📞

Gieo mầm tiếng Việt ở xứ người

19:00 | 25/11/2016
Niềm vui với cô giáo Nguyễn Lan Hương là có những phụ huynh không quản ngại đường sá xa xôi và thời tiết khắc nghiệt của mùa Đông, đưa con đến các lớp học để con không quên tiếng mẹ đẻ thân thương...

Là giáo viên dạy tiếng Nga ở trường phổ thông, năm 1989, cô Nguyễn Lan Hương được cử sang Nga tu nghiệp 1 năm theo chương trình đào tạo của Nhà nước. Năm 1990, cô sang Đức đoàn tụ cùng chồng khi đó đang làm phiên dịch tại nước này. Không lâu sau, vì lý do sức khỏe yếu, cô chủ yếu ở nhà chăm sóc gia đình và dạy tiếng Việt cho con gái cùng các bé trong các gia đình Việt khác.

Từ năm 2004, cô Hương tham gia dạy tình nguyện tại các trung tâm giúp đỡ cho người nước ngoài tại Đức. Năm 2006, nhờ sự giúp đỡ của bà Trịnh Thị Mùi - Giám đốc Trung tâm châu Á - Thái Bình Dương, một ngôi trường nhỏ mang tên Sao Mai được lập ra để dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt tại Berlin. Cô Hương trở thành một trong những giáo viên đầu tiên của trường.

Bài học từ những vần thơ

Khi mới sang Đức sinh sống, điều cô Hương luôn trăn trở là làm sao để các con viết và nói được tiếng Việt tốt khi đi học ở trường Đức. Đây không phải mong mỏi của riêng cô, bởi những người phụ trách của một số trung tâm giúp đỡ người nước ngoài đều có ý định mở lớp tiếng Việt vào cuối tuần cho con em người Việt. Cô Hương kể, “Thời gian đầu các lớp rất vắng vẻ. Có những bé khi hỏi “con có thích đến lớp không?”, đều lắc đầu và nói do bố mẹ bắt phải đi học. Chúng tôi phải tích cực vận động từng gia đình, thậm chí phải dỗ dành để các con có thể đến lớp đều dặn hơn”.

Cô giáo Nguyễn Lan Hương trong giờ lên lớp.

Cô Hương cho biết không phải người Việt nào sinh sống tại Đức cũng đều có cuộc sống khá giả. Phần lớn phải lao động vất vả để nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, sợ con cái quên nguồn cội nên nhiều người rất có ý thức cho con học tiếng Việt. Điều cô thấy mừng là cộng đồng người Việt ngày càng đề cao tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Những lớp học ngày một đông hơn. Các phụ huynh không chỉ tích cực đưa con tới lớp, mà còn nhiệt tình hỗ trợ các giáo viên trong công tác tổ chức lớp học.

Với mong muốn việc dạy và học đạt hiệu quả cao, cô Hương luôn suy nghĩ tìm ra những phương pháp thu hút các em say mê học tiếng Việt. Cô dạy các em học và viết từ những vần thơ giản dị, trong sáng của Trần Đăng Khoa và nhiều nhà thơ khác, kết hợp các trò chơi dân gian. Để các tiết học trở nên phong phú, cô còn dạy kết hợp với nói chuyện về tình hình thời sự trong nước hoặc chủ đề ngày Phụ nữ 8/3, biển đảo quê hương, bảo vệ cây xanh... Từ đây, các học sinh cảm thấy thú vị hơn với các giờ học, cũng như gần gũi hơn với quê hương, đất nước mình.

Giáo viên như thời “Bình dân học vụ”

Gần như những đứa trẻ khi đến với lớp học của cô Hương đều không biết hoặc nói được rất ít tiếng Việt. Do các em có độ tuổi khác nhau, cô phải chia làm ba nhóm trình độ trong một lớp học. Đây là thách thức rất lớn so với giáo viên ở các lớp học thông thường khác. Thế nhưng, khi thấy các em đến trường thường xuyên, dần dần có thể đọc, hiểu và diễn kịch được bằng tiếng Việt, cô tâm sự: “đó là niềm vui không thể đong đếm. Công sức này không chỉ của bản thân tôi, mà còn là nỗ lực của các phụ huynh với ước nguyện gieo mầm tiếng Việt cho con em họ”.

Chia sẻ về những khó khăn, cô Hương chỉ chạnh lòng vì số giáo viên tiếng Việt có chuyên môn ở Đức còn rất thiếu. Các lớp học ở đây luôn có các cộng tác viên trẻ nhiệt tình, nhưng họ không được đào tạo về phương pháp sư phạm nên việc hỗ trợ dạy học chưa đạt hiệu quả cao. Cô thấy vui vì Nhà nước cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Đức rất quan tâm đến công tác dạy tiếng Việt, hỗ trợ và động viên các giáo viên kịp thời. Theo cô, những khó khăn của giáo viên tại Đức vẫn chưa thấm gì so với các thầy, cô đồng nghiệp tại những địa bàn khác như Lào, Campuchia...

Điều cô Hương quan tâm hơn là có thể đào tạo được lực lượng kế cận dạy tiếng Việt cho con em kiều bào tại đây. Vì vậy, dù đã ở tuổi nghỉ hưu, cô vẫn thường xuyên lên lớp và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các tình nguyện viên trẻ.

Hiện nay, ngoài dạy chính ở trường Sao Mai, cô còn dạy tiếng Việt ở trường Sonnenuhr và trường Robinson thuộc quận Lichtenberg (Berlin). Cô và các đồng nghiệp thường xuyên bổ sung, chỉnh sửa giáo trình dạy tiếng Việt cho phù hợp với các lứa tuổi và trẻ em sống ở nước ngoài.

Nhìn vào công việc bận rộn tại các lớp học tiếng Việt, ít người nghĩ rằng công việc chính của cô Hương lại là cuốn sushi tại một nhà hàng ở Đức. Cô cho biết đây là thu nhập chính giúp cô có nguồn hỗ trợ cho công việc thiện nguyện và thực hiện đam mê dạy tiếng Việt.

“Tôi rất yêu nghề giáo nên đã gắn bó với công việc tình nguyện này trong suốt 10 năm qua. Các đồng nghiệp của tôi vất vả kiếm sống nhưng mỗi khi lên lớp niềm vui lại đong đầy. Tôi luôn nhớ về những ân tình và các thầy cô giáo cũ ở quê hương. Đó là động lực giúp tôi vượt qua khó khăn và toàn tâm toàn ý với công việc mình làm”, cô Hương tâm sự.