cảm xúc.

Việc học là cho chính học sinh nên các em có động lực bên trong để học hỏi và trau dồi kiến thức. Hầu như không có kỳ thi học sinh giỏi các cấp, chỉ có kiểm tra cuối học kỳ để đánh giá năng lực học sinh.

Có một thực tế ở Việt Nam, nhiều học sinh đi học không chỉ áp lực thành tích cho bố mẹ, mà còn gánh nặng thêm thành tích cho cả giáo viên. Ở Mỹ có như vậy không chị?

Ở Mỹ, không có các kỳ thi giáo viên dạy giỏi hay đánh giá chất lượng giáo viên qua điểm số hay thành tích của các học sinh. Theo tôi thấy, tiêu chí để một giáo viên đoạt danh hiệu giáo viên xuất sắc của năm thường do bình bầu của các đồng nghiệp và quan sát, đánh giá của Ban giám hiệu nhà trường.

Là giáo viên tiểu học ở Mỹ, điều chúng tôi quan tâm không phải là thành tích của học sinh, mà làm sao để các em hứng thú với môn học cũng như có cách áp dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống. Điều này có nghĩa, các kiến thức phải vượt ra bên ngoài bốn bức tường của lớp học và có thể vận dụng vào đời sống.

Không chỉ thành tích, việc thi cử và chọn trường vẫn đang là nỗi ám ảnh của các học sinh cuối cấp ở Việt Nam. Chị có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm về vấn đề này?

Tại đây, học sinh không phải thi chuyển cấp. Từ lớp Ba đến lớp 12, các em chỉ có các kỳ thi cuối năm với tính chất kiểm tra năng lực sau một năm học, chứ không ảnh hưởng đến việc có tốt nghiệp cấp hai hoặc cấp ba hay không.

Nếu các em không lựa chọn vào một trường học chuyên biệt nào đó (thường là nộp hồ sơ vào các trường năng khiếu), thì sống ở đâu sẽ học đúng tuyến ở đó, rất thuận lợi cho việc đưa đón của phụ huynh, hầu như không có gì căng thẳng hay chạy đua vào các trường học.

Môi trường giáo dục ở Mỹ khá đồng đều, gần như không có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền. Việc quy hoạch các trường học rất tốt, khu nào đông dân cư thì sẽ có phương án xây dựng thêm các trường mới để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh.

Chị Đinh Thu Hồng (bút danh Hồng Đinh, Hong Dinh) là giảng viên nhiều khóa học cộng đồng tại Việt Nam, diễn giả cho các tổ chức uy tín như Chương trình học thuật Đại sứ quán Mỹ. Chị sáng lập và điều hành fanpage “Học kiểu Mỹ tại nhà” với 60.000 người theo dõi và là tác giả của các đầu sách giáo dục như Học kiểu Mỹ tại nhà, Học STEM kiểu Mỹ tại nhà, Phát triển năng lực cảm xúc xã hội.

Là tác giả của nhiều cuốn sách về giáo dục và kiến thức làm cha mẹ, chị có lời khuyên gì để áp lực học tập không còn quá ám ảnh ở Việt Nam?

Qua kinh nghiệm từ bản thân và những người quen biết, tôi nghĩ phụ huynh không nên có tâm thế so sánh, trong đó tuyệt đối không so sánh con mình với con người khác. Tôi biết cải thiện suy nghĩ này rất khó nhưng chúng ta phải tập nghĩ khác đi.

Tâm lý các phụ huynh đều muốn suy nghĩ điều tốt cho các con, nhưng cũng cần phải tìm hiểu kỹ xem con mình thực sự muốn gì, suy nghĩ của con phải được tôn trọng, ngay cả sự khác biệt của con.

Tôi thấy ở Việt Nam có những phụ huynh vì thấy nhiều bạn bè của con vào trường chuyên nên tìm mọi cách cho con mình thi vào chuyên. Nhiều người muốn con đi du học bằng mọi giá trong khi điều kiện kinh tế yếu, phải cố “cày cuốc” để thực hiện nguyện vọng ấy trong khi không có thời gian để tìm hiểu, trò chuyện xem con thực sự mong muốn gì.

Tôi cho rằng, định hướng bố mẹ rất quan trọng nhưng định hướng ấy cần dựa vào khả năng và nguyện vọng của con cái. Một đứa trẻ có tố chất thì môi trường nào cũng có thể phát triển và trưởng thành.

Trong một bài viết về giáo dục, tôi có dẫn chứng một số liệu khảo sát về mức độ thành công của những học sinh sống ở khu thu nhập thấp với những khu vực khác, cho thấy không có chênh lệch đáng kể giữa học sinh học ở khu vực này với những học sinh có điều kiện kinh tế tốt hay học ở những trường nổi tiếng khác.

Có lẽ, Việt Nam nên có những khảo sát tương tự với những dẫn chứng số liệu cụ thể để xã hội được chứng thực về điều này.

Ngoài chuyện không so sánh, phụ huynh cần hiểu được thế mạnh và sở thích của con, cũng như luôn tôn trọng tiếng nói của con, đặc biệt không quyết định thay con. Bởi, điều chúng ta mong muốn nhất vẫn là con cái mình được trở thành một công dân hạnh phúc và có việc làm ổn định, phải không?

23 triệu học sinh cả nước bước vào năm học mới 2023-2024

23 triệu học sinh cả nước bước vào năm học mới 2023-2024

Sáng nay (5/9), học sinh và giáo viên trên cả nước cùng khai giảng năm học mới với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng ...

Để ngày khai trường thực sự hạnh phúc, hiệu trưởng phải chấp nhận sự khác biệt...

Để ngày khai trường thực sự hạnh phúc, hiệu trưởng phải chấp nhận sự khác biệt...

Để xây dựng được một ngày khai trường thực sự hạnh phúc, để học sinh thực sự là trung tâm, hiệu trưởng phải dám chấp ...

Đại học Quốc gia phải xây dựng triết lý phát triển riêng, đúng tầm, không chạy theo đào tạo những ngành nghề 'nóng'

Đại học Quốc gia phải xây dựng triết lý phát triển riêng, đúng tầm, không chạy theo đào tạo những ngành nghề 'nóng'

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Đại học Quốc gia phải xây dựng triết lý phát triển riêng, có nhiệm vụ lớn, đúng ...

Để ngày khai trường thực sự hạnh phúc…

Để ngày khai trường thực sự hạnh phúc…

Ngày khai giảng đánh dấu sự khởi đầu của một chặng đường mới trên con đường học tập của trẻ, chủ thể của ngày khai ...

PGS. Phạm Văn Tình: Tiếng Việt hiện nay có lệch chuẩn và rất cần định hướng

PGS. Phạm Văn Tình: Tiếng Việt hiện nay có lệch chuẩn và rất cần định hướng

Những năm gần đây, các từ liên quan tới tiếng Anh, tới các khái niệm của công nghệ thông tin, của các hoạt động kinh ...

(thực hiện)