Nhỏ Bình thường Lớn

Gieo chữ ở trời Âu

Hơn mười năm nay, bà con kiều bào ở khu vực Clondalkin, Dublin 22, Ireland quen và thân mật gọi nơi thầy giáo người Việt cần mẫn “gieo chữ” cho thế hệ trẻ Việt Nam tại đây là "Lớp học thầy giáo La".
Ông giáo La đang giảng bài tại lớp học.


Cộng đồng người Việt ở Ireland hiện có hơn 2.000 người. Dù hình thành chưa lâu nhưng đồng bào đã hoà nhập tốt vào đời sống bản địa, đồng thời vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của văn hoá dân tộc. Lớp học của thầy giáo La cũng góp phần vào việc làm nhiều ý nghĩa đó, thông qua việc dạy tiếng Mẹ đẻ cho trẻ em gốc Việt.

Ông La Cẩm Chương năm nay 77 tuổi, người dân tộc Hoa, quê ở Hải Phòng, sang Ireland định cư năm 1990. Từ năm 1992, ông tham gia giảng dạy tại các lớp tiếng Việt do Hội Hữu nghị Việt Nam - Ireland tổ chức.

Sau khi về sống với gia đình người con út tại Clondalkin, một khu vực tập trung khá đông người Việt, ông đã mở lớp học riêng của mình. Lớp học được duy trì từ năm 1997 đến nay, hoàn toàn miễn phí, do ông và em trai hiện 67 tuổi đứng lớp. Để tạo thuận lợi cho việc đi lại và học tập của học sinh, ông La đã liên hệ nhờ được địa điểm dạy tại một trường tiểu học gần nhà tên là Saint Ronans National.

Nói về việc làm của mình, ông La cho biết: “Tôi muốn góp một phần để giúp thế hệ con cháu biết tiếng Việt, lịch sử, văn hóa Việt Nam và nhất là đạo đức truyền thống để chúng không quên cội nguồn dân tộc”.

Dạy học vì cái tâm

Khó khăn thì nhiều, nhưng để mọi người tin tưởng và ủng hộ công việc của mình cũng cần một thời gian, ông La cho hay: “Ban đầu cũng có người hoài nghi về việc làm của chúng tôi, họ cho rằng làm mà không vì lợi lộc gì chắc cũng vì danh tiếng. Tôi nghĩ rằng mình không làm gì sai trái, sau mọi người sẽ hiểu ra”.

Thế rồi từ bốn, năm em nhỏ gốc Việt đầu tiên được cha mẹ đưa đến theo học thầy La, qua năm tháng, lớp học ngày càng đông và trở thành điểm giáo dục có tiếng trong cộng đồng người Việt, không chỉ tại Clondalkin mà còn cả ở Ireland. Trong hơn 10 năm qua, có hàng trăm con em người Việt trong vùng được tiếp thu kiến thức cơ bản và những hiểu biết khái quát về quê hương từ lớp học này.

Chị Nguyễn Thu Ngà, mẹ của cháu Đỗ Tùng Lâm, 11 tuổi, cho biết: “Tôi cho con theo học lớp của thầy La được 6 năm, cháu đã đọc và viết được tiếng Việt tương đối khá. Vợ chồng chúng tôi rất vui và hạnh phúc”.

Chị Ngà cho biết thêm, con gái cả của chị là Đỗ Thùy Linh, 16 tuổi, trước đây cũng học lớp tiếng Việt này. Những gì tiếp thu được từ lớp học giúp Linh đọc thông, viết thạo tiếng Việt và có được những hình dung nhất định về quê cha, đất tổ. 

Nhằm phục vụ công việc giảng dạy, ngoài lương hưu, tiền trợ cấp cho người cao tuổi, ông La Cẩm Chương còn trích tiền làm thêm tại Trung tâm từ thiện trong vùng để duy trì lớp học, trang bị sách bút cho học sinh. Việc làm của ông La khiến cha mẹ các em thấy có trách nhiệm với người thầy giáo già, nhưng ông từ chối mọi khoản tài chính, do đó họ đã góp tiền trả một khoản tượng trưng cho ban giám hiệu trường Saint Ronans National về điện nước và tiền bảo vệ. Chính quyền địa phương cũng quyết định hỗ trợ mỗi học sinh theo học lớp của thầy La 1,5 Euro (318.000 đồng) một tháng để khuyến khích tinh thần học tập.

Ngoài việc đứng lớp giảng dạy, những lúc rảnh rỗi hoặc vào ngày lễ tết như Tết Trung Thu, Tết cổ truyền..., ông giáo La đều tổ chức các hoạt động vui chơi, không chỉ tạo cho học sinh sự hứng khởi với việc học mà còn giúp các em làm quen với phong tục, tập quán Việt Nam. “Ở đây không tổ chức ngày Nhà giáo 20/11 như ở Việt Nam nhưng cha mẹ có con theo học cũng thường đến thăm hỏi, cảm ơn chúng tôi. Món quà lớn nhất mà tôi nhận chính là niềm vui của phụ huynh, nụ cười và sự tiến bộ của các cháu trong việc học tiếng nói, văn hóa dân tộc”, ông La xúc động nói.

Trong khi giảng dạy tiếng Việt, thầy La chú trọng từ việc giúp các cháu làm quen với từng chữ cái cho đến ghép từ, đánh vần rồi tập đọc. Hình ảnh một ông giáo già cần mẫn cầm tay hướng dẫn các em theo từng nét chữ đã trở lên quen thuộc với bà con người Việt trong vùng. Anh Phạm Văn Huỳnh, một phụ huynh ở đây, cho biết: "Chúng tôi rất xúc động khi chứng kiến sự tận tình của thầy La đối với con em mình. 

Ông Hồng đang dạy học sinh tập đọc. Ảnh: Lê Thanh Hoàng


Để phù hợp với nhận thức và giúp các em dễ tiếp thu tiếng Việt của các em, thầy dùng cuốn Quốc văn thi tập để giảng dạy, ông cho biết cuốn sách này có đầy đủ các bài dạy chữ cái, tập phát âm, đánh vần, có hình minh họa sinh động và nhất là kết hợp cả bài học lịch sử như truyện Hai Bà Trưng, Ngô Quyền... và những bài học đạo đức như “Chọn bạn mà chơi”, “Câu chuyện khuân tảng đá”...

Trong những bài giảng, thầy La không quên hướng đến việc dạy đạo đức cho học sinh. Thầy La tâm sự: “Dạy đạo đức cho các cháu nhỏ cũng như uốn nắn cho măng tre mọc thẳng”. Những bài học đạo đức của của thầy thường ngắn gọn, súc tích và ở dạng thơ. Thường, sau khi cho các cháu tập đọc, học thuộc thầy giáo La sẽ giải thích ý nghĩa, nội dung cốt yếu cho học sinh.

Ngoài lớp tiếng Việt, từ năm 2000, sau khi em trai là ông La Cẩm Hồng, 67 tuổi, sang Ireland, ông La mở thêm lớp dạy tiếng Trung cho các cháu. Hiện mỗi lớp có khoảng 12 học sinh, tuổi từ 6 - 13, là con em người Việt trong vùng, theo học.

Chị Nguyễn Thu Ngà cho hay, phụ huynh rất cảm kích trước việc làm của các và mong muốn đóng góp tài chính, hỗ trợ kinh phí giảng dạy nhưng đều bị từ chối. “Các thầy đều đã nghỉ hưu, thu nhập không nhiều nên chúng tôi muốn góp phần trách nhiệm đối với lớp học, từ việc quyên góp đóng cho nhà trường để đỡ một khoản chi phí cho đến việc đôn đốc, động viên con em mình đi học đều đặn”.

Hiện ngoài việc dạy học ông La còn đóng vai trò là một "bác sĩ", khám chữa bệnh tại phòng mạch dành cho người nhập cư, người nghèo và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Đôi khi cũng có người đến nhà ông để nhờ khám bệnh nên mọi người thường gọi thân mật là ông giáo La, doctor La hay La tiên sinh. Ông còn tham gia tích cực vào các sinh hoạt của bà con trong vùng, thường xuyên được mời làm chủ hôn trong các lễ cưới của người Việt. Với ông những gì có ích cho mọi người ông đều tận lực, bất chấp tuổi cao.

Theo Đất Việt