Sau gần 30 năm sống và làm việc ở Ba Lan, chứng kiến thế hệ con em người Việt lớn lên coi tiếng Ba Lan là tiếng mẹ đẻ, mà quên mất tiếng Việt "của mình", TS. Đào Duy Tiến, cựu giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội và những người bạn, gồm ông Lê Xuân Lâm - Tổng biên tập tạp chí Quê Việt, Lâm Quang Mỹ - hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, họa sĩ Lợi Hồng Diệp nghĩ phải làm một điều gì đó góp phần thay đổi tình trạng trên. Trung tâm Văn hóa Văn Lang đã ra đời năm 2007 từ ý tưởng này và nhanh chóng thu hút được gần 70 học sinh.
Dạy tiếng Việt và giới thiệu về văn hóa Việt Nam cho trẻ Việt là mục đích của Trung tâm. Để hướng thanh thiếu niên hiểu về nguồn cội, Trung tâm đã đưa vào chương trình dạy các bài học về lịch sử, địa lý, văn hóa.
Nói thì dễ vậy, nhưng làm mới khó lắm thay. Không có một bộ giáo trình soạn trước, tham khảo một số giáo trình dạy tiếng Việt từ trong nước biên soạn thì thấy có quá nhiều vấn đề mà các em không hiểu được. Những người thầy trên giảng đường Đại học một thời lại phải mày mò tự nghiên cứu để đưa ra một giáo trình do chính họ biên soạn phù hợp với từng lứa tuổi, trình độ của học sinh với lớp 1 đến lớp 5 (chia theo trình độ tiếng). Trung tâm còn dự định sẽ soạn một bộ đĩa giới thiệu chung về lịch sử, văn hóa với những hình ảnh sinh động nhất kèm theo các bài giới thiệu ngắn gọn, dễ hiểu như những câu chuyện để đưa vào chương trình. Bộ đĩa sẽ thiết kế cho 360 giờ học, mỗi giờ học dài 45 phút. "Nhìn vào hình ảnh, kèm lời thuyết minh, các cháu sẽ hiểu được ngay", ông Tiến nói.
Dạy tiếng Việt, điều quan trọng đầu tiên là phát âm. Hiện tại ở Trung tâm có một lớp toàn các cháu con lai Việt - Ba Lan học. Ban đầu khó khăn lắm, mỗi cháu mỗi tính, lại ở nhiều độ tuổi khác nhau. Có cháu đến lớp chỉ ngồi chơi, hỏi thì cháu bảo tại bố mẹ cứ bắt đi học, chứ cháu không thích, phát âm tiếng Việt lại rất khó. Trong nhiều trường hợp, cô giáo phải làm nhà tâm lý để tâm sự, cùng với những trò chơi sáng tạo xen kẽ giữa các giờ học, dần dần mới lôi cuốn được các cháu. Thế nên, ở Văn Lang, ít cháu nản bỏ học giữa chừng.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức các buổi giao lưu tìm hiểu về lịch sử, địa lý, các lớp học nhạc, học vẽ, chơi trò chơi dân gian… và khuyến khích các em cùng tham gia, mở Quỹ khuyến học để động viên các em học giỏi. Không làm gì to tát, "với những hình thức nhẹ nhàng như vậy, sẽ góp phần lôi cuốn thế hệ trẻ hướng về cội nguồn", ông Lâm chia sẻ.
Thực tế cho thấy, hầu hết trẻ em Việt ở Ba Lan khi lớn lên đều có xu hướng du học ở nước thứ ba. Nhiều cháu đã làm việc cho các công ty đa quốc gia, thậm chí trở về làm việc ngay ở Việt Nam khi đất nước đã bước vào thời hội nhập. Nhìn thấy cơ hội đó, để tránh cho con cái trở thành "người lạ" trên chính quê hương xứ sở của mình, phong trào học Tiếng Việt ngày càng được các bậc cha mẹ ở đây chú ý. Điều đó đã góp phần cho ý tưởng giữ gìn tiếng Việt - văn hóa Việt cho muôn đời sau của Trung tâm Văn Lang thành hiện thực.
ĐÔNG MINH
“Sau một năm Trung tâm đi vào hoạt động, thực tế việc dạy tiếng Việt ở đây khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về chủ trương xây dựng "một bộ giáo trình chuẩn" mà Bộ Giáo dục nêu ra. Mỗi nước có một đặc thù khác nhau, nên đánh giá cái sự "chuẩn" rất khó, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được. Chúng tôi hy vọng, các cấp Lãnh đạo, Ủy ban Nhà nước về NVNONN nên tổ chức một cuộc giao lưu quốc tế dành cho những nhà giáo dục đang trực tiếp làm công tác dạy tiếng Việt ở nước ngoài. Ở Hội thảo đó, chúng ta sẽ chia sẻ kinh nghiệm và rút ra những ứng dụng cụ thể cho từng địa bàn. Hoặc thành lập một Tiểu ban tập hợp tất cả các chuyên gia dạy tiếng Việt trên thế giới hàng năm giao lưu hoặc cùng trao đổi kinh nghiệm trên một trang web lấy tên là "Tiếng Việt quốc tế" chẳng hạn”. Tiến sĩ Đào Duy Tiến |